Vợ chồng sống riêng

Cập nhật: 03-10-2012 | 00:00:00

Đã là vợ chồng thì phải sống chung dưới một mái nhà, một đứa bé cũng hiểu nôm na về điều đó. Thế nhưng vì nhiều lý do khác nhau, vẫn tồn tại một kiểu sống... “ở hai đầu nỗi nhớ”, đặc biệt là các cặp vợ chồng trẻ.

 Vì hoàn cảnh

Là đồng hương, cùng rời quê lên thành phố kiếm sống, Minh và Hân yêu nhau sau những lần họp lớp và những cuối tuần Minh “vượt ngàn dặm xa” đến chỗ Hân ở trọ. Mỗi người làm ở mỗi khu công nghiệp, hai khu lại cách nhau hơn một tiếng đồng hồ ngồi xe máy, nhưng Minh không thể mạo hiểm chuyển đến chỗ Hân mà bỏ lỡ vị trí khá tốt trong phân xưởng hiện thời. Còn Hân thì trong lúc chờ Minh tìm cho mình một việc thích hợp trong điều kiện ở gần nhau, cũng không dám rút chân khỏi xưởng may. Cưới nhau rồi, họ vẫn nhất trí chỉ gặp nhau dịp cuối tuần như thuở ban đầu. Nhà trọ ai nấy ở, cuối tuần này Minh đi thì tuần sau tới lượt Hân đến. Bạn cùng phòng của họ theo “hợp đồng” từ đầu cũng thông cảm xách gối qua phòng kế bên ở đỡ để nhường chỗ ngủ chật chội cho họ làm “loan phòng”. Với đồng lương còm cõi của những người con xa quê, họ xem việc tiết kiệm chi phí được chừng nào thì tốt chừng đó. Vì cách xa nên lúc nào cũng nhung nhớ, lại không có cơ hội “lộ nguyên hình” trong những va chạm đời thường, dường như cả hai đều tạm hài lòng với lựa chọn của mình.

Vợ chồng Khiêm - Trang thì gặp vấn đề nghiêm trọng hơn vì dính đến nhạc gia, nhạc mẫu. Cưới cô vợ là con gái duy nhất của một gia đình có của ăn của để, Khiêm không thể thuyết phục Trang về làm dâu nhà mình khi nhà anh sáu miệng ăn sống trong căn nhà ẩm thấp nơi con hẻm ngoằn ngoèo mà không ai có thể nhớ đường vào nếu chỉ đến một vài lần. Người nào từng ở rể mới thấm thía cảnh “chó chui gầm chạn” của Khiêm, mà là chạn nhà giàu lại càng khổ. Nhiều lần “bằng mặt mà không bằng lòng” rồi “đá thúng đụng nia”, cuối cùng bùng nổ một trận khẩu chiến mà hậu quả là cha mẹ vợ... đuổi cổ chàng rể, còn chàng rể hùng hổ tuyên bố trước đám đông bu quanh rằng “một đi không trở lại”.

Người thiệt thòi nhất là Trang khi từ hôm đó phải chạy đi chạy về giữa nhà cha mẹ mình và nhà chồng, không thể buông bỏ bên nào. Xin ra ngoài thuê nhà trọ thì vấp phải sự hờn trách của cha mẹ Trang và sự tự ái, sĩ diện của cha mẹ Khiêm. Lâu dần, nhờ thời gian nguôi ngoai và nỗ lực hàn gắn của Trang, hai bên đã nối lại quan hệ nhưng nhắc đến chuyện sống chung nhà vợ thì Khiêm dứt khoát nói “không”. Thành ra hai vợ chồng thỉnh thoảng gặp nhau “tình một giờ” trong khách sạn rồi mạnh ai về nhà nấy.

Tạm thời dài hạn

Mang hơi hướm “nỗi buồn thời hiện đại” có lẽ là vợ chồng Phương và Thảo. Hai người từng là “cặp đôi hoàn hảo” trong mắt bạn bè sinh viên. Khi ra trường đi làm, thêm ba năm gắn bó, dù nhận ra ít nhiều bất đồng trong quan điểm và cách sống nhưng vì thói quen có nhau và sợ những lời dị nghị mà họ vẫn tiến hành cưới hỏi. Cuộc sống chung không hạnh phúc tất nhiên không thể tránh khỏi. Thảo mệt mỏi khi phát hiện Phương là người đàn ông tính toán tiền nong, lại không có chí tiến thủ, suốt ngày chỉ chăm chăm bắt lỗi người khác. Giọt nước cuối cùng làm tràn chiếc ly chịu đựng của Thảo khi ngày nọ phát hiện  chồng có “quỹ đen” khổng lồ trong khi suốt một năm trời than thở lương bổng bèo bọt để vợ phải lo tất tật.

Thảo quyết định dọn đồ về nhà cha mẹ, chờ ngày chồng thay đổi. Phương cũng có vẻ hiểu chuyện, từ đó săn đón, yêu chiều và thật bụng với Thảo hơn, nhiều lần đã “ngồi đồng” ở nhà vợ từ chiều đến một, hai giờ sáng dù biết Thảo đi bar với bạn bè. “Giận thì giận mà thương thì thương”, có lúc mủi lòng, Thảo cũng theo chân Phương vào nhà nghỉ. Ai hỏi thăm thì Thảo bảo vợ chồng họ đang trong giai đoạn... tiền ly thân, nghĩa là khoảng thời gian tìm hiểu để ly thân, có điều không ước lượng được trong bao lâu.

Có thể ban đầu, ai chọn giải pháp vợ chồng mà sống riêng cũng nghĩ chỉ là tạm thời. Nhưng thời gian, khi không còn tính bằng “tháng” mà chuyển qua “năm” thì không còn gọi là tạm nữa. Ăn chung, ngủ chung, sống chung nhà với bao nhiêu mối lo chung, vậy mà có người còn “ngã ngửa” trước tình cảm của người bạn đời, thì đối với hoàn cảnh vợ chồng “mỗi người một nơi” nếu có chuyển thành “mỗi người một giấc mơ” chỉ là chuyện sớm muộn.

“Dù bất kỳ hoàn cảnh nào, vợ chồng mà sống trong không gian chia cắt, trong một khoảng thời gian đủ lâu để tình cảm nguội lạnh thì chuyện nói lời chia ly của một trong hai hoặc có khi của cả hai sẽ không còn là chuyện “bỗng dưng” nữa”. Anh Tuấn, một “lãng tử” đã hồi gia, tâm sự trên một diễn đàn như thế, sau hai năm bôn ba xứ người và suýt mất vợ xa con, nếu không kịp dừng chân...

Theo TNO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=418
Quay lên trên