Vỡ mộng vì... vỡ hụi!

Cập nhật: 09-09-2019 | 08:19:35

Gom góp tiền để đóng vào các dây hụi với mong muốn dành dụm số tiền này để phòng thân, nhưng nhiều người tá hỏa khi bà H., một người được coi là có thâm niên, uy tín khi làm chủ nhiều dây hụi ở xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng tuyên bố “bể hụi”. Nhiều người lâm vào cảnh khó khăn khi tiền mất, có người trở thành con nợ! Đây là một thực tế đáng buồn hiện đang xảy ra khá phổ biến khi người chơi hụi đến với nhau chủ yếu do “lòng tin”.


Nhiều người tham gia các đường dây hụi do bà H. làm chủ mong muốn cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ sự việc

Khốn đốn vì vỡ hụi!

Đến ấp Lai Khê và ấp Bến Tượng, thuộc xã Lai Hưng vào một ngày đầu tháng 9, chúng tôi ghi nhận hàng chục hộ dân nơi đây đang hoang mang, lo lắng khi bà Bùi Thị H. (55 tuổi, ngụ ấp Bến Tượng) làm chủ nhiều dây hụi bỗng dưng “biến mất”.

Theo tìm hiểu của P.V, tính đến thời điểm này, tại ấp Lai Khê và ấp Bến Tượng đã có hàng chục hụi viên là nạn nhân. Tổng số tiền ban đầu ước tính vài tỷ đồng được các hụi viên đóng hàng tháng cho bà H. Được biết, sau thời gian làm “chủ hụi”, bà H. bỗng dưng không còn ở địa phương khiến nhiều người lo lắng. Có trường hợp không tiền mua thuốc chữa trị bệnh cho người thân; nhiều người lâm vào tình cảnh nợ nần; nhiều người già mất sạch tiền dành dụm dưỡng già.

Căn nhà cấp bốn tuềnh toàng ở ấp Bến Tượng là tổ ấm của bà Nguyễn Thị Hòa (85 tuổi) và đứa cháu tật nguyền. Cầm trên tay cuốn sổ ghi lại ngày tháng đóng tiền hụi cho bà H., bà Nguyễn Thị Hòa không giấu được nước mắt khi tiếp chuyện với P.V. Nguyên nhân khiến gia đình bà Hòa trở nên khốn khó là do bà H. “bể hụi”. Theo bà Hòa, đầu năm 2017, bà bắt đầu tham gia đường dây hụi do bà H. làm chủ. Cứ mỗi tháng bà Hòa đóng 850.000 đồng tiền hụi cho bà H. Sau khi bà Hòa đóng xong 14 tháng tiền hụi, đến ngày hốt hụi, bỗng dưng bà H. “biến mất”. “Đầu năm 2017, tôi dùng số tiền tích góp dưỡng già và lo cho đứa cháu tật nguyền đem đóng hụi cho bà H. Đến ngày hốt hụi, tôi đến nhà bà H. để lấy tiền thì được biết bà này không còn ở địa phương. Gia đình tôi vốn đã khó khăn nay càng thêm khốn đốn, chật vật vì không có tiền mua thuốc cho đứa cháu”, bà Nguyễn Thị Hòa cho biết.

Bà Phan Thị Kim Loan (47 tuổi) ngụ ấp Bến Tượng, cho biết “Số tiền 414 triệu đồng mà tôi chung 5 dây hụi tuần và hụi tháng cho bà H. là của người thân trong gia đình gom góp.

Trước đây, nhiều lần chúng tôi có chơi hụi với bà H. Những lần trước đó bà khui hụi đúng kỳ, đúng lãi nên tôi tin tưởng mượn tiền của người thân trong gia đình chung hết vào đó. Sau ngày bà H. ôm tiền hụi đi khỏi địa phương, gia đình tôi đã xảy ra nhiều chuyện bất hòa vì nợ nần chồng chất”.

Một trong những nạn nhân có hoàn cảnh thương tâm nhất trong vụ việc “chủ hụi” ở xã Lai Hưng trốn khỏi địa phương là ông Châu Văn Ngọc (57 tuổi) ngụ ấp Bến Tượng. Để có thêm thu nhập, hàng ngày, ông Ngọc phải thức khuya, dậy sớm để kinh doanh nước giải khát ở chợ. Được bao nhiêu tiền tích góp lo cho tuổi già ông Ngọc tham gia nhiều dây hụi do bà H. làm chủ. Tổng cộng ông đã đóng vào các dây hụi này hơn 662 triệu đồng. Vào thời điểm bà H. “bể hụi”, vì buồn rầu nên vợ ông Ngọc ngã bệnh, sau đó bà chết do không có tiền chữa trị. Trò chuyện với P.V, ông Châu Văn Ngọc nói trong nước mắt: “Chỉ vì quá tin tưởng bà H. mà gia đình tôi phải khổ sở. Vợ tôi bị suy sụp tinh thần khi nghe tin bà H. đi khỏi địa phương. Khi vợ tôi lâm bệnh, gia đình không có tiền chạy chữa...”.

