Vụ PCI: Có chứng cứ khởi tố tội nhận hối lộ
Tuần qua, Bộ trưởng Công an đã báo cáo có cơ sở chứng cứ để khởi tố tội danh nhận hối lộ vụ PCI - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói tại cuộc họp báo chiều qua (7-1).
Thủ tướng và 8 vị Bộ trưởng đã dành cho báo chí hai giờ đồng hồ để trao đổi về những vấn đề nổi lên năm qua như quốc phòng an ninh, PCI, chuyện lương cao ở SCIC. VietNamNet lược ghi nội dung này.
Thủ tướng: Biển chúng ta rộng thì ta phải bảo vệ. Ảnh: Cổng TTĐT Chính phủ
Không bỏ sót tội
VnExpress: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua đại biểu Nguyễn Minh Thuyết có chất vấn Thủ tướng về tiến độ xử lý vụ PCI Huỳnh Ngọc Sĩ, xin hỏiThủ tướng đã có chỉ đạo gì để thúc đẩy vụ việc?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Không chỉ căn cứ trên tài liệu phía Nhật Bản cung cấp mà chúng ta cũng chủ động yêu cầu cơ quan chức năng kiểm tra, điều tra, và đã xét xử tội cố ý làm trái, dựa theo chứng cứ có được.
Tuần qua Bộ trưởng Công an đã báo cáo là đã có cơ sở chứng cứ để khởi tố tội danh nhận hối lộ, và sẽ xử lý với tinh thần dứt khoát không để bỏ sót tội.
"Mua tàu ngầm để bảo vệ đất nước"
Tuổi trẻ: Trong chuyến đi Nga vừa qua Thủ tướng đã ký thỏa thuận mua tàu ngầm và máy bay với Nga, có quan điểm cho rằng đây có thể là một cuộc chạy đua vũ trang. Xin Thủ tướng cho biết ý kiến?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Việt Nam có hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng Tổ quốc và bảo vệ Tổ quốc.
Đây là hai phạm trù biện chứng. Ông cha ta đã làm và ta cũng sẽ như thế.
Mà bảo vệ đất nước thì phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, phát huy sức mạnh toàn dân tộc. Chúng ta phải xây dựng nền quốc phòng vững mạnh toàn dân, trong đó lực lượng quân đội nhân dân là lực lượng nòng cốt.
Đó là quân đội, nói như Bác Hồ, là trung với Đảng, hiếu với dân, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng chiến thắng.
Muốn như vậy thì quân đội phải vững mạnh, nghĩa là phải cách mạng, tinh nhuệ, chính quy và từng bước hiện đại. Chính quy, tinh nhuệ là phải huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu cao. Con người là một phần nhưng vũ khí rất quan trọng.
Mà nền kinh tế nước ta đang từng bước phát triển thì càng có điều kiện để hiện đại hóa quân đội. Tất cả các quốc gia đều phải làm việc này.
Hiện đại hóa quân đội không phải là để bắn ai mà vẫn để giữ đường lối của nước ta là hòa bình, hữu nghị, hợp tác bình đẳng cùng có lợi.
Muốn đó phải tự chủ được, mà để tự chủ được thì phải có sức mạnh.
Vừa rồi chính tôi đàm phán với Tổng thống Nga mua thế hệ tàu ngầm hiện đại nhất hiện nay. Ta không đánh ai nhưng biển chúng ta rộng thì ta phải bảo vệ. Chúng ta mua tên lửa cũng là loại hiện đại nhất hiện nay, để bảo vệ vùng biển của chúng ta. Máy bay ta mua cũng là loại hiện đại nhất hiện nay.
Như vậy việc ta trang bị vũ khí hiện đại không phải do tình hình phức tạp, hay có vấn đề đột xuất hay do chúng ta chạy đua vũ trang.
Các nước Asean nước nào cũng có tàu ngầm. Singapore, Malaysia, mọi quốc gia biển đều có tàu ngầm.
Chúng tôi mua tàu ngầm là để bảo vệ đất nước chứ không phải ai chuẩn bị đánh mình mà mình phải tức tốc mua vũ khí. Đây là lộ trình hiện đại hóa quân đội theo khả năng phát triển của kinh tế đất nước.
Lương SCIC không quá chênh lệch
Báo Thể thao Việt Nam: Vì sao có một cơ chế cho 1 tổng công ty kinh doanh lấy lãi và để trả lương cho người lãnh đạo cao gấp mười lần lương Thủ tướng? Theo Thủ tướng, chúng ta có nên duy trì cơ chế bất bình đẳng này nữa không?
