Chủ tịch VPF, Trần Anh Tú cho rằng kết thúc sớm V-League 2020 sẽ gây tổn thất nặng nề cho bóng đá Việt Nam nên chưa thể đáp ứng đề xuất của một số CLB.
"VPF đã nhận được văn bản đề xuất kết thúc V-League 2020 của bốn đội đang đứng cuối bảng là Quảng Nam, Hải Phòng, Nam Định và SLNA. Tôi đã báo cáo vấn đề này với Chủ tịch VFF Lê Khánh Hải. Ban tổ chức giải cũng mới họp xong sáng nay 28/7. Chúng tôi tiếp thu kiến nghị của các đội bóng, nhưng bây giờ chưa phải lúc tính tới phương án kết thúc giải sớm", Chủ tịch Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam VPF Trần Anh Tú chia sẻ với VnExpress.
Ông Trần Anh Tú phát biểu trong lễ khai mạc V-League 2020. Ảnh: Lâm Thoả
Hôm 26/7, VPF quyết định tạm dừng V-League 2020 do Việt Nam lại ghi nhận một số ca nhiễm nCoV trong cộng đồng, sau 99 ngày an toàn. Một ngày sau, SLNA gửi văn bản đề xuất kết thúc giải sớm, trao chức vô địch cho đội đang dẫn đầu sau 11 vòng là Sài Gòn FC và giải không có đội xuống hạng. Ngay lập tức ba đội khác là Hải Phòng, Nam Định và Quảng Nam tán đồng, và gửi đề xuất tương tự.
"Dừng V-League sẽ gây ra rất nhiều thiệt hại, từ chuyện nhà tài trợ, kinh tế của giải cũng như CLB, tới cơ hội thi đấu cho các cầu thủ, duy trì phong độ, phục vụ đội tuyển quốc gia...Vì vậy, VPF chỉ huỷ giải trong trường hợp bất khả kháng, khi không còn đủ thời gian để tổ chức. Lúc này thời gian vẫn còn, các bên cần kiên nhẫn chờ đợi, theo dõi tình hình diễn biến của Covid-19 tại Việt Nam rồi tính tiếp", ông Tú nói thêm.
Đây là lần thứ ba mùa này V-League phải lùi lịch bởi Covid-19. Ban đầu, giải dự kiến khởi tranh từ ngày 21/2, nhưng sau đó lùi xuống 6/3. Sau hai vòng diễn ra trên sân không khán giả, giải tiếp tục bị hoãn rồi tái đấu vào ngày 5/6. Hiện tại V-League đã qua 11 vòng, Sài Gòn FC đang bất bại với 23 điểm, nhiều hơn hai đội xếp sau là Viettel và Quảng Ninh bốn điểm.
Theo thể thức đặc biệt mùa này, sau 13 trận giai đoạn một, tám đội xếp trên đá đua vô địch, sáu đội xếp dưới đá tranh trụ hạng. Hiện tại đứng thứ tám là Thanh Hoá với 14 điểm. Các đội xếp sau họ là Đà Nẵng, Hà Tĩnh, SLNA, Nam Định, Hải Phòng và Quảng Nam.
Theo VNE