Vũ điệu Tắc Xình và khát vọng của người Sán Chay

Cập nhật: 21-01-2022 | 09:08:48

Ngày rời quê hương Phú Lương (tỉnh Thái Nguyên) đến lập nghiệp ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, nhiều bà con đồng bào Sán Chay nghĩ rằng những phong tục, tập quán của dân tộc mình sẽ bị mai một đi. Ấy vậy mà gần 30 năm qua, vũ điệu Tắc Xình cùng đời sống văn hóa đậm đà bản sắc của họ vẫn được bảo tồn và phát huy tốt nhờ công lao gìn giữ và phục dựng của cả cộng đồng, tiêu biểu là ông La Văn Bình và La Văn Sự.

 Đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, say sưa luyện tập điệu múa Tắc Xình để biểu diễn trong lễ hội cầu mùa vào dịp tết cổ truyền năm 2022

 Điệu múa Tắc Xình trong lễ hội cầu mùa

Cũng như nhiều đồng bào dân tộc anh em khác, đồng bào Sán Chay quan niệm vạn vật đều có linh hồn và các yếu tố thiên nhiên, như: Trời, đất, đồng ruộng, nương rẫy… đều có quan hệ mật thiết với đời sống sinh hoạt và sản xuất nông nghiệp của con người. Từ niềm tin vào “thần linh” siêu nhiên của đất trời, đồng bào Sán Chay từ thuở sơ khai đã có nhiều nghi lễ thờ cúng trong những dịp đón mừng xuân mới, cầu nguyện cho mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, sung túc, như khát vọng của bao người làm nông nghiệp khác.

Với ý nghĩa đó, lễ hội cầu mùa được tổ chức vào ngày mồng 6 tết cổ truyền hàng năm ở xã Tam Lập có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh của đồng bào Sán Chay, đã được lưu giữ cho đến ngày nay. Trong phần hội, không thể thiếu điệu múa Tắc Xình, hát Sấng Cọ cũng như các trò chơi dân gian truyền thống, mang đậm bản sắc của đồng bào. Ông La Văn Sự, người có uy tín trong khối đồng bào ở Cụm dân cư số 4 nói rằng: “Điệu múa Tắc Xình thường được biểu diễn trong lễ hội cầu mùa, mang ước nguyện của con người về một năm mưa thuận gió hòa, muôn loài sinh sôi nảy lộc, đâm chồi, lúa ngô được mùa, nhà nhà bình yên, hạnh phúc”. Vũ điệu Tắc Xình của người Sán Chay là một “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, đã được bà con lưu truyền và trình diễn rất nhiều trong các dịp tết cổ truyền dân tộc hay dịp lễ hội văn hóa ở xã Tam Lập và huyện Phú Giáo.

Theo ông La Văn Sự, âm nhạc trong điệu múa Tắc Xình có tiết tấu nguyên sơ, không pha tạp các tiết tấu âm nhạc hiện đại. Chỉ với tiếng “tắc, xình” phát ra từ những nhạc cụ thô sơ là tre, nứa… cùng những động tác múa như điệu đánh mài dao, phát nương, dọn rẫy, tra mố, hái lượm… mà cứ ngỡ đất trời mùa xuân đang mở hội. Với ngôn ngữ đơn giản, dễ thực hành, người học dễ nhớ, như: Bước chân ngắn nhún nhảy theo nhịp, các động tác vung tay, nghiêng người, vỗ tay, tay chống hông, nhảy đổi chân… vũ điệu Tắc Xình khiến con người đê mê, ngất ngây như nói chuyện được với thần linh, đất trời để cầu cho mùa màng bội thu, bản làng bình yên, hạnh phúc, con người vui tươi, phát triển.

“Truyền lửa” cho thế hệ sau

Ông La Văn Bình (anh ruột của ông La Văn Sự), cựu “Già làng” trong khối đồng bào Sán Chay ở ấp Đồng Tâm trước đây nhớ lại, trước khi rời quê hương Thái Nguyên vào Nam lập nghiệp, ông vẫn không quên mang theo cuốn gia phả của dòng họ và cả những lời hát ví, hát giao duyên… được chép lại cẩn thận bằng chữ viết của người Sán Chay để lưu truyền lại cho con cháu mai sau. Đến nay, vợ chồng ông vẫn còn nhớ như in từng điệu múa, lời hát đối đáp giao duyên thuở nào. Những ngày cuối tuần, con cháu về quây quần, vợ chồng ông Bình lại tổ chức hát ví, hát giao duyên bằng tiếng Sán Chay cho con cháu cùng nghe.

Nhâm nhi ly trà xanh khi bóng hàng tre đã ngả dài trước sân nhà, ông Bình mở lòng: “Trong làng đa phần là con cháu của dòng họ La. Thế hệ trẻ bây giờ sinh ra ở vùng đất này đều không biết về nguồn gốc cội nguồn dân tộc. Tôi cùng chú Sự phân công nhau dạy chữ, dạy múa, dạy hát cho các cháu. Bọn trẻ sáng đi học chữ phổ thông ở trường thì chiều về lại học chữ, học hát bài hát của dân tộc mình. Lớp học được duy trì thường xuyên nên các cháu nhỏ đều biết múa Tắc Xình và hát ví theo tiếng Sán Chay”. Vừa rồi, bà con trong làng giao nhiệm vụ cho ông Sự về quê sưu tập các đồ vật và trang phục của người Sán Chay đem vào ấp Đồng Tâm phục vụ công tác bảo tồn văn hóa dân tộc ở địa phương, nơi đồng bào đang sinh sống.

Trước khi chia tay chúng tôi, bất chợt giọng hát khỏe khoắn của Già làng La Văn Sự vang lên: “Ú mờn thàn tàu, cấy lồng sui/ pín dâu cấy lồng sầu thán sàn” - có nghĩa là “Qua thác ghềnh nhiều dòng nước chảy/ Núi non biết bao dòng nước chảy”. Câu hát như níu kéo bước chân, cồn cào trong ruột gan nỗi nhớ nhung da diết về ánh mắt, nụ cười và khát vọng vươn lên của người Sán Chay ấp Đồng Tâm.

 Vũ điệu Tắc Xình của người Sán Chay là một “Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia”, đã được bà con lưu truyền và trình diễn rất nhiều trong các dịp tết cổ truyền dân tộc hay dịp lễ hội văn hóa.

 THU HƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên