Ngồi đối diện với P.V, bà Huỳnh Thị H., một phụ nữ vừa bước sang tuổi 40 lộ rõ vẻ mệt mỏi. Vừa trả lời nhát gừng bà vừa lẩm bẩm “Tui bị nó bỏ bùa lấy hơn 180 triệu đồng”. Bà đã tìm mọi cách để liên hệ với người mà bà gọi là “nó” nhưng không được.
Theo phản ánh của bà H., người tư xưng là Ray Imran đã kết bạn với bà, hứa tặng quà sau đó lặn mất tăm
“Mơ về hoàng tử ở trời Tây”
Những ngày đầu tháng 4, bà H. được một chủ nhà trọ ở TX.Tân Uyên chở đi tìm người đã lừa mình, đồng thời đến trình báo sự việc cho cơ quan chức năng. Theo chị chủ nhà trọ, khi nghe thông tin về việc bà H. bị kẻ xấu lừa tiền, chị đã chủ động hỏi thông tin và động viên đến cơ quan chức năng trình báo sự việc. Trong khi đó bà H. và người thân của bà thì cho rằng nạn nhân bị “bỏ bùa”.
Số tiền mà bà H. bị lừa hơn 180 triệu đồng. Đó là tiền của mồ hôi, nước mắt mà vợ chồng bà dành dụm được sau hơn 10 năm sống và làm việc tại Bình Dương. Với vẻ mặt thất thần, mệt mỏi, bà cho biết sau hàng chục năm lăn lộn, khi đã có số vốn, hai vợ chồng bà đã có một kế hoạch tương lai. Tuy nhiên sau sự cố này, bà không dám chắc cái kế hoạch đó có còn thực hiện được không!
Trong những ngày được nghỉ ở phòng trọ, bà H. dùng điện thoại thông minh lên mạng và nhận được khá nhiều lời mời kết bạn của những người đàn ông tuổi trung niên. Đầu tắt mặt tối bao năm, ít quan tâm đến bề ngoài, nay tự dưng có người mở lời khen khiến cho một phụ nữ mới bước qua tuổi 40 như bà vui lắm. Trong số những người bạn, bà thích trò chuyện nhất là một người đàn ông tên Ray Imran, từng học một trường đại học danh tiếng của Malaysia.
Chỉ trong một thời gian ngắn hai bên đã tâm sự với nhau rất nhiều chuyện. Rồi đến một ngày, ông Ray ngỏ ý muốn tặng cho bà H. một món quà nhỏ để giao kết tình thâm. Bà H. vui khó tả vì được khen, được trò chuyện với người nước ngoài, nay lại được tặng quà. Bà chuyển ngay địa chỉ cho ông Ray rồi hồi hộp chờ nhận quà từ nước ngoài.
Tuy nhiên sau đó không lâu ông Ray liên lạc với bà H. và tỏ vẻ thất vọng vì làm phiền lòng người đẹp. Theo bà H., ông ấy cho biết đã chuyển “một món quà nhỏ nhưng có giá trị” cho bà, tuy nhiên vì quà giá trị quá cao nên đã bị nhà chức trách giữ lại và yêu cầu đóng phí. Ông nhờ bà đóng phí giùm để được nhận quà. Bà H. không nghi ngờ gì, bà ra ngân hàng rút tiền chuyển ngay vào tài khoản của một cá nhân được ông Ray chỉ định. Sau khi chuyển tiền, quà vẫn chưa đến khiến bà H. nóng lòng nên khi nhận được đề nghị chuyển tiền tiếp, bà không ngần ngại ra ngân hàng rút và chuyển. Có ngày bà chuyển 2 lần hết 60 triệu đồng. Càng chuyển tiền, bà H. càng nóng ruột vì vẫn chưa thấy món quà đâu và khi liên tiếp nhận được lời đề nghị chuyển tiền của ông Ray, bà thực hiện ngay. Tổng cộng bà H. đã thực hiện 6 lần chuyển tiền để được nhận quà. Hơn 180 triệu đồng trong tài khoản của hai vợ chồng bà đã “bốc hơi”.
Thấy con mồi đã dính lưới, những ngày sau đó đối tượng này tiếp tục yêu cầu bà H. chuyển tiền để được nhận quà. Tuy nhiên đến lúc này bà H. không còn hứng thú gì với “món quà nhỏ” kia nữa, bà liên lạc với ông Ray đòi lại tiền nhưng không ai nghe máy. Có khi điện thoại đổ chuông nhưng đầu dây bên kia sổ một tràng tiếng nước ngoài khiến bà “đứng hình”.
Quà “từ trên trời rơi xuống!”
Trước tình hình tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản thông qua mạng xã hội liên tục xảy ra, cơ quan chức năng đã có công văn khuyến cáo người dân cảnh giác với thủ đoạn này. Theo khuyến cáo, các đối tượng là người nước ngoài thông qua mạng xã hội để kết bạn với người bị hại, đa số các nạn nhân chúng đưa vào bẫy là phụ nữ.
