Vu Lan mỗi ngày suốt cuộc đời mình

Cập nhật: 14-08-2011 | 00:00:00
(BDO) Sáng nay, đông đảo người dân đổ về các ngôi chùa trên địa bàn tỉnh nhà và các địa phương lân cận như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM,… để bái Phật hành lễ rằm tháng Bảy. Ai ai cũng muốn tỏ lòng thành kính với cha mẹ, tổ tiên và nhờ cửa thiền gột sạch những lỗi lầm quá khứ để thân tâm thanh tịnh.

Lễ Vu Lan thực sự là lễ báo hiếu, tri ân và báo ân. Trong ngày lễ Vu Lan báo hiếu, người ta đặc biệt trân trọng ơn cha mẹ sinh thành bởi cha mẹ sinh thành là cái gốc của mọi sự. Trong đạo Phật, ngày Vu Lan là ngày nói lên tinh thần phục thiện, hối cải của tăng ni, phật tử, vừa gợi lại lòng hiếu thảo của người con Phật, vừa là ngày tha thứ mọi lỗi lầm của chúng sinh.

  Đông đảo Phật tử và chư tăng tham dự buổi lễ bông hồng cài áo, khởi động mùa Vu lan báo hiếu

Nhân ngày xá tội vong nhân, chuyên mục Gia Đình xin kể ra đây những câu chuyện về những người con vì mãi mê lo cuộc mưu sinh mà quên đi chữ hiếu nghĩa đối với bậc sinh thành và cầu mong trong cuộc sống sẽ không còn những câu chuyện đau lòng như vậy nữa.

Ngày còn nhỏ, nghe câu ca dao “Cha mẹ nuôi con biển hồ lai láng/Con nuôi cha mẹ tính tháng tính ngày”, tưởng rằng đó chỉ là lời nói ẩn dụ, nhằm phê phán những đứa con bất kính, vô lễ với cha mẹ. Hoặc nếu có, thì chuyện chắc cũng đã xảy ra từ hồi xửa, hồi xưa. Nào ngờ trong cuộc sống văn minh, hiện đại ngày nay, vẫn còn xảy ra những trường hợp y hệt như câu ca dao trên.

Nhà nọ có 3 anh em trai. Người cha không may mất sớm, bà mẹ ở vậy mua gánh, bán bưng tần tảo sớm hôm nuôi các con khôn lớn. Khi tuổi về chiều, bà không còn lao động được nữa, phải nương nhờ vào các con thì bi kịch xảy ra với bà. Từ trước tới nay, bà ở với người con út. Bỗng một hôm bà nghe các con của bà bàn tính chuyện mỗi người chịu trách nhiệm nuôi bà suốt 2 tháng sẽ đến lượt người kế tiếp rước bà về nuôi. Ban đầu, bà ngỡ các con ai cũng muốn báo hiếu nên xin rước mẹ về nhà mình phụng dưỡng. Khi bà biết ra sự thật là thằng út đánh tiếng than vản với 2 người anh rằng nuôi bà nặng gánh quá nên mới có sự thỏa thuận như trên. Biết chuyện, bà giận dỗi xách giỏ qua nhà người con trai cả. Được vài ngày, con dâu cả đánh tiếng nói bóng, nói gió khiến bà mũi lòng xách giỏ qua nhà người con giữa. Cảm thấy từ khi về nhà thằng con giữa, hai vợ chồng nó thường xuyên xảy ra lục đục thế là bà lại lửng thửng quay về nhà thằng con út. Về nhà thằng con út không được bao lâu thì bà qua đời. Chỉ có người trong cuộc mới hiểu vì sao bà ra đi nhanh như vậy.

Cách đây không bao lâu, cũng vừa xảy ra một sự việc hết sức đau lòng về sự hiếu nghĩa của con cháu đối với ông bà. Bà cụ ấy đã vất vả một đời gánh hàng đi bán kiếm tiền nuôi con, nuôi cháu ăn học nên người. Vậy mà khi về già, các con, cháu của bà không hề đoái hoài đến bà. Nhà lúc nào cũng có người, vậy mà một buổi sáng nọ, vì đói quá bà chống gậy ra đầu ngõ mua xôi, Do sức yếu, trên đường quay về nhà, bà té ngả và ra đi mãi mãi, trên tay bà còn nắm chặt gói xôi nóng hổi.

Nhân mùa Vu Lan, kể ra những câu chuyện trên để thấy rằng trong cuộc sống, thỉnh thoảng vẫn còn những người con, người cháu vì vất vả lo toan trong cuộc mưu sinh mà quên đi sự có mặt của ông bà, cha mẹ đang hiện hữu bên đời mình. Đến khi ông bà, cha mẹ không còn trên cõi đời nữa mới tỏ ra ăn năn, hối hận.

Mong rằng từ nay không chỉ trong mùa Vu Lan chúng ta mới thể hiện tinh thần Vu Lan mà mỗi người phải có tinh thần Vu Lan mỗi ngày trong suốt cuộc đời mình.

MINH HOÀNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=532
Quay lên trên