“Vũ khí bí mật” của Tổng thống Obama

Thứ hai, ngày 11/05/2015

(BDO) Tiến trình đàm phán P5+1 về chương trình hạt nhân của Iran đang bước vào giai đoạn cuối cùng để ký kết một hiệp ước toàn diện. Người đóng vai trò đàm phán chủ chốt bên phái đoàn Mỹ là một nhân vật trước nay rất ít khi được nhắc đến trên các diễn đàn trong nước lẫn quốc tế. Đó là Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz.

Ông Moniz và Tổng thống Obama.

Năng lực và kinh nghiệm chuyên môn sâu về hạt nhân đã đặt Bộ Năng lượng Mỹ vào vị trí then chốt trong các vấn đề hạt nhân mà nước Mỹ theo đuổi. Vì vậy, Bộ trưởng Năng lượng Ernest Moniz từ một "vai nhỏ" ít được chú ý trong nội các nghiễm nhiên được trao cho "vai chính" trong tiến trình đàm phán hạt nhân Iran đang diễn ra.

Là một nhà vật lý học xuất thân từ Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Moniz khẳng định uy tín của một nhà khoa học trước khi bước vào chính trị. Giờ đây, khi tiến trình đàm phán về chương trình hạt nhân Iran đang diễn ra, uy tín và kiến thức của Moniz đang trở thành tiếng nói đáng tin cậy mà Tổng thống Obama hy vọng có thể thuyết phục các nghị sĩ Quốc hội còn đang phân vân cân nhắc thỏa thuận.

Thời gian gần đây, Moniz bỗng trở nên một trong những bộ trưởng đắt sô nhất của nội các Tổng thống Obama. Từ khi trở về sau hội nghị đàm phán với Iran tại Lausanne, Thụy Sĩ, đầu tháng 4-2015, ông đã tháp tùng Tổng thống Obama trên chuyên cơ Air Force One đi dự hội nghị ở Panama; tham gia cùng với Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew điều trần trước các nghị sĩ Quốc hội; tháp tùng Phó tổng thống Joe Biden đi nói chuyện về cơ sở hạ tầng năng lượng.

Năm nay 71 tuổi, Ernest Moniz không là gương mặt mới lạ gì ở Washington. Trước đây, ông đã từng đến đây trong vai trò Trợ lý Bộ trưởng Năng lượng và Trợ lý Giám đốc Văn phòng Chính sách Khoa học và Công nghệ Nhà Trắng thời Tổng thống Bill Clinton. Ông có khả năng giao thiệp khéo léo với Quốc hội, hơn hẳn Tổng thống Obama và các nhân sự khác trong Nhà Trắng.

Đơn cử, khi biết Thượng nghị sĩ (TNS) John Hoeven (đảng Cộng hòa) chuẩn bị đề xuất một dự luật theo đó buộc Bộ Năng lượng phải quyết định nhanh đối với các đơn xin xuất khẩu khí hóa lỏng, Moniz đã gọi điện cho TNS Hoeven tạm dừng thông qua dự luật để cùng nhau thảo luận một dự thảo khác với các quy định cả đôi bên cùng chấp nhận được. Cuối cùng, dự luật được điều chỉnh theo hướng thuận tiện cho Bộ Năng lượng nhưng vẫn bảo đảm thời gian như đề xuất ban đầu. Cả đôi bên đều hài lòng.

Thời còn ở MIT, Moniz đồng chủ trì các dự án năng lượng hạt nhân tương lai và quy trình nhiên liệu hạt nhân. Ông là một trong những chuyên gia năng lượng tham gia làm cố vấn cho ông John Kerry trong chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2004. Kể từ đó, Moniz duy trì mối liên hệ và làm việc tốt với ông Kerry.

Moniz tiếp quản chức Bộ trưởng Năng lượng từ ông Steven Chu, người đoạt giải Nobel về vật lý năm 1997. Tổng thống Obama cũng trọng dụng kiến thức bác học của Chu, nhưng vấn đề lớn nhất của Chu lại là quan hệ căng thẳng với Quốc hội. Do vậy, Chu thường xuyên là mục tiêu công kích khi một nhà sản xuất năng lượng mặt trời được Bộ Năng lượng bảo đảm vay vốn nửa tỉ USD, rồi sau đó công ty này phá sản, Bộ Năng lượng một phen bị các nghị sĩ đào bới tài liệu tìm bằng chứng vi phạm pháp luật.

Moniz được đánh giá cao hơn Chu vì ông có cách làm việc tốt hơn với Quốc hội và hiện đang được nhiều người trong Quốc hội có thiện cảm. Moniz cũng gây được cảm tình tốt với nhân viên, quan tâm đến công việc nội bộ cơ quan và chấn chỉnh những sai sót trong điều hành. Để thực hiện việc này, ông đặt ra một chức danh mới là "trợ lý Bộ trưởng phụ trách quản trị". Rồi ông tuyển dụng người thuộc nhiều thành phần xã hội, nhiều lĩnh vực cộng tác khác nhau, từ một luật sư trong Nhà Trắng cho đến chuyên gia kiểm soát vũ khí của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Khi bắt đầu tiến trình đàm phán mới giữa nhóm P5+1 với Iran về chương trình hạt nhân của Iran tại Lausanne, phía Iran cử nhà đàm phán Ali Akhar Salehi, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran (AEOI) tham gia đàm phán. Bên phái đoàn Mỹ là Moniz. Một sự trùng hợp thú vị bởi cả hai đều xuất thân từ MIT, tuy không gặp, không quen biết nhau ở MIT nhưng cả hai sử dụng ngôn ngữ công nghệ giống nhau, do đó có thể thương lượng với nhau một cách hiệu quả.

Hai người tiến hành đàm phán theo phương pháp chia nhóm nhỏ thương lượng, nhưng đồng thời cũng có những cuộc thương lượng tay đôi trực tiếp. Phương pháp đàm phán này giúp các nhà thương thảo khác dễ dàng tập trung vào các vấn đề riêng rẽ hơn, như vấn đề nới lỏng cấm vận. Khi hai nhân vật chủ chốt là Salehi và Moniz gặp nhau, đó là lúc cần phải kết luận vấn đề.

Là người quản lý 8 phòng thí nghiệm quốc gia của Mỹ, cho nên mặc dù Moniz mới chỉ tham gia đàm phán gần đây, nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ đã được ông giúp khá nhiều về những kiến thức, kỹ năng mang tính chuyên gia. Đội ngũ chuyên gia do Moniz lãnh đạo cũng là lực lượng hùng hậu hỗ trợ ông rất nhiều trong đàm phán, khi ông cần tính toán một số vấn đề tưởng chừng nhỏ nhặt nhưng có vai trò không kém quan trọng. Đội ngũ các chuyên gia của Moniz thường bắt đầu làm việc khi các nhà đàm phán đã hoàn tất ngày làm việc, và họ sẽ phải tranh thủ chạy đua với công việc phân tích cho kịp hoàn thành trước khi các nhà đàm phán thức dậy ngày hôm sau.

Theo CAND