Dù nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng chung của tình hình thế giới, nhưng trong quý I-2023 các doanh nghiệp (DN) vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vẫn tiếp tục rót thêm vốn vào các dự án. Các DN đặt nhiều tin tưởng về sự phục hồi cùng nhiều triển vọng phát triển trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Minh (bên phải), Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp đoàn doanh nghiệp TP.Daejeon (Hàn Quốc) đến thăm, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Bình Dương
Tạo điều kiện thuận lợi
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính từ đầu năm đến giữa tháng 3-2023 tỉnh đã thu hút 437 triệu đô la Mỹ vốn FDI. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.097 dự án FDI với tổng vốn đăng ký gần 40 tỷ đô la Mỹ. Cùng với đó, nhà đầu tư trong nước cũng đóng góp rất lớn cho nền kinh tế, tạo việc làm cho hàng chục ngàn công nhân lao động với 10.782 tỷ đồng vốn đăng ký kinh doanh. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 60.748 DN trong nước với tổng vốn đăng ký 641.000 tỷ đồng.
Dù tăng trưởng kinh tế và sự phục hồi có phần chậm lại do ảnh hưởng chung của nền kinh tế thế giới, nhưng trong quý I-2023 nhiều DN FDI xúc tiến đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đã được chấp thuận về chủ trương đầu tư. Trong bối cảnh thị trường bất động sản, nhà ở đang gặp khó khăn bởi sự kiểm soát chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước về nguồn vốn dành cho thị trường này, nhiều nhà đầu tư nước ngoài với tiềm lực tài chính mạnh đã tìm đến Bình Dương để thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án liên quan.
Tháng 3 vừa qua, Tập đoàn CapitaLand Development (Singapore) đã ký kết hợp tác với Tổng Công ty Becamex IDC về dự án phát triển thành phố thông minh Bình Dương với vốn đầu tư hơn 500 triệu đô la Mỹ tại thành phố mới Bình Dương.
Ông Wong Kan Seng, Chủ tịch Tập đoàn CapitaLand Development cho biết dự án tập trung phát triển các khối nhà ở với tổng diện tích 18,9 ha, dự kiến sẽ có trên 3.700 căn hộ và nhà ở sở hữu lâu dài được xây dựng, bao gồm nhà ở thấp tầng, trung tầng và cao tầng, đáp ứng nhu cầu cho khoảng 13.000 cư dân. Ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết tỉnh Bình Dương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn CapitaLand Development có thể tiến hành khởi công dự án trong năm 2023 kịp tiến độ hoàn thiện vào năm 2027.
Trong khi đó, ông Kim Jong Cheon, nguyên Chủ tịch TP.Daejeon, cho biết mối quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa Daejeon và tỉnh Bình Dương trong thời gian qua chính là động lực để hai địa phương duy trì, tiến tới những hợp tác hiệu quả hơn, cùng phát triển trên tất cả các lĩnh vực. Các DN TP.Daejeon có thế mạnh trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản.
Có thể nói, trong bối cảnh thị trường bất động sản trong nước nói chung và của tỉnh nói riêng đang gặp khó khăn bởi nguồn vốn đầu tư, các dự án bất động sản, nhà ở thương mại sử dụng nguồn vốn FDI nói trên chính là những tín hiệu tích cực để thị trường này hồi phục và phát triển lành mạnh trong thời gian tới.
Cải thiện môi trường đầu tư
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và về thu hút vốn đầu tư FDI. Tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh luôn đạt mức tăng trưởng khá cao so với mức tăng trưởng bình quân chung của cả nước, cơ cấu kinh tế của tỉnh dịch chuyển tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng dịch vụ và công nghiệp. Tỉnh đã luôn nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp để nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Năm 2022, tỉnh xếp thứ 2 về Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI).
Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao. Cụ thể như dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hiện đại khác, các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp (KCN) khoa học - công nghệ được xây dựng trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Theo lãnh đạo tỉnh, trong những năm gần đây, tỉnh đã tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh và Vùng Đổi mới sáng tạo, đặc biệt là KCN khoa học - công nghệ với tầm nhìn trở thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với định hướng phát triển phù hợp và bằng những nỗ lực của chính mình, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ, là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng Thông minh thế giới (ICF). Liên tục trong 5 năm 2019-2023, Bình Dương đã được ICF vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu - SMART 21. Đặc biệt, tỉnh Bình Dương đã được ICF vinh danh vào Top 7 trong 2 năm liên tiếp 2021 và 2022.
MINH DUY