Học được những tuyệt kỹ từ anh mình là võ sư Hà Trọng Ngự, ông đã thượng đài từ rất sớm, thắng nhiều đối thủ đáng gờm. Khi chia tay sàn đấu, ông dạy võ nhiều nơi với tâm nguyện truyền bá võ thuật Việt Nam. Hiện ông dạy võ tại 126/4A Lê Văn Thọ, P.11, Gò Vấp, TP.HCM.
6 tuổi, Hà Trọng Khánh đã được anh ruột là võ sư Hà Trọng Ngự, truyền dạy những đòn thế của phái võ Bình Định. Có năng khiếu và được sự tận tình dạy dỗ của anh, Hà Trọng Khánh tiến bộ rất nhanh. Học võ, mà chỉ luyện quyền, biểu diễn không thôi, thì chưa phải là võ thuật. Mà nó còn phải đối luyện, đối kháng với các võ sĩ của phái khác. Chính con đường thượng đài, đối kháng đó đã giúp các võ sĩ trưởng thành hơn, giúp võ thuật phát triển lên một tầng nấc mới. Vì võ thuật chính là nghệ thuật chiến đấu của con người. Cũng như anh mình là võ sư Ngự, Hà Trọng Khánh rất thích thượng đài. Anh thượng đài từ rất sớm. Tính đến nay, Hà Trọng Khánh đã có khoảng 70 trận so găng thượng đài. Chủ yếu là các võ đài ở khu vực các tỉnh duyên hải miền Trung và các tỉnh Tây nguyên, Nam bộ.
Võ sư Hà Trọng Khánh (phải) với các môn sinh và một vài đường đạo, côn cơ bản
Hai trận đấu nhớ đời
Thượng đài nhiều, phần lớn là thắng và hòa, nhưng để lại trong trí nhớ võ sư Khánh và bạn bè võ thuật là hai trận đấu giữa anh với Nguyễn Thành Triều và trận đấu với Hồng Dung.
Nguyễn Thành Triều là võ sĩ của võ đường Nguyễn Thành Công, ở Tuy Phước, Bình Định. Lúc đó võ sư Khánh khoảng 25 - 27 tuổi. Trận đấu diễn ra tại xã Phước Nghĩa, Tuy Phước, Bình Định. “Võ sĩ Thành Triều là lớp võ sĩ đàn anh, nhiều kinh nghiệm trận mạc và đòn thế hơn. Khi chấp nhận thượng đài là chúng tôi đã xác định trước là khó thắng. Do đó tôi lấy tên giả là Lý Huỳnh Hiệp, ở Sài Gòn ra đấu, để lỡ thua cũng đỡ mang tiếng cho võ đường của anh Ngự. Nhưng không ngờ tôi lại thắng, mà thắng áp đảo”. - võ sư Hà Trọng Khánh, nhớ lại.
Trận đấu đó được võ sư Khánh kể lại như sau: “Hiệp một, tôi thi đấu dè dặt từng đòn thế. Chủ yếu để thăm dò đối phương. Thành Triều đánh phủ đầu, tấn công liên tục. chiêu thức của Thành Triều là hai chân đá rất hay, cộng với đòn tay thẳng rất “nhặm” (nghĩa là nhanh - NV). Tôi tránh né đòn, mượn lực địch để đánh địch. Hai tay kẹp kỹ để thủ và tìm cách nhập nội, đánh cận chiến. Tôi nghĩ cách tiêu hao địch bằng những chiêu phá bộ tấn của Thành Triều. Sang hiệp hai, đối phương xuống sức. Nắm được thực tình đó, tôi vừa tấn công vừa thủ. Chủ yếu dùng gối và chỏ áp sát tấn công. Nguyễn Thành Triều bắt đầu “hạ xuống”, trở về thế phòng ngự. Sang hiệp ba, tôi đánh áp đảo và thắng”. Đó là năm 1983.
Trận thứ hai, ông đánh với võ sĩ Hồng Dung là học trò của thầy Năm Mãi của võ đường Hồng Khanh (Bình Định). Nơi họ so găng là võ đài ở trường Trưng Vương, xã Phước An, Tuy Phước, Bình Định. Hôm đó là ngày mùng một Tết năm 1985. Hồng Dung cũng là võ sĩ lớp đàn anh của Khánh. Ở khu vực miền Trung thời đó, tay đấm Hồng Dung không có đối thủ. “Khi nhận lời đấu với Hồng Dung, võ đường Hà Trọng Ngự chúng tôi phải xóa độ với La Thanh Hải ở Gia Lai. Lúc đầu, anh Ngự tính đưa võ sĩ Trọng Bảo ra đấu với Hồng Dung, nhưng Bảo không dám đấu. Để giữ thể diện cho võ đường, tôi nhận lời ra đấu”. - võ sư Khánh kể.