Trung tá Lâm Hồng Vũ, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, cho biết so với trước, thời gian gần đây tình trạng lừa đảo qua mạng xã hội đã giảm đáng kể. Để nâng cao tinh thần cảnh giác của người dân, lực lượng công an luôn chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền về thủ đoạn của loại tội phạm này. Cũng theo trung tá Vũ, tỷ lệ vụ án liên quan đến thủ đoạn lừa đảo này được điều tra làm rõ là rất ít. Có nhiều nguyên nhân: Do đối tượng gây án ở nước ngoài, có nhiều nạn nhân không đến trình báo cơ quan chức năng vì ngại... |
Thủ đoạn của đối tượng là sau khi quen biết các nạn nhân một thời gian, chúng nhắn tin, nói chuyện để tạo niềm tin. Khi đã được lòng tin, bọn chúng gợi ý gửi quà tặng có giá trị cao, như: Điện thoại di động, máy tính xách tay, túi xách, thời trang, mỹ phẩm… Chúng còn cho nạn nhân biết kèm theo những món quà này là số ngoại tệ rất lớn. Sau khi đưa nạn nhân vào bẫy, các đối tượng tiếp tục cấu kết với đồng bọn là người Việt Nam giả danh nhân viên hải quan sân bay, nhân viên công ty vận chuyển và gọi điện thoại đến người bị hại để thông báo gói hàng đã được chuyển về Việt Nam. Để nhận được hàng, các đối tượng yêu cầu bị hại phải chuyển tiền làm các thủ tục khác nhau, như: Tiền thuế, tiền bảo hiểm, tiền phạt, tiền làm thủ tục hải quan... Sau đó bọn chúng đưa số tài khoản của đồng bọn là người Việt Nam để nạn nhân chuyển tiền vào. Sau khi tiền được chuyển, ngay lập tức toàn bộ số tiền này được chuyển sang tài khoản ở nước ngoài thông qua dịch vụ E-Banking và chiếm đoạt.
Chỉ tính riêng từ năm 2017 đến 2018, cùng với thủ đoạn, phương thức nêu trên các đối tượng đã tổ chức lừa đảo 10 vụ, chiếm đoạt tài sản của các nạn nhân, trong đó chỉ riêng 6 tháng đầu năm 2018, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4 vụ lừa đảo với hình thức nêu trên, tổng số tiền thiệt hại của nạn nhân hơn 3,1 tỷ đồng.
Một số vụ việc điển hình như trường hợp của chị Nguyễn Thị Th. (SN 1981, ngụ TP.Thuận An) quen biết trên mạng xã hội với đối tượng tên Yannameteee Wetkama. Đối tượng này tự giới thiệu là người Nhật và đang sinh sống ở Đức, đối tượng này sau đó nhắn tin thông báo cho chị Th. sẽ gửi quà tặng là điện thoại iPhone, iPad, Laptop HP, đồ trang sức và 5.000 USD. Sau đó đối tượng yêu cầu chị Th. phải trả khoản phí phạt do số tiền quá lớn... Tin lời, chị Th. đã bị đối tượng lừa số tiền 838 triệu đồng.
Vào đầu tháng 1-2018, qua mạng xã hội Facebook, chị Bùi Thị H. (SN 1989, quê Thanh Hóa, tạm trú tại phường Lái Thiêu, TP.Thuận An) kết bạn qua mạng xã hội với 1 người tên Walker Jackson. Cùng với thủ đoạn như trên, chị H. bị lừa chiếm đoạt hơn 93 triệu đồng. Tiếp sau đó, tháng 2-2018, chị Trần Thị U. (SN 1986, quê Bắc Giang) tạm trú tại thị trấn Lai Uyên, huyện Bàu Bàng kết bạn qua mạng xã hội Faccebook với đối tượng tên Pronx Josh cũng gửi hàng cho chị và yêu cầu chuyển tiền. Tổng cộng số tiền chị U. bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 508 triệu đồng.
Choáng với món hàng trị giá 1,2 tỷ USD Thông qua mạng xã hội Facebook, anh D. (SN 1972, ngụ TP.Thủ Dầu Một) kết bạn với người phụ nữ tự nhận tên Maguette Justine. Bà ta giới thiệu là quân nhân Mỹ, hiện đang sống ở Orlando, Florida. Sau nhiều lần trò chuyện trên mạng, đối tượng nhờ anh D. nhận và giữ cho bà ta kiện hàng trị giá 1,2 tỷ USD gửi từ Syria (theo lời đối tượng là do Chính phủ Syria bồi thường cho bà ta trong chiến tranh). Ngay sau đó, anh D. tiếp tục nhận được điện thoại của một người tự xưng là nhân viên công ty vận chuyển và yêu cầu phải nộp tiền thuế thông quan. Anh D. đã nộp tổng cộng 10 lần vào nhiều số tài khoản khác nhau với số tiền hơn 820 triệu đồng. Khi không nhận được kiện hàng, anh D. liên lạc với đối tượng thì không thể liên lạc. |
L.T.PHƯƠNG