Vụ án Ethanol Phú Thọ: Các bị cáo câu kết thực hiện hành vi phạm tội

Thứ sáu, ngày 12/03/2021

(BDO)

Bị cáo Đinh La Thăng cùng đồng phạm tại phiên xét xử. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Sáng 12/3, tại phiên tòa xét xử vụ án “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học (Ethanol) Phú Thọ, đại diện Viện Kiểm sát đã đối đáp với luận điểm bào chữa của các luật sư theo từng nhóm vấn đề.

Trong đó, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, từ bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN) đến các bị cáo tại Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) và Công ty cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí (PVB) đều thuộc về một cơ cấu, tổ chức thống nhất.

Các bị cáo đã cấu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội.

Mở đầu phần đối đáp, đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa nhấn mạnh: Viện Kiểm sát có trách nhiệm thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, quyết định việc buộc tội, đảm bảo để mọi hành vi phạm tội, người phạm tội, pháp nhân phạm tội đều phải được phát hiện, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, nhưng cũng không làm oan người vô tội.

Viện Kiểm sát cũng như các cơ quan tiến hành tố tụng đều có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Việc buộc tội của Viện Kiểm sát là dựa trên các chứng cứ thu thập trong quá trình điều tra và thẩm tra, đánh giá công khai tại phiên tòa.

Quan điểm buộc tội và quan điểm gỡ tội, chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội thường có những mâu thuẫn với nhau, phải được các bên dẫn ra, tranh luận, đối đáp dân chủ, khách quan.

Do vậy, một bên không thể có những định kiến mang tính chủ quan đối với bên kia. Trong phiên tòa, kiểm sát viên cùng các luật sư đều cần dẫn ra phân tích, đánh giá chứng cứ để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

PVB bị chi phối và lệ thuộc vào PVN

Tại phiên tòa, bị cáo Đinh La Thăng và các luật sư bào chữa có một số luận điểm cho rằng PVB là chủ đầu tư nên theo quy định của pháp luật chỉ có PVB mới có thẩm quyền quyết định đầu tư, quyết định lựa chọn nhà thầu để xây dựng nhà máy… bị cáo Thăng chỉ có chủ trương và chỉ đạo chỉ định thầu thông qua người đại diện phần vốn tại các đơn vị thành viên của PVN. Việc chỉ định thầu cuối cùng vẫn phải do PVB quyết định và chịu trách nhiệm, bị cáo Thăng không có trách nhiệm trong việc này.

Bị cáo Thăng cũng cho rằng PVB độc lập trong việc quyết định đầu tư, lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu. Việc xem xét, thẩm định, đánh giá năng lực và kinh nghiệm của nhà thầu để chỉ định thầu là do PVB thực hiện và quyết định…

Về luận điểm này, Viện Kiểm sát cho rằng PVB ra đời theo chủ trương của PVN và Ban chỉ đạo, trong đó vốn góp thực tế thuộc về các đơn vị thành viên của PVN.

PVN nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối, đồng thời về cơ cấu tổ chức thì thành viên Ban lãnh đạo của PVB đều là đại diện của các đơn vị thành viên của PVN.

Do đó, trên thực tế, PVB hoàn toàn bị chi phối và bị lệ thuộc vào sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của PVN, Ban chỉ đạo và các công ty con của PVN đã sáng lập ra PVB.

Đại diện Viện Kiểm sát xác định, có đầy đủ cơ sở pháp lý, cơ sở kinh tế và cơ sở thực tiễn để xác định: Từ bị cáo Đinh La Thăng đến các bị cáo tại PVC và PVB đều thuộc về một cơ cấu, tổ chức thống nhất.

Các bị cáo đã câu kết với nhau thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể, các bị cáo tại PVC và PVB đều có sự tiếp nhận ý chí chung từ sự chỉ đạo của bị cáo Đinh La Thăng về việc chỉ định thầu cho một đơn vị trong nội bộ PVN là PVC và cùng thống nhất tổ chức thực hiện.

Việc các bị cáo tại PVC cho rằng PVC không phải là chủ đầu tư thì không phải là chủ thể của tội “Vi phạm các quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” là không có căn cứ.

Đối với bị cáo Đinh La Thăng, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng bị cáo có trách nhiệm phải chỉ đạo đúng theo các quy định của pháp luật về chỉ định thầu.

Tại phiên tòa, bị cáo Thăng cho rằng bị cáo không có trách nhiệm phải biết nhà thầu có năng lực, kinh nghiệm hay không (dẫn đến việc chỉ đạo chỉ định nhà thầu PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm thực hiện gói thầu TK05 Dự án Ethanol Phú Thọ) là bất chấp các quy định của pháp luật về chỉ định thầu theo Luật Xây dựng và đi ngược lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vai trò chỉ đạo trong chỉ định thầu

Bị cáo Vũ Thanh Hà (nguyên Tổng Giám đốc PVB) có lời khai cho rằng bị cáo không chỉ đạo các thành viên Tổ chuyên gia giúp việc đấu thầu và tổ chuyên gia giúp việc thẩm định đấu thầu trong việc lập hồ sơ yêu cầu và thẩm định hồ sơ yêu cầu để liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T được chỉ định thầu.

