Vốn vay từ các chương trình tín dụng chính sách: Tạo sức bật cho người dân, doanh nghiệp

Cập nhật: 15-09-2023 | 22:32:28

Nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) Bình Dương đã giúp cho hàng chục ngàn người dân, doanh nghiệp và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh phát triển kinh tế, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và bảo đảm an sinh xã hội theo đúng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 Bảo đảm an sinh xã hội

Triển khai thực hiện Chỉ thị số 40- CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH, tỉnh Bình Dương tập trung các nguồn vốn tín dụng CSXH có nguồn gốc từ ngân sách Nhà nước vào một đầu mối là Ngân hàng CSXH Bình Dương. Hàng năm, tỉnh ưu tiên cân đối bố trí một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho tín dụng CSXH; quan tâm hỗ trợ kịp thời về cơ sở vật chất, trang thiết bị, điều kiện làm việc cho hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn. Tỉnh cũng triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Với phương châm không để người nghèo và các đối tượng yếu thế bị bỏ lại phía sau, thời gian qua, nguồn vốn từ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh đã thật sự trở thành “cứu cánh” của nhiều đối tượng. Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH Bình Dương, nguồn vốn tín dụng tập trung cho các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo... chiếm 99% tổng dư nợ. Vốn tín dụng CSXH đã tác động tích cực đến đời sống vật chất của hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế gắn với mục tiêu giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh, trật tự xã hội, quốc phòng an ninh, tăng cường và củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, nhà nước.

Cán bộ Ngân hàng CSXH Bình Dương hướng dẫn thủ tục vay vốn cho người dân ở TP.Thủ Dầu Một

Cách đây một năm, với ước muốn mở cơ sở sản xuất nhỏ tại nhà nhưng không đủ vốn nên anh Bùi Văn Nam ở xã Hưng Hòa, huyện Bàu Bàng vẫn còn đắn đo cho dự định của mình. Song, với sự hỗ trợ kịp thời 100 triệu đồng từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Bàu Bàng thông qua Hội Nông dân xã cho vay bằng phương thức tín chấp, anh Nam đã nhanh chóng thực hiện cơ sở nhỏ sản xuất lông mi nhân tạo tại nhà. Có vốn, anh đầu tư đầy đủ máy móc và nhận nhiều nguyên liệu hơn để sản xuất. Hàng tháng, anh nhận đơn hàng của công ty và sản xuất gối đầu. Ngoài tạo việc làm ổn định cho các thành viên trong gia đình, anh còn tạo việc làm cho 20 lao động ở địa phương với mức lương bình quân 8 triệu đồng/tháng. Hiện mỗi ngày, cơ sở của anh Nam sản xuất được 15.000 hộp lông mi nhân tạo, đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình và lao động địa phương.

Thực tế hiện nay cho thấy, việc tăng cường chính sách tín dụng ưu đãi cho chương trình hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo điều kiện cho hội viên các đoàn thể phát triển kinh tế, xây dựng và nhân rộng nhiều mô hình hiệu quả, tạo thêm cơ sở vững chắc cho công tác giải quyết việc làm ở địa phương.

Nâng cao chất lượng tín dụng

Ngân hàng CSXH Bình Dương hiện đang triển khai thực hiện cho vay 11 chương trình tín dụng, bao gồm: Cho vay hộ nghèo; hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn; giải quyết việc làm; hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định số 33/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ và một số chương trình cho vay khác. Tổng số tiền cho vay của ngân hàng tính đến ngày 31-8-2023 là 972,608 tỷ đồng, với hơn 16.787 lượt khách hàng vay vốn hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Cùng với việc tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng chính sách cũng không ngừng được củng cố và nâng cao thông qua việc chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt hệ thống các giải pháp, như: Bảo đảm thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động các tổ tiết kiệm và vay vốn tại cơ sở; chủ động phân tích, đánh giá chất lượng tín dụng từng xã, phường, thị trấn; tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân theo nguyên tắc có vay, có ưu đãi và có trả.

Ông Võ Văn Đức, Giám đốc Ngân hàng CSXH Bình Dương, cho biết từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, nguồn vốn tín dụng chính sách không ngừng tăng trưởng, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Cơ cấu nguồn vốn tín dụng chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương đã thể hiện sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền, phù hợp nhu cầu vay vốn của đối tượng thụ hưởng đặc thù của tỉnh. Vốn tín dụng chính sách đã phủ kín 91 xã, phường, thị trấn, 586 khu, ấp toàn tỉnh; đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn vay của hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo tiêu chí địa phương.

Hoạt động tín dụng chính sách của hệ thống Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh đã góp phần tích cực giúp gần 47.000 lượt hộ thoát nghèo; thu hút, tạo việc làm cho gần 200.000 lao động; gần 45.000 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn để trang trải chi phí học tập; xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa hơn 290.000 công trình nước sạch, vệ sinh; gần 1.000 hộ vay vốn xây mới, sửa chữa nhà ở, thuê mua nhà ở xã hội; 237 lượt doanh nghiệp vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho hơn 124.000 lao động…

TƯỜNG VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=781
Quay lên trên