Võ Văn Kiệt - người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Cập nhật: 22-11-2012 | 00:00:00

Bài 2: Dấu ấn trên những công trình thế kỷ

Đồng chí Võ Văn Kiệt được ghi nhận, đánh giá là một trong những người đi đầu trong công cuộc đổi mới ở Việt Nam kể từ năm 1986, là “tổng công trình sư” nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới. Những công trình như đường dây tải điện 500kV Bắc- Nam, các công trình thủy điện Thác Mơ, Yaly, Hàm Thuận - Đami, cầu Mỹ Thuận, Nhà máy lọc dầu Dung Quất… đã ghi đậm dấu ấn của người lãnh đạo quyết đoán, tài năng Võ Văn Kiệt.

Từ chuyện “xé rào”

Cho đến bây giờ, người dân TP.Hồ Chí Minh vẫn quen thuộc với những từ “tháo gỡ”, “cởi trói”, “xé rào” mà người Bí thư Thành ủy khéo léo áp dụng trong những năm trước đổi mới, để đưa TP.Hồ Chí Minh trở thành trung tâm văn hóa, công nghiệp, thương mại lớn của cả nước.    Công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, ghi đậm dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt

Theo các nhà nghiên cứu, bước đột phá đầu tiên trong phát triển kinh tế ở TP.Hồ Chí Minh lúc bấy giờ là khâu lưu thông, phân phối hàng hóa. Lúc đó dân thì đói, tiền trong ngân sách có nhưng không thể xuống đồng bằng sông Cửu Long để thu mua lương thực. Là Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm cao nhất trước Đảng và nhân dân thành phố, ông Võ Văn Kiệt luôn trăn trở, lo lắng cho đời sống lúc đó của hơn 3 triệu dân. Ông từng tuyên bố trước lãnh đạo các ban, ngành: “Không thể để một người dân nào của thành phố chết đói”. Nói là làm, ông đã tập hợp cả tập thể Thành ủy và những người liên quan thành lập “tổ thu mua lúa gạo” xuống đồng bằng sông Cửu Long mua gạo theo giá thỏa thuận với nông dân. Có cán bộ từng bảo với ông: “Làm cách này thì chúng tôi làm được, nhưng nếu Trung ương biết là đi tù đó”. Ông vừa cười vừa nói: “Nếu do việc này mà anh, chị đi tù thì tôi sẽ mang cơm nuôi”. Một câu nói như một lời thề mà đến nay nhiều  người thường hay nhắc lại.

Mua lúa theo giá thị trường bây giờ thật đơn giản, nhưng lúc đó là cả một sự tày đình. Cái mốc “phá giá” này đã đẩy giá lúa khắp đồng bằng sông Cửu Long lên 2,5 đồng/kg, cao hơn nhiều so với giá chỉ đạo (0,25 đồng/kg). Không lâu sau, mức giá đó lan ra cả nước. Sự đột phá của Công ty Lương thực TP.Hồ Chí Minh không chỉ cứu cái bao tử của 3 triệu dân thành phố mà còn cứu nông dân cả nước ra khỏi cơ chế giá nghĩa vụ quá lỗi thời, dẫn đến sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 2 khóa IV “về phân phối lưu thông”, xóa bỏ ngăn sông, cấm chợ, bãi bỏ các trạm kiểm soát trên trục giao thông, xóa bỏ chế độ thu mua và bao cấp chuyển sang cơ chế giá thị truờng.

Xuyên suốt quá trình lãnh đạo đất nước, với tầm nhìn xa, trông rộng, ông luôn đưa ra nhiều đột phá táo bạo trong nhiều lĩnh vực: ngoại thương, ngân hàng, kết cấu hạ tầng, đối ngoại… Trên trường quốc tế, ông được xem là người đại diện cho xu thế đổi mới mà báo chí nước ngoài thường giới thiệu ông qua hình ảnh nụ cười Việt Nam. Bằng những hoạt động của mình, ông đã góp phần từng bước xóa bỏ những định kiến hẹp hòi của các nước do nhiều nguyên nhân khác nhau đã từng là bức tường ngăn cách sự giao tiếp của dân tộc ta với thế giới. Bức tường đó dần dần bị đẩy lùi nhường chỗ cho niềm cảm thông, hiểu biết và hợp tác.

Trong suốt thời kỳ làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng hay Thủ tướng Chính phủ, ông đã đi khắp nơi trên thế giới, từ Âu sang Á, gặp gỡ và tiếp xúc với nguyên thủ các nước, nơi nào cũng để lại những cảm tình đặc biệt. Phong cách lãnh đạo của ông luôn nhạy bén với những điểm nóng, những vấn đề trọng yếu của đất nước để có mặt kịp thời, giải quyết những bế tắc.

