Vốn ngoài ngân sách: Tác động tích cực phát triển kinh tế - xã hội
Theo dõi Báo Bình Dương trên
Nhìn lại trong những năm qua cho thấy vốn đầu tư ngoài ngân sách đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Bình Dương. Không chỉ về vốn mà còn tác động đến nhiều mặt của xã hội, trong đó đáng chú ý là vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Vốn ngoài ngân sách góp phần quan trọng trong xây dựng hệ thống hạ tầng giao thông với các hình thức B.O.T, B.T...
Chiếm tỷ trọng lớn
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2000-2010 tăng bình quân 17,5%/năm. Trong tổng vốn đầu tư phát triển thì vốn FDI và vốn của doanh nghiệp trong nước chiếm tỷ trọng khá lớn (hơn 70%). Đến năm 2010, tỷ trọng vốn đầu tư FDI chiếm 49,9%, vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chiếm 10,5%, vốn đầu tư của doanh nghiệp trong nước chiếm 26,4%, vốn tín dụng chiếm 5,6%, vốn đầu tư của dân và tư nhân chiếm 7,4%, các nguồn vốn khác chiếm 0,2%.
Nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước chủ yếu tập trung cho các dự án xây dựng cơ bản hạ tầng kinh tế kỹ thuật, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, cũng thấy rằng trong thời gian qua tỉnh đã huy động hiệu quả các nguồn vốn ngoài ngân sách cho xây dựng hệ thống hạ tầng với các hình thức B.O.T, B.T. Còn nguồn vốn ODA chủ yếu tập trung đầu tư xây dựng cho các công trình phục vụ bảo vệ môi trường.
Có thể nói, để có mức tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao so với cả nước trong những năm qua thì vốn đầu tư ngoài ngân sách đóng một vai trò quyết định. Trong đó, vốn FDI tăng bình quân 13,4%/năm, vốn doanh nghiệp tăng 27,7%/năm, vốn từ dân và của tư nhân tăng khoảng 20,6%/năm trong giai đoạn từ 2000-2010.
FDI tác động đến các mặt của đời sống
Ngoài việc bổ sung nguồn vốn quan trọng cho tăng trưởng kinh tế (chiếm tỷ trọng 34,4% tổng sản phẩm năm 2010), thì FDI còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, tác động tích cực đến cân đối tài chính của tỉnh, tăng nhanh kim ngạch xuất khẩu, mở rộng thị trường và nâng cao tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án được cấp phép đầu tư. Nhờ có FDI, khả năng cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa cũng được khởi sắc, tạo điều kiện cho nhiều sản phẩm của Việt Nam thâm nhập được thị trường quốc tế.
FDI còn góp phần vào việc phát triển và chuyển giao khoa học công nghệ, dù còn khiêm tốn nhưng qua việc tiếp cận đó trình độ quản lý của cán bộ, nhận thức của người dân trong nước cũng được đổi mới, tạo ra đội ngũ công nhân lành nghề, có khả năng tiếp thu và sử dụng công nghệ tiên tiến. Không những thế, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Liêm thì FDI còn góp phần làm thay đổi cả tư duy, nhận thức trong giới lãnh đạo tỉnh và đội ngũ cán bộ. Từ đó, tác động tích cực đến việc đổi mới cơ chế quản lý, cải cách thủ tục hành chính, nâng cấp cơ sở hạ tầng và kích thích các ngành dịch vụ phát triển. Trong thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư bằng các chính sách mời gọi đầu tư hấp dẫn, thực hiện có hiệu quả cơ chế quản lý “một cửa tại chỗ”, giải quyết nhanh chóng mọi khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư. Tính đến cuối năm 2011, khu vực FDI đã thu hút khoảng 450.000 lao động, giải quyết tốt công ăn việc làm và tạo ra mức sống khá cho người dân.
K.TÂN