Vốn quý mỹ thuật sơn mài Bình Dương

Cập nhật: 13-11-2024 | 08:50:24

 Không chỉ phát triển nhanh và mạnh về công nghiệp, Bình Dương còn được mọi người biết đến với nhiều nghề thủ công truyền thống tồn tại hàng trăm năm qua. Những sản phẩm thủ công do các thế hệ nghệ nhân, người thợ tài hoa Bình Dương tạo nên được khách hàng trong và ngoài nước đón nhận, trong đó có sản phẩm của làng nghề sơn mài Tương Bình Hiệp, TP.Thủ Dầu Một.

 Các đại biểu tham quan triển lãm sơn mài Bình Dương tại trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương

 Lưu truyền giá trị truyền thống

Theo tài liệu của Bảo tàng tỉnh, nghề sơn mài ở Bình Dương do những lưu dân người Việt từ miền Bắc, miền Trung mang theo vào vùng đất mới trong quá trình khai hoang lập ấp. Quá trình hình thành nghề sơn ở tỉnh Bình Dương tương đồng, gắn bó mật thiết đến quá trình hình thành cộng đồng dân cư người Việt tại địa phương.

Hàng trăm năm qua, nghề sơn (nay là nghề sơn mài) ở tỉnh Bình Dương vẫn luôn được các thế hệ nghệ nhân, người thợ thực hành và lưu truyền. Ông Lê Văn Phước, Giám đốc Bảo tàng tỉnh, cho biết theo lời một số nghệ nhân, vào khoảng cuối những năm 30 của thế kỷ XX, ông Năm Nhương và ông Ba Lắm sau khi học xong lớp dạy nghề sơn mài ở trường Mỹ nghệ thực hành Thủ Dầu Một (nay là trường Trung cấp Mỹ thuật - Văn hóa Bình Dương) đã về làng mở cơ sở sơn mài. Sau đó, khoảng cuối thập niên 40, ông Lê Văn Có (thường gọi thầy giáo Có, hay giáo Sơn) cũng trở về làng dạy nghề cho con cháu và lớp thanh niên trong làng. Cứ thế, kỹ thuật sơn mài trên đất Tương Bình Hiệp - Bình Dương được các nghệ nhân trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trải qua bao thăng trầm và trước sự cạnh tranh của nhiều sản phẩm của các ngành nghề khác trên thị trường, sản phẩm sơn mài vẫn được các thế hệ làm nghề trên vùng đất này giữ gìn, lưu truyền cho thế hệ sau.

Đỉnh cao của nghề sơn mài Tương Bình Hiệp là vào giai đoạn thập niên 80, 90 của thế kỷ XX, với trên 400 hộ sản suất sơn mài và hơn 90% cư dân tham gia làm nghề. Tuy nhiên, vài chục năm trở lại đây, làng sơn mài Tương Bình Hiệp nói riêng và nghề sơn mài truyền thống Bình Dương nói chung có chiều hướng giảm mạnh.

So với thời cực thịnh, nghề sơn mài ở phường Tương Bình Hiệp bây giờ hoạt động khá khiêm tốn. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trương Quan Tịnh, một trong những “lão làng” gắn bó lâu năm với sơn mài, cho biết thời hưng thịnh của sơn mài ở Tương Bình Hiệp “Nhà nhà làm sơn mài, người người làm sơn mài”.

Dù bị cạnh tranh, dù số lượng cơ sở sản xuất và lực lượng lao động có giảm đi nhiều so với thời cực thịnh, nhưng nghề sơn mài vẫn tồn tại, sản phẩm sơn mài vẫn được khách hàng đón nhận bởi sự độc đáo riêng có. Nhờ có sự hỗ trợ từ các loại máy móc nên số lượng sản phẩm làm ra nhiều và xuất khẩu ra nước ngoài, chứng tỏ nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp nói riêng, tỉnh Bình Dương nói chung vẫn còn có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Theo một số nghệ nhân gắn bó lâu năm với nghề sơn mài nơi đây, họ vẫn sống được với nghề, thậm chí nhờ cái nghề này mà có cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn.

Nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp - Bình Dương nổi tiếng với quy trình chế tác công phu, các khâu sản xuất được tiến hành tỉ mỉ, bảo đảm các yếu tố kỹ thuật lẫn mỹ thuật. Theo nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh, quy trình sản xuất sơn mài truyền thống phải qua hơn 12 nước sơn và trên 25 công đoạn. Trong quy trình sản xuất sơn mài truyền thống, nguyên liệu chính được dùng là sơn ta. Để hoàn thành một sản phẩm phải mất rất nhiều thời gian, khoảng 3-6 tháng.