Đến những công trình đột phá

Với tầm nhìn xa, trông rộng, dự tính trước nhu cầu quy luật phát triển của đất nước, Thủ tướng Võ Văn Kiệt xuất hiện ở tất cả các lĩnh vực. Ở đâu có ông là ở đó có không khí của đổi mới. Đối với bất kỳ quốc gia nào trên con đường phát triển kinh tế, kết cấu hạ tầng luôn là điều kiện tối quan trọng cho sự phát triển kinh tế. Đầu tư kết cấu hạ tầng phải đi trước một bước cho đầu tư phát triển kinh tế. Tên tuổi của Võ Văn Kiệt đã gắn liền với những công trình để đời như: Thủy điện Trị An, đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam, thủy điện Thác Mơ, Hàm Thuận - ĐaMi… các công trình giao thông tầm cỡ như xa lộ Bắc Thăng Long - Nội Bài, cầu Mỹ Thuận, đường cao tốc Láng - Hòa Lạc, Khu công nghiệp Dung Quất, công trình thoát lũ ở Tứ giác Long Xuyên, Đồng Tháp Mười… Việc xây dựng những công trình trên đã gây ra biết bao tranh cãi mà điển hình là công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam.

“Như một động lực chính cho những cải cách kinh tế tại Việt Nam, ngài Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng…”

Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhận xét về Thủ tướng Võ Văn Kiệt.

Lúc bấy giờ trong quá trình xem xét, quyết định dự án, có rất nhiều ý kiến khác nhau, có ý kiến xuất phát từ góc độ khoa học, có ý kiến phản đối việc xây dựng công trình… Theo các chuyên gia tính toán thì làm trung bình 400 - 500km thì mất khoảng 3,5- 4 năm, toàn tuyến dài 1.500km thì mất khoảng 10 năm. Nhưng nhờ sự chỉ đạo kịp thời và quyết đoán của người lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược của Thủ tướng Võ Văn Kiệt, công trình được chia ra thành nhiều cụm nhỏ khoảng 40 - 50km làm song song với nhau để rút ngắn thời gian hoàn thành công trình. Việc chỉ đạo kịp thời đó của ông nhanh chóng dẫn đến thành công công trình dài gần 1.500km với gần 3.437 trụ điện siêu cao áp trải dài từ Bắc vào Nam, chỉ hơn 2 năm đã nhanh chóng đi vào vận hành, góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tiết kiệm được công sức, tiền của lẫn thời gian của Chính phủ và nhân dân.

Trong thời gian thực hiện công trình, nhiều lần ông trực tiếp đi kiểm tra hiện trường, kể cả những nơi gian khổ. Thực tế công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam đã thực hiện đúng tiến độ, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Có thể nói, nếu không có những quyết định táo bạo, dám chịu trách nhiệm, đi sâu, đi sát, huy động sức mạnh tổng hợp của Thủ tướng lúc bấy giờ thì công trình không thể ra đời sớm và suôn sẻ như vậy. Tại hội thảo “Đồng chí Võ Văn Kiệt với cách mạng Việt Nam”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Nam Hải đã nói về công trình đường dây tải điện 500kV Bắc - Nam như một lời tri ân đối với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt: “Đây là một công trình đã đi vào lịch sử. Một công trình được quyết định nhanh nhất, táo bạo nhất, khảo sát thiết kế, giải phóng mặt bằng, thi công nhanh nhất, hiệu quả nhất và có thể còn nhiều cái nhất nữa. Đã hơn 20 năm qua, những người tham gia công trình này có người còn người mất vì tuổi tác nhưng những người có tâm huyết với ngành điện đã và đang dạy bảo thế hệ con cháu tiếp tục những bước đi xây dựng nhiều mạch 500kV mới như đường dây 500kV Bắc - Nam mạch 2 và các đường dây 500kV đồng bộ Nhà máy thủy điện Sơn La, những công trình mới như Thủy điện Sơn La, Quảng Ninh, Vĩnh Tân, Duyên Hải… góp phần vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước mà Đảng, Nhà nước đã đặt ra.

Cho đến nay những công trình mang dấu ấn của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã mang lại hiệu quả to lớn mà ai cũng có thể nhìn thấy được. Chính những công trình thế kỷ này đã góp phần quan trọng thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế của đất nước trong thời kỳ hội nhập.

 Bài 3: Dấu ấn trên đất Bình Dương

 TRÍ DŨNG - QUANG TÁM

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=1168
Quay lên trên