Đang là Trưởng ban Điều hành ấp Bến Tượng, mỗi tháng, bà Vương Minh Châu (72 tuổi) được hưởng phụ cấp gần 2 triệu đồng. Cứ nghĩ số tiền được Nhà nước phụ cấp hàng tháng tham gia vào 3 đường dây hụi do bà H. làm chủ xem như bỏ vào ống heo để dưỡng già. Tuy nhiên, bà Châu cũng trở thành nạn nhân của bà H. Tiếp chuyện với P.V, bà Vương Minh Châu cho biết: “Cứ nghĩ bà H. là người gần nhà nên tôi đặt niềm tin, luôn nghĩ rằng sẽ không bị giật hụi. Có bao nhiêu tiền tôi đóng hết vào 3 dây hụi tháng. Đến đầu năm 2018, số tiền tôi đóng vào các dây hụi là gần 70 triệu đồng. Đây là số tiền dành dụm để sau ngày nghỉ hưu lo cho cuộc sống tuổi già. Hiện nay, ở ấp Bến Tượng có trên 20 hụi viên đóng cho bà H. gần 2 tỷ đồng. Chúng tôi mong muốn cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc xử lý đối tượng trốn hụi để các hụi viên lấy lại được tiền”.

Trong vẻ mặt thấp thỏm vì lâm nợ do chơi hụi, bà Phan Thị Kim Loan (47 tuổi) ngụ ấp Bến Tượng, là hụi viên trong 5 đường dây hụi do bà H. làm chủ. Bà Loan cho biết “Số tiền 414 triệu đồng mà tôi chung 5 dây hụi tuần và hụi tháng cho bà H. là của người thân trong gia đình gom góp. Trước đây, nhiều lần chúng tôi có chơi hụi với bà H. Những lần trước đó bà khui hụi đúng kỳ, đúng lãi nên tôi tin tưởng mượn tiền của người thân trong gia đình chung hết vào đó. Sau ngày bà H. ôm tiền hụi của các hụi viên đi khỏi địa phương, gia đình tôi đã xảy ra nhiều chuyện bất hòa vì nợ nần chồng chất”.

Cơ quan chức năng nào thụ lý vụ việc (?)

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Lê Thị Liên, đoàn Luật sư tỉnh Bình Dương, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Việt Việt, cho biết: Chủ hụi, thành viên, cá nhân, tổ chức liên quan có quyền đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người có hành vi cho vay nặng lãi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật hoặc các hành vi vi phạm pháp luật khác khi tham gia quan hệ về hụi, họ.

Căn cứ theo các quy định của pháp luật, trong trường hợp bà H. chưa bỏ trốn khỏi địa phương, bà H. vẫn công nhận về việc chơi hụi và mong muốn khắc phục hậu quả của việc vỡ hụi, không có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, huy động vốn trái pháp luật… thì tranh chấp phát sinh giữa các bên có thể được giải quyết bằng thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu tòa án giải quyết theo quy định.

Do bà H. có địa chỉ tại ấp Bến Tượng, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương, nên căn cứ Khoản 3 Điều 26, điểm a Khoản 1 Điều 35 và điểm a Khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 thì Tòa án Nhân dân huyện Bàu Bàng là cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc này.

Đối với trường hợp bà H. đã bỏ trốn khỏi địa phương, tùy theo tính chất, mức độ trong hành vi của bà H. Nếu có căn cứ chứng minh việc bà H. bằng thủ đoạn gian dối của mình đã có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ; tài sản là kỷ vật, di vật, đồ thờ cúng có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

“Chơi hụi là hình thức góp vốn xoay vòng. Hình thức này mang tính tương trợ lẫn nhau để người tham gia có thể tiếp cận được nguồn vốn, cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Tuy nhiên, chính vì sự dễ tham gia, thời gian qua nhiều “chủ hụi ” đã lợi dụng lòng tin của hội viên để huy động vốn, sau đó công bố vỡ hụi, hoặc biến mất khỏi địa phương khiến nhiều gia đình hụi viên lâm vào tình cảnh nợ nần, khó khăn trong cuộc sống”.

(Luật sư Lê Thị Liên, Giám đốc Công ty Luật TNHH MTV Việt Việt)

 THANH QUANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=5032
Quay lên trên