Vốn rót vào nền kinh tế vẫn ở mức thấp!

Cập nhật: 17-04-2014 | 00:00:00

Hiện mặt bằng lãi suất cho vay mới tại các ngân hàng đã giảm nhanh, chỉ bằng khoảng một nửa so với năm 2011 và bằng mức lãi vay giai đoạn 2005- 2006. Tuy nhiên dòng vốn rót vào nền kinh tế vẫn ở mức thấp.

 

Khách hàng gửi tiền tại ngân hàng TMCP Quân đội chi nhánh Bình Dương Ảnh: THANH HỒNG

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chi nhánh Bình Dương, tình hình thị trường tiền tệ trong quý I-2014 tiếp tục ổn định sau khi NHNN có các quyết định về điều hành lãi suất huy động, cho vay trong một số lĩnh vực. Cho đến nay, nguồn vốn huy động vẫn tiếp tục tăng trưởng ổn định. Số liệu thống kê cho thấy, trong 3 tháng đầu năm, huy động vốn trong hệ thống toàn tỉnh đạt trên 85.000 tỷ đồng, tăng 12,75% so với cùng kỳ và tăng 1,73% so đầu năm 2014.

Diễn biến này cho thấy việc điều chỉnh giảm lãi suất huy động xuống 1%/năm (ngày 18-3) vừa qua không ảnh hưởng đến dòng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng. Hiện mức lãi suất huy động tại các ngân hàng áp dụng phổ biến ở các kỳ hạn gửi gồm loại tiền gửi không kỳ hạn, có kỳ hạn dưới 1 tháng là 1%/năm; kỳ hạn từ trên 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 5 - 6%/năm; kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng phổ biến ở mức 6 - 6,5%/năm; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5 - 7,5%/năm. Lãi suất huy động USD phổ biến ở mức 1%/năm đối với tiền gửi của dân cư và 0,25%/năm đối với tiền gửi của tổ chức kinh tế.

Lãi suất đầu vào giảm làm cơ sở giảm lãi suất cho vay. Hiện các ngân hàng đang áp dụng lãi suất cho vay bằng VND đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ ở mức 6 - 8%/năm (đối với ngắn hạn) và 9,5 - 11%/ năm (đối với trung, dài hạn). Lãi suất cho vay sản xuất, kinh doanh thông thường phổ biến ở mức 9 -11,5%/năm (đối với ngắn hạn) và 11,5 - 13%/năm (đối với trung, dài hạn). Đối với lãi suất cho vay bằng USD cũng đã điều chỉnh giảm xuống ở mức 3 - 5%/năm đối với ngắn hạn, 5 - 6%/năm đối với trung, dài hạn.

Trong 3 tháng đầu năm, vốn rót vào nền kinh tế vẫn ở mức thấp. Theo thống kê của NHNN chi nhánh Bình Dương, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn tỉnh đạt trên 65.000 tỷ đồng, giảm 1,75% so với đầu năm nhưng xét về doanh số cho vay 3 tháng đầu năm nay vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm trước khoảng 18,67%. Điều này cho thấy, vốn vẫn được luân chuyển, cung ứng cho nền kinh tế chứ không đóng băng.

Để có thể đẩy nhanh dòng tín dụng đến với cộng đồng doanh nghiệp, cá nhân, các tổ chức tín dụng trên địa bàn đang thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, giảm lợi nhuận… nhằm kéo giảm lãi suất cho vay. Hiện dư nợ cho vay có mức lãi suất từ 8%/năm trở xuống đạt 22.293 tỷ đồng chiếm 34,06%; dư nợ cho vay lãi suất trên 8 - 12%/ năm đạt 32.994 tỷ đồng chiếm 50,42% và dư nợ cho vay trên 12%/năm đạt 10.149 tỷ đồng, chiếm 15,52%. Như vậy, với khoản dư nợ cho vay lãi suất trên 12%/năm chủ yếu là vay tiêu dùng, lĩnh vực bất động sản có rủi ro cao hoặc một số khoản vay trung dài hạn của các doanh nghiệp có ít khả năng phục hồi nên các ngân hàng duy trì mức lãi vay cao để tạo động lực cho khách hàng trả nợ gốc cho các khoản đã vay. Hiện có một số ngân hàng đang áp dụng chính sách miễn, giảm lãi vay đối với khách hàng khi trả được nợ gốc nhằm tăng cường khả năng thu hồi vốn.

Theo đánh giá của các chuyên gia trong ngành, lãi suất cho vay của các ngân hàng đang ở mức hợp lý, hiện chỉ bằng 50% so với nửa cuối năm 2011 (lãi suất cho vay lên phổ biến ở mức 20 - 24%/năm) và bằng mức lãi vay giai đoạn 2005- 2006. Tuy vậy, các ngân hàng vẫn đang tiếp tục thực hiện các giải pháp giảm thêm lãi suất vay, đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực khuyến khích nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng đối với khách hàng vay vốn.

 

 THANH HỒNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên