Vụ đánh bom Boston - Nghi phạm lên kế hoạch nhiều vụ tấn công khác

Cập nhật: 23-04-2013 | 00:00:00

Hãng AP ngày 22-4 đưa tin, cảnh sát trưởng thành phố Boston, ông Edward Davis, cho biết hai nghi phạm đánh bom kép cuộc đua marathon tại Boston đã tích trữ một lượng lớn vũ khí để lên kế hoạch thực hiện các vụ tấn công khác. Hơn 250 băng đạn đã được tìm thấy cùng các quả bom tự chế chưa nổ. Phát hiện này cho thấy vụ đánh bom tại Boston chỉ là một phần trong kế hoạch tấn công nhằm vào nước Mỹ của hai nghi phạm gốc Tresnia.

    Bắt đầu cuộc chiến pháp lý

Cảnh sát Boston đã lấy lời khai nghi phạm thứ hai trong vụ đánh bom, Dzhokhar Tsarnaev, 19 tuổi, đang điều trị tại Trung tâm Y khoa Beth Israel Deaconess. Do chưa thể nói được, Dzhokhar đã viết các câu trả lời thẩm vấn ra giấy một cách rời rạc. Giới chức Mỹ hy vọng, những câu trả lời này sẽ giúp lực lượng điều tra sớm tìm ra động cơ gây ra vụ đánh bom chấn động nước Mỹ của anh em Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev. Các cáo buộc chống lại Dzhokhar nhiều khả năng sẽ được đưa ra trong những ngày tới. Một cuộc họp báo dự kiến được tổ chức ngày 21-4 để thông báo về các cáo buộc, nhưng sau đó nó bị hoãn mà không rõ nguyên nhân. Dzhokhar có thể phải đối mặt với những cáo buộc ở cấp bang và liên bang.

 Hai nghi phạm vụ đánh bom Boston - Tamerlan (trái) và Dzokhar.Bên cạnh đó, còn những yêu cầu phải thay đổi mức án xét xử do bang Massachusetts không có án tử hình. Các nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa, John McCain của bang Arizona, Kelly Ayotte của bang New Hampshire, kêu gọi chính quyền Obama khởi tố Dzokhar với tội danh là kẻ thù của nước Mỹ. Một số nghị sĩ khác yêu cầu chính quyền Obama gửi nghi phạm này đến nhà tù Vịnh Guantanamo, Cuba.

Trong khi đó, nhiều tờ báo hàng đầu của Nga đã đưa ra nhiều nhận định cho rằng, sau vụ đánh bom Boston, giới chức Mỹ nên thay đổi sự nhìn nhận về lực lượng khủng bố ở Tresnia. Ông Sergei Mikheyev, nhà phân tích chính trị người Nga, cho biết người Nga từ lâu đã cảnh báo với Washington việc “đưa đẩy” với các tổ chức ly khai và khủng bố Bắc Caucacus sẽ không dẫn đến bất kỳ một kết quả tốt nào. Người Mỹ đang hứng chịu hậu quả. Tờ Russia Today cho rằng, nhiều khả năng quan hệ Nga-Mỹ sẽ được cải thiện sau sự kiện này nếu Mỹ tỏ “thành ý”. Tổng thống Obama và Tổng thống Putin đã có cuộc điện đàm xung quanh vụ đánh bom Boston ngày 19-4. Ông Putin cũng khẳng định Nga sẵn sàng hợp tác với Mỹ để điều tra sự việc nếu Mỹ tỏ thái độ rõ ràng với lực lượng khủng bố và ly khai ở Bắc Caucacus.

    Lỗ hổng nghiêm trọng an ninh

Chỉ vài ngày sau khi bắt giữ nghi phạm vụ đánh bom Boston, ở Mỹ, đã nảy sinh những tranh cãi gay gắt giữa những nhà làm luật với giới chức FBI. Các nghị sĩ đổ lỗi cho Cục Điều tra liên bang Mỹ đã không theo dõi sát nghi phạm dù trước đó đã có cảnh báo của giới chức Nga đề nghị lưu tâm đến Tamerlan. Sau ngày 11-9, nước Mỹ tăng cường hàng loạt các biện pháp an ninh để người dân cảm thấy an toàn hơn. Sau đó, một loạt âm mưu đánh bom khủng bố đã được phát hiện với những cách thức mới như giấu bom trong quần lót hoặc trong giày dép, khiến người dân Mỹ cảm thấy yên lòng hơn. Các cơ quan an ninh mới, trong đó có Bộ An ninh nội địa Mỹ và Trung tâm Chống khủng bố quốc gia, đã được thành lập để xác định các mối đe dọa, lên danh sách các tổ chức khủng bố và huy động nguồn lực. Các cơ sở hạ tầng của quốc gia, gồm các cảng vận chuyển, đã được chống đỡ để ngăn chặn vật liệu nguy hiểm, chẳng hạn như phóng xạ hoặc vũ khí hóa học. Tuy nhiên, những biện pháp an ninh này vẫn để lọt lưới những vụ khủng bố. Vào Giáng sinh 2009, dư luận không hiểu sao tên Umar Farouk Abdulmutallab, một người Nigeria 23 tuổi, vốn bị tình nghi tham gia khủng bố lại có thể lên máy bay và đặc biệt là mang lọt số chất nổ qua các hàng rào an ninh sân bay. Trên chuyến máy bay đó lại không có an ninh hàng không (mặc thường phục) đi theo nên chính các hành khách đã phải tóm cổ tên khủng bố suýt làm cả máy bay nổ tung.

Hơn một thập kỷ qua, Mỹ đã chi hàng tỷ USD vào nỗ lực chống khủng bố, trong đó phần lớn chi cho các hoạt động quân sự ở Iraq và Afghanistan. Chiến tích đáng kể nhất là tiêu diệt trùm khủng bố Bin Laden nhưng cuộc chiến này vẫn không có dấu hiệu kết thúc. Tờ Washington Post cho rằng, chính quyền Tổng thống Obama phải xem xét lại cách thức chống khủng bố. Vì sau vụ đánh bom Boston gây ra từ hai cá nhân tưởng chừng rất vô hại nhưng lại cực kỳ nguy hiểm, cho thấy cơ quan an ninh Mỹ đã không rà soát kỹ lưỡng những nhân vật có nguy cơ cao ngay từ trong nước. Vụ đánh bom Boston gợi nhớ đến vụ đánh bom bất thành vào năm 2010 do một người Mỹ gốc Pakistan thực hiện ở quảng trường Times. Tên khủng bố Faisal Shahzad đã châm ngòi cho một dụng cụ nổ bom làm từ nồi áp suất. Và nay, kịch bản này đã lặp lại ở Boston nhưng đến khi vụ nổ bom xảy ra giới chức an ninh Mỹ mới ráo riết truy tìm thủ phạm.

David Henneberry, người Watertown, Massachusetts, đã được tôn vinh là người hùng vì đã báo động với cảnh sát khi phát hiện một người đàn ông mình đẫm máu đang nằm trong chiếc thuyền ở sân sau nhà ông. Cảnh sát đã xác định rằng người đàn ông này là nghi phạm Dzhokhar Tsarnaev.

Câu chuyện hai em gốc Tresnia trở thành nghi phạm giết người tại Boston đã trở thành một sự kiện đau buồn lẫn tức giận trong cộng đồng người Tresnia sinh sống tại Mỹ. Một số người Tresnia có công việc ổn định tại Boston tỏ ra lo lắng về tương lai. Họ lo sợ việc bị gắn mác khủng bố trong cộng đồng, tạo ra sự kỳ thị đối với những người dân bản địa.

Theo SGGP

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=348
Quay lên trên