Ở hai hiệp đầu, võ sĩ Hồng Dung chiếm ưu thế, ra đòn tới tấp. Sang hiệp ba, phán đoán ra chiêu thức của Hồng Dung dùng đòn đá chân trái rất hay, từng hạ nhiều đối thủ bằng đòn này, võ sư Ngự chỉ đạo Khánh phải nội nhập để đánh để phá thế. Nghe lời, Trọng Khánh vừa tấn công vừa thủ chờ thời cơ. Khi Hồng Dung tung ra đòn đá trái, chặt gót trái vào vùng bụng, lập tức Khánh bỏ chân trái tới, tay trái đỡ. Đồng thời lăn tròn người nhập nội đánh hai chỏ lái liên tiếp vào bụng, xoay về thuận đánh gối phải vào vùng bụng đối phương. Ngay sau đó, Khánh tung chỏ ngay vào mặt. Trúng đòn, võ sĩ Hồng Dung choáng váng. Nhưng vẫn chưa bị đánh bại. Hồng Dung lại tiếp tục tung đòn chân trái, lập tức Khánh bay nhập nội cả gối chỏ vào đối phương. Hồng Dung gục tại chỗ. Khánh bay rơi nằm trên sàn đài, đập lưng trên cạnh sàn đài và rớt xuống nằm tại chỗ. Trọng tài đếm, nhưng không ai đứng dậy được.
Năm 1986, võ sư Hà Trọng Khánh đi dạy võ ở huyện Sông Cầu, Phú Yên. Hơn một năm sau, anh về lại quê nhà Bình Định phụ dạy ở võ đường Hà Trọng Ngự ở Quy Nhơn. Năm 1987, võ sư Khánh lên Đắc Lắc dạy võ ở huyện Ea Kao. Gần một năm sau, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa mời về dạy cho huyện đoàn thanh niên huyện Ninh Hòa. Võ sư Khánh mở võ đường ở thôn Thanh Mỹ, xã Ninh Quang, Ninh Hòa, Khánh Hòa. Hơn một năm sau võ sư Khánh về lại Đắc Lắc. Tháng 2-2010 xuống TP.HCM dạy võ tại 126/4A Lê Văn Thọ, P.11, Gò Vấp, TP.HCM thuộc võ đường Hà Trọng Ngự, phái Việt Nam Võ Ta - Tây Sơn Bình Định.
Dạy võ theo... bẩm sinh
Võ Bình Định ưu thế là gối, chỏ. Đòn thuận và đòn nghịch đều như nhau. Phân tích cự ly để đánh. Cự ly gần thì đánh chỏ, gối cự ly xa thì đánh bằng chân. Nhập nội thì đánh gối, chỏ khi cận chiến. Theo võ sư Khánh và võ sư Hà Trọng Ngự, thì võ Bình Định có 5 chiêu gối và 10 thế chỏ. Chúng đều là những đòn thế có tính sát thương cao và là tinh hoa, nét đặc trưng của phái này.
Nhiều năm lăn lộn trên trường đấu và huấn luyện võ thuật, võ sư Hà Trọng Khánh đúc rút ra nhiều kinh nghiệm cho việc dạy võ, học - luyện võ của mình. Ông nói: “Học võ là phải chấp nhận gian khổ, hy sinh những thú vui. Không ham nhậu, không hút thuốc, không đi chơi... để tập trung chí hướng vào võ thuật và việc luyện võ. Mỗi khi nhận môn sinh, tôi đều nói với học trò điều đó”. Phương pháp dạy võ của võ sư Khánh là dạy theo năng lực từng võ sĩ. Đào sâu vào năng khiếu của võ sĩ đó. Xoáy sâu vào năng khiếu đó để phát huy sở trường, nét cá biệt của từng người, không dạy tràn lan. Qua một thời gian tập luyện, khoảng 2 - 3 tháng, ông cho học trò so găng, đấu với nhau trên võ đài, ở trong võ đường. Từ những trận đấu đó, ông nhìn ra tố chất riêng, những tố chất đặc biệt của từng học trò để bồi dưỡng, phát huy thêm.
Cũng với phương pháp đó, ông dạy cho con trai Hà Trọng Hoàng Phi, tuyển thủ quốc gia đánh Kick Boxing và Hà Trọng Hoàng Vỹ. Sở trường của Hoàng Phi là có đòn đá phá đùi, bộ tấn đối phương và đòn tay số 2, đặc biệt là đòn tay số 4 gây choáng đối phương. Tháng 11-2009, Hoàng Phi giành huy chương bạc toàn quốc tại giải CLB Boxing 2010. Hoàng Vỹ lại có đòn đánh đều nhau, ưu thế là đòn tay trực diện. Vỹ vừa đoạt huy chương đồng toàn thành tại giải Muay Thai.
Tâm nguyện của võ sư Khánh hiện giờ là đưa võ Bình Định và võ Việt Nam càng ngày càng phát triển. Điều ông mừng nhất là được dạy lại những đòn thế của gối, chỏ cho học trò sau nhiều năm chúng bị cấm. Nhưng đó cũng là điều khiến ông tủi, bởi vì đó là những chiêu thức, đòn thế của võ thuật Việt Nam, do người Việt Nam sáng tạo ra, nhưng lại phải mang tên Muay Thai (!?). Đó không chỉ là một sự thiệt thòi cho võ thuật Việt Nam và người Việt Nam, mà đó còn là nguy cơ thất truyền, là danh dự của võ thuật và người Việt Nam nữa.
Chia tay vị võ sư, lòng tôi cũng thấy bùi ngùi khi nhìn thấy nỗi buồn đó trong mắt ông.
ĐỨC THỌ