Các bị cáo Nguyễn Xuân Thủy (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Đầu tư dự án PVB), Lê Thanh Thái (nguyên Trưởng phòng Phòng Kinh doanh PVB), Khương Anh Tuấn (nguyên Phó Trưởng phòng Phòng Thương mại PVB), Hoàng Đình Tâm (nguyên Kế toán trưởng PVB) cũng cho rằng họ không nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Hà.

Bị cáo Vũ Thanh Hà (sinh năm 1962, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Hóa dầu và Nhiên liệu sinh học Dầu khí - PVB) trả lời các câu hỏi của đại diện Viện kiểm sát nhân dân. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Về vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng trong giai đoạn điều tra, truy tố, bị cáo Vũ Thanh Hà đã khai rõ việc hoàn thiện thủ tục chỉ định thầu cho PVC là thực hiện theo mệnh lệnh của lãnh đạo PVN và các chỉ đạo, bút phê trực tiếp của bị cáo Đinh La Thăng.

Lời khai của bị cáo Vũ Thanh Hà tại cơ quan điều tra cũng thể hiện rõ, sau khi có chỉ đạo, định hướng của Đinh La Thăng, Trần Thị Bình (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN), Vũ Quang Nam (nguyên Phó Tổng Giám đốc PVN) về việc giao cho liên danh PVC thực hiện gói thầu TK05 thì trong quá trình lập hồ sơ yêu cầu,Vũ Thanh Hà đã chỉ đạo, định hướng (trực tiếp qua các cuộc họp giao ban của công ty) đối với các bị cáo khác tại PVB rằng phải bằng mọi cách làm các thủ tục để chỉ định thầu cho liên danh PVC và cho biết lãnh đạo PVN đã chỉ đạo giao liên danh PVC thực hiện dự án Ethanol Phú Thọ.

Tại phiên tòa, bị cáo cũng thừa nhận đã tiếp nhận và thực hiện chỉ đạo của Đinh La Thăng, Vũ Quang Nam, Trần Thị Bình trong việc làm thủ tục chỉ định thầu cho liên danh PVC.

Các bị cáo: Nguyễn Xuân Thủy, Lê Thanh Thái, Khương Anh Tuấn, Hoàng Đình Tâm đều nhận được sự chỉ đạo của bị cáo Hà như trên và từ đó cố ý thực hiện nhiệm vụ trái quy định của pháp luật trong việc lập hồ sơ yêu cầu và thẩm định hồ sơ yêu cầu nhằm mục đích để liên danh PVC được chỉ định thầu.

Từ các dẫn chứng trên, đại diện Viện Kiểm sát khẳng định, việc các bị cáo thay đổi lời khai tại phiên tòa về nội dung trên là không có căn cứ.

Một số luật sư cho rằng Liên danh PVC/Alfa Laval/Delta-T tham gia từ giai đoạn sơ tuyển mời thầu rộng rãi và đã được qua vòng sơ tuyển cùng 5 nhà thầu khác; các tiêu chí chưa đạt của liên danh PVC về năng lực kinh nghiệm không cần đánh giá mà vẫn được tham gia nhận thầu; Luật Đấu thầu cũng quy định hồ sơ yêu cầu được đánh giá năng lực, kinh nghiệm nhà thầu có thể bằng phương pháp chấm điểm hoặc đánh giá đạt hay không đạt.

Về các vấn đề này, đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm, việc liên danh PVC qua được vòng sơ tuyển khi PVB mời thầu rộng rãi không có nghĩa là liên danh PVC đã được nhận thầu.

Chủ đầu tư đã không thực hiện việc đấu thầu rộng rãi này mà đã chuyển sang lập hồ sơ yêu cầu cho liên danh PVC.

Như vậy, việc liên danh PVC không đủ năng lực, kinh nghiệm càng cần phải được xem xét đánh giá thấu đáo, kỹ càng khi làm thủ tục chỉ định thầu (việc này đã bị chủ đầu tư PVB bỏ qua để chỉ định thầu cho liên danh PVC).

Phân tích thêm, đại diện Viện Kiểm sát cho rằng trong việc lập hồ sơ yêu cầu để chỉ định thầu thì hồ sơ yêu cầu phải tuân thủ khoản 2 Điều 41 - Nghị định 58 và phải đưa ra tiêu chí đánh giá đạt hay không đạt chứ không thể thực hiện bằng hình thức chấm điểm như các bị cáo đã làm.

Chiều 12/3, phiên tòa tiếp tục với phần đối đáp giữa đại diện Viện Kiểm sát và các luật sư bào chữa./.

Theo TTXVN