Vụ nạn nhân bị đánh trọng thương ở xã Cây Trường, Bến Cát: Hơn 1 năm mà vẫn chưa được “giám định” thương tích?!

Cập nhật: 25-06-2010 | 00:00:00

 

Quá bức xúc, cha của nạn nhân viết đơn kêu cứu

... “Con trai tôi đã bị nhóm thanh niên này đánh chấn thương sọ não gây mất trí nhớ và bị liệt nửa người từ hơn 1 năm qua, gia đình hiện gặp nhiều khó khăn, chi phí điều trị đã hơn 400 triệu đồng... Vụ việc nghiêm trọng là vậy nhưng cho đến nay các đối tượng phạm tội vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật”. Ông Trần Xuân Sang, ngụ xã Cây Trường, huyện Bến Cát đã bày tỏ bức xúc khi trao đổi với phóng viên (PV) Báo Bình Dương.

Chỉ từ mâu thuẫn nhỏ...

Trong đơn kêu cứu gửi Báo Bình Dương và các ngành chức năng, ông Sang cho biết: Ngày 31-5-2009, con trai ông là Trần Xuân Ánh, cùng anh rể là Hoàng Bá Như đánh bida tại quán Bảo Nhi ở ấp Ông Chài, xã Cây Trường, huyện Bến Cát. Tại đây, Ánh bị một số đối tượng gồm: Đinh Văn Sinh, SN 1991; Nguyễn Thanh Quang, SN 1992 và Huỳnh Ngọc Ẩn, SN 1987, cùng ở tại địa phương đã hành hung gây chấn thương sọ não nặng phải đưa phẫu thuật cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy và hiện nay đã chuyển sang điều trị tại Trung tâm Điều dưỡng phục hồi chức năng quận 8, TP.HCM. Sau hơn 1 năm dài điều trị nhưng hiện Ánh vẫn chưa hồi phục trí nhớ và không đi lại được...!

Ông Sang cho biết thêm: “Con trai tôi, Trần Xuân Ánh đang học năm 3 của trường Trung cấp Nông lâm Bình Dương; sau khi bị nhóm thanh niên kia đánh đập làm mất trí nhớ, liệt nửa người thì coi như đường học vấn đã chấm hết! Bản thân tôi là thương binh, còn vợ tôi thì mất sức  lao động nhưng chi phí chữa trị cho con trong hơn 1 năm qua là rất lớn nên gia đình tôi đã phải chạy vạy vay mượn nhiều nơi. Sau khi sự việc xảy ra, Công an xã Cây Trường đã mời các đương sự lên ghi lời khai và thu giữ vật chứng (cây cơ bida) nhưng cho đến nay vụ việc này vẫn chưa làm sáng tỏ, gây bức xúc cho gia đình và dư luận người dân hết sức phẫn nộ, bất bình”.

Theo tài liệu mà P.V thu thập: nạn nhân Trần Xuân Ánh bị đánh chấn thương sọ não gây xuất huyết dưới nhện, máu tụ dưới màng cứng, nhồi máu não bán cầu trái nên phải phẫu thuật và nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy trong 2 tháng liền.

Trao đổi với P.V Báo Bình Dương, quyền Trưởng Công an xã Cây Trường, huyện Bến Cát Nguyễn Văn Mạnh cho biết: “Ngay sau khi xảy ra vụ việc, công an xã đã điện báo về Công an huyện Bến Cát đến trực tiếp làm hồ sơ và hiện nay toàn bộ hồ sơ vụ việc này đã chuyển về huyện thụ lý. Trước khi bị đánh, nạn nhân Trần Xuân Ánh sống ở địa phương rất hiền lành còn 3 thanh niên: Đinh Văn Sinh, Nguyễn Thanh Quang và Huỳnh Ngọc Ẩn thì cũng chưa có tiền án, chỉ thường tụ tập ban đêm đi chơi”.

Chủ quán bi da Bảo Nhi, chị Phạm Thị Kim cho biết: trước khi xảy ra vụ đánh nhau thì các thanh niên chơi bi da ở bàn cạnh nhau. Vụ việc xích mích thế nào thì tôi không rõ, chỉ nghe nạn nhân Ánh có nói “tao ra đây chơi thì chẳng thằng nào dám đánh”! Một lúc sau tôi thấy 3 thanh niên đánh nhau với Ánh và chúng cầm cây cơ bi da đuổi Ánh chạy ra ngoài đường đánh tiếp một lúc thì bị lực lượng dân quân đến bắt giữ...

Mòn mỏi “chờ giám định”!

Bày tỏ bức xúc với P.V, ông Trần Xuân Sang cho biết: “Hành vi dùng vật cứng và gậy gộc của các thanh niên Sinh, Quang và Ẩn đánh đập gây thương tích cho con tôi là vi phạm pháp luật, cần thiết phải bị xử lý giáo dục và phòng ngừa tội phạm. Song cho đến nay, con tôi là Trần Xuân Ánh vẫn chưa được Công an huyện Bến Cát cho tổ chức giám định tỷ lệ thương tật để có cơ sở xử lý theo đúng quy định của pháp luật... Nhiều lần gia đình tôi lên xuống công an huyện để hỏi thăm vụ việc thì nơi này cứ hứa nhưng không giải quyết”!

Theo quy định của pháp luật, trong vụ án đánh người gây thương tích hoặc vụ tai nạn giao thông thì chứng cứ quan trọng nhất chính là tỷ lệ thương tật. Tỷ lệ thương tật này có thể thay đổi theo thời gian, vì vậy để phục vụ cho công tác điều tra tốt hơn thì ngay sau khi xảy ra vụ việc, cơ quan điều tra cần phải trưng cầu giám định tạm thời. Sau đó, nếu tình trạng sức khỏe của nạn nhân có thay đổi thì sẽ trưng cầu giám định bổ sung, chứ không thể chờ đợi kéo dài cả năm sau mới đưa nạn nhân đi giám định.

 Căn cứ Điều 14, Quyết định 18 ngày 5-1-2007 về “sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật” của Bộ Công an đã nêu rõ: sau khi thu thập đủ giấy chứng thương của bệnh viện, đơn vị thụ lý vụ án đối chiếu với Thông tư liên bộ Số 12/TTLB ngày 26-7-1995 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế  để sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật của nạn nhân. Kết quả sơ bộ đánh giá tỷ lệ phần trăm thương tật này là căn cứ để ra quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hoặc quyết định xử lý hành chính.

Quy định của pháp luật là vậy nhưng trong vụ án trên, gia đình nạn nhân Trần Xuân Ánh còn phải chờ đợi mòn mỏi cấp thẩm quyền vào cuộc; cụ thể là Công an huyện Bến Cát nhưng đã hơn 1 năm qua mà vụ việc này vẫn rơi vào im lặng!?

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi diễn tiến của vụ việc này và thông tin đến bạn đọc khi có kết luận giải quyết từ Công an huyện Bến Cát.

NHÓM P.V PHÁP LUẬT

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên