Phút thư giãn trong vườn nhà
Nhắc tới nhạc sĩ Võ Đông Điền, chắc rằng người yêu nhạc nghĩ ngay đến “Tiếng hát chim đa đa”. Đó là hạnh phúc của người nghệ sĩ. Nhưng, bạn bè và người thân của anh thường thấy ở anh một hình ảnh của người thầy giáo hiền lành chỉn chu nhiều hơn là một nghệ sĩ. Anh từng dạy ở trường Cao đẳng Sư phạm Bình Dương. Anh cũng cho rằng, giờ chỉ thích ngồi trong khu vườn nhà yên ả mà ngắm mây trời và sáng tác nhạc...Tân nhạc - Những khúc dân ca của quê hương
Buổi sáng, khi tôi đến, đã thấy anh ngồi trong khu vườn nhà rợp bóng cây và gió cuối thu se se. Anh ngồi giữa vườn cây, nhà mái ngói rộng thênh của Võ Đông Gia Trang. Anh nói là con út nên anh có... nhiệm vụ giữ không gian sống đầy hoài niệm này của gia đình. Anh cũng khoe đây là nơi anh thích nhất bởi đã gắn bó từ tuổi thơ cho đến nay đã có cháu nội ngoại. “Không thích phiêu bồng như thời tuổi trẻ nữa, giờ tôi chỉ thích ngồi cùng bạn bè trong khu vườn nhà mình rồi đàn hát, nhìn trời mây mông lung. Thích thì viết nhạc. Thế thôi...”, Võ Đông Điền đã bộc bạch như thế.
Đây cũng là không gian mà anh đã sáng tác những ca khúc hay, ngân nga như cả miền dân ca. Con đường nhỏ dẫn vào nhà anh có cây cầu cong cong bắc qua con rạch nhỏ. Khung cảnh đúng là của một miền quê thật hiền hòa còn sót lại của quá trình đô thị hóa. Tới nhà anh, ngắm những bức tượng điêu khắc mà bạn bè tặng, được anh đặt trong vườn, bên hồ nước bỗng thấy thanh thản, nhẹ nhàng lạ lùng. Bạn bè văn nghệ ở Bình Dương nói muốn quên đi cái chộn rộn, lao xao của phố thị thì đến nhà Võ Đông Điền...
Nhạc sĩ Võ Đông Điền (ngồi bên trái) cùng ca sĩ Hương Lan và những người bạn
Ngồi thưởng thức bình trà ngon, nóng và có chút mùi, vị của gừng tươi, anh nói về chuyện viết nhạc của mình. Từ khi đi học, Võ Đông Điền đã viết nhạc. Đó là những cảm xúc của tuổi học trò nên anh không phổ biến. Sau năm 1975, tỉnh thành lập Đài Phát thanh Sông Bé. Được những người đàn anh đi trước như nghệ sĩ Thăng Long (Phòng Văn nghệ của Đài) giúp đỡ rồi... nhờ viết, anh mạnh dạn hơn với chuyện sáng tác. Theo anh thì: “Hồi đó viết nhiều lắm. Tân nhạc, cổ nhạc, câu chuyện truyền thanh... tôi đều làm được hết. Viết theo yêu cầu của đài để có chương trình phát thanh nên đó cũng là thời kỳ tôi viết sung sức nhất”. Tất nhiên, anh sinh ra và lớn lên ở quê hương Sông Bé - Bình Dương nên nhạc của anh cũng là những cảm xúc, kỷ niệm của anh dành cho quê hương.Những bài hát anh mang đậm dấu ấn quê hương có thể kể đến như: Miền đất tôi yêu; Bình Dương một khúc tình quê; Bình Dương hương sắc dịu dàng; Tân Uyên, tiếng hò bên sông; Thuận An, quê hương màu xanh... Nhưng có thể nói, đến năm 1999, khi ca sĩ Quang Linh “cất lên” những câu ngọt lịm: “Ngày nào em tuổi mười lăm/ Em hay nghe tôi ngồi đánh đàn/ Tiếng đàn làm nỗi nhớ mênh mang/ Rồi thời gian dần trôi mau...” thì tên tuổi của Võ Đông Điền càng được nhiều người biết đến. Cho đến khi nó “đứng” khá lâu trên Làn sóng xanh thì nhạc của anh càng được người nghe yêu thích hơn nữa.
Nhạc sĩ Võ Đông Điền nói: “Thực ra bài này tôi viết từ năm 1995 nhưng đến khi Quang Linh hát thì mới nổi tiếng thế. Chuyện tình trong bài hát cũng là chuyện tình câm lặng của tôi với cô bé cùng xóm, gần nhà. Mỗi lần tôi đàn, em ngồi nghe và tôi cứ tưởng là em vẫn còn nhỏ lắm...”. Anh bảo mình thích được các ca sĩ Quang Linh, Hương Lan, Tâm Đoan... thể hiện những bài hát vì nhạc của anh thường mang âm hưởng dân ca. Chất giọng của các ca sĩ này rất phù hợp với nhạc Võ Đông Điền. Bình thản, điềm đạm nên ở anh dường như nổi tiếng hay không chẳng quan trọng gì cả. Anh vẫn miệt mài sáng tác những khúc hát tình quê, tình người cho Bình Dương, vùng đất quê hương anh.
Và cổ nhạc để dàn trải nỗi lòng...Người yêu nhạc biết đến nhạc sĩ Võ Đông Điền như một người viết tân nhạc thế nhưng về cổ nhạc, anh cũng có nhiều bài thật hay. Mới đây, anh chọn lọc và xuất bản tập ca cổ “Bình Dương mùa trái chín” (NXB Trẻ TP.HCM - 2009) với 33 bài vẫn viết về quê hương, tình yêu, tình mẹ... Những bài vọng cổ của anh nghe thật hay, thật... thấm thía có thể kể đến như: Núi đôi (thơ Vũ Cao), Bông bưởi trắng, Lấy chồng xa, Đêm giao thừa nghe một khúc dân ca...
Nói về ca vọng cổ, Võ Đông Điền cho biết, anh là người Nam bộ nên những lời ca đã thân quen như ruột thịt. Anh còn ca rất hay mà như anh nhận xét là “dàn nhạc không phải... mất công chạy theo!”. Anh cũng có thể dùng đàn ghi-ta dạo vọng cổ. Anh cũng chơi được nhiều nhạc cụ khác như piano, mandolin... Từ ca được rồi mê ca cổ, anh đã tự học để sáng tác vọng cổ luôn. Hầu hết là anh viết lời ca cổ cho những bản nhạc có sẵn của mình. Điều này như anh nói là: bài hát, với những giai điệu mang tính khuôn thức không nói hết được nỗi lòng. Trong khi đó ở bài vọng cổ thì người sáng tác có thể dàn trải lòng mình một cách thoải mái, diễn đạt tình cảm được nhiều hơn, sâu lắng hơn. Những bài tân nhạc anh yêu thích như: Màu hoa bí, Tiếng hát chim đa đa, Xin đừng trách đa đa... anh đều đã chuyển thể sang ca cổ.
Riêng với bài Anh sẽ về thăm lại quê em viết năm 1978 là bài được nhiều người hát nhất. Anh nói có một kỷ niệm gắn với một tình cảm xúc động, chân tình là bài này thường được những người tham gia chiến trường K năm 1979 hát cho nhau nghe. Một anh bộ đội xuất ngũ từ chiến trường Campuchia nói với nhạc sĩ Võ Đông Điền là họ hay ca bài Anh sẽ về thăm lại quê em như một sự động viên, khích lệ, một lời hứa hẹn vậy. Những lời nhạc: “Anh đến quê em một sớm mai hồng/ Mây nước bềnh bồng trên những dòng sông/... Sông Bé cao su dòng sữa mẹ hiền/ Cây trái vào mùa thơm ngát sầu riêng/ ...Non sông trọn một lời thề/ Anh sẽ trở về thăm lại quê em...” như là hình ảnh của hậu phương đang chờ đợi họ ngày trở về.
Võ Đông Điền nói: “Cả nhà tôi không ai theo con đường thi ca, nghệ thuật hết. Bà xã tôi trước là một nhà giáo. Con trai, con gái học xong cũng đi làm như những công chức bình thường. Con tôi chỉ tự hào về ba chứ không theo nghề của ba...”. Vui thú điền viên, tự tay chăm vườn cây, chậu cảnh, đi đến đâu thấy “tượng gì hay hay, cây gì đẹp đẹp” lại mua, đem về nhà mình là hình ảnh thường nhật của Võ Đông Điền sau khi anh đã xong phận sự ở cơ quan. Anh cho biết công việc cơ quan và đại biểu HĐND tỉnh khiến anh bận rộn nhưng anh luôn dành thời gian, cảm xúc cho những dòng nhạc mới. Anh vẫn ngập tràn niềm cảm xúc để viết về quê hương, tình yêu.
QUỲNH NHƯ