 Nghệ nhân ưu tú Trương Quan Tịnh giới thiệu về quy trình sản xuất sơn mài truyền thống và sơ đồ hình thành, phát triển nghề sơn mài ở Bình Dương

Từ nghề sơn đến nghệ thuật sơn mài

Nghề sơn mài là một “nấc thang” nối tiếp từ nghề sơn (còn gọi là nghề đồ sơn). NNƯT Trương Quan Tịnh, cho biết ban đầu nghề sơn ở làng Tương Bình Hiệp chỉ là nghề phụ, những người có nghề tranh thủ làm đồ sơn khi nông nhàn để tạo ra các vật dụng sinh hoạt trong gia đình. Đến cuối thế kỷ XIX, cuộc sống dần ổn định, người dân bắt đầu chú trọng đến việc làm nhà lớn để ở, xây các cơ sở tín ngưỡng để thờ tự. Từ đó, nghề mộc có điều kiện phát triển và những người thợ sơn cũng nhờ đó mà có thêm nhiều việc để làm hơn. Từ chỗ nghề phụ làm lúc rảnh rỗi, nhiều thợ sơn chuyển sang làm nghề chính, họ kết hợp với thợ mộc để quét sơn trên các công trình kiến trúc, đồ gỗ, sơn son thếp vàng... nhằm làm cho sản phẩm gỗ trông đẹp và bền hơn. Bên cạnh đó, thợ sơn Tương Bình Hiệp cũng chủ động tạo ra những sản phẩm phục vụ cho việc trang trí, ứng dụng trong các gia đình, đình chùa, miếu mạo.

Sản phẩm đồ sơn có màu sắc óng ánh, bóng mượt, với các đề tài trang trí đẹp mắt và gần gũi với đời sống con người nên được khách hàng ưa chuộng. Nhu cầu sử dụng đồ sơn ngày càng cao, nhân lực làm nghề cần nhiều, các thợ sơn tiến tới dạy thêm cho các thành viên trong gia đình cùng làm để tăng thêm thu nhập.

Nghề sơn Tương Bình Hiệp từ chỗ hoạt động riêng lẻ cá nhân, dần mở rộng ra quy mô hộ gia đình rồi dần dần hình thành lên một làng nghề thủ công truyền thống sầm uất.

Sau năm 1930, một số sinh viên của trường Mỹ thuật Đông Dương (nay là trường Đại học Mỹ Thuật Việt Nam) như Trần Văn Cẩn, Trần Quang Trân, Phạm Hậu, Nguyễn Khang, Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân... cùng với nghệ nhân Đinh Văn Thành nghiên cứu thành công loại sơn cánh gián cho khả năng mài được với nước. Sơn cánh gián được pha chế bằng cách trộn sơn sống với nhựa thông theo một tỷ lệ nhất định, dùng để pha với màu vẽ hay phủ lên bề mặt rồi mài nhẵn với nước tạo cho cho sản phẩm bền và đẹp hơn. Từ kỹ thuật sơn ta cổ truyền cho đến sơn mài nghệ thuật là cả một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của nghề sơn Việt Nam, góp phần hình thành nên một nghề thủ công mới trên cơ sở nghề sơn cổ truyền - đó là nghề sơn mài ở Việt Nam.

Từ trường Mỹ thuật Đông Dương, nghệ thuật sơn mài nhanh chóng truyền đến các làng sơn cổ truyền suốt từ Bắc chí Nam. Người ta gọi các sản phẩm sơn có sử dụng kỹ thuật mài là sản phẩm sơn mài (tranh sơn mài, tượng sơn mài, bình sơn mài…) để phân biệt với các sản phẩm sơn son thếp vàng của nghề sơn cổ truyền. Nhiều làng nghề sơn cổ truyền Việt Nam cũng dần chuyển sang làm hàng sơn mài, trong đó có làng sơn mài Tương Bình Hiệp ở tỉnh Bình Dương.

Với lịch sử hình thành và phát triển khá lâu đời, nghề sơn mài ở Tương Bình Hiệp được xem là vốn quý về mỹ thuật, thể hiện bản sắc văn hóa của địa phương. Theo Giám đốc Bảo tàng tỉnh Lê Văn Phước, sơn mài Tương Bình Hiệp luôn chứa đựng những đặc trưng rất riêng biệt từ lịch sử hình thành, chất liệu đến các công đoạn sản xuất. Tất cả đều thể hiện những nét riêng, khó pha lẫn với những làng sơn mài khác trên cả nước.

 HỒNG THUẬN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=67
Quay lên trên