Bộ trưởng LĐ-TB-XH Nguyễn Thị Kim Ngân: Theo các quy định hiện hành, doanh nghiệp nhà nước sẽ phải xây dựng khung tiền lương để đăng ký với Nhà nước.
Chúng tôi sẽ thông báo hệ số tiền lương trên cơ sở định mức lao động và kế hoạch thực hiện. Tiền lương của tổng giám đốc, thành viên chuyên trách hội đồng quản trị có mức bình quân khoảng 40 triệu đồng/tháng.
Vừa rồi kiểm toán công bố con sốo 78,5 triệu là tiền lương năm 2008, trong đó có tiền làm thêm ngoài giờ, trang phục, điện thoại, ăn trưa, tiền từ năm 2007 chuyển sang. Con số này có vẻ cao hơn so với quy định.
Chúng tôi và các bộ liên quan sẽ xem lại quy định hiện hành xem tiền lương như vậy hợp lý chưa. Nếu bất hợp lý sẽ sửa.
Chúng tôi nhận thấy mức tiền lương như vậy của SCIC cũng không có gì là quá chênh lệch so với mặt bằng cũng như các lĩnh vực khác.
Còn mức thu nhập mà vượt trên quy định thì chúng tôi sẽ phải rà soát lại, sẽ phải phân tích số tiền vượt trên 40 triệu đồng đó khoản tiền nào đúng, khoản nào không và có hợp lý không.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Khi kiểm toán nhà nước kiểm toán SCIC, tôi đã yêu cầu phải phân tích vấn đề này xem như thế nào để rút kinh nghiệm. Có hai vấn đề:
Thứ nhất, SCIS lập ra để quản lý vốn nhà nước, với mong muốn là tách chức năng quản lý nhà nước của các bộ với chức năng chủ sở hữu. Tách bạch vấn đề đang bị xem là nhập nhằng ta hay nói là các Bộ vừa đá bóng vừa thổi còi.
Vì trong quá trình đổi mới sắp xếp DN nhà nước, ta đặt mục tiêu tách bạch các chức năng này.
Ta đã tham khảo kinh nghiệm bạn bè quốc tế, các nước rồi lập SCIC. Nhưng khi lập ra rồi, chính tôi cũng thấy rằng phải có một thể chế, cơ chế để SCIC hoạt động phù hợp với chức năng mình đã giao. Sao cho Tổng công ty này phải được vận hành theo một cơ chế phù hợp.
Tuy nhiên đến nay Nghị định để quản lý một cơ quan đặc thù như thế này vẫn chưa được ban hành và tôi cũng thấy có trách nhiệm, có khuyết điểm trong sự chậm trễ này.
Và như vậy SCIC vẫn hoạt động theo thể chế hiện hành.
Theo quy định hiện hành thì hợp pháp, nhưng không hợp lý không đúng với chức năng được giao. Cần đánh giá lại và ban hành Nghị định phù hợp.
Còn về chuyện lương, đây là đơn giá tiền lương bộ lao động xây dựng và phê duyệt.
Lương đúng theo quy định là 40 triệu, vậy phải nghiêm túc đánh giá xem các khoản vượt lên có khoản nào sai. Nếu sai thì phải xem xét và sửa chữa, kịp thời xử lý trong thời gian tới cho phù hợp.
Đánh giá cán bộ dựa trên hiệu quả công việc
Báo Người cao tuổi: Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, đại biểu Lê Văn Cuông đã chất vấn Thủ tướng về việc Chủ tịch UBND Hà Giang năm lần không chấp hành chỉ đạo của Thủ tướng nhưng vẫn không bị kỷ luật. Xin hỏi Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết vụ việc này như thế nào sau khi phiên họp kết thúc?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Tôi đã đề nghị Hà Giang báo cáo lại tình hình và nhất là yêu cầu thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang phải kiểm tra lại thông tin đại biểu nêu.
Tuần tới tôi sẽ lên Hà Giang làm việc.
Pháp luật TP.HCM: Năm 2010 là năm chuẩn bị ĐH Đảng các cấp nên có nhiều người lo ngại rằng đây đó sẽ có hiện tượng ngại va chạm, ảnh hưởng đến thực hiện các mục tiêu kinh tế xã hội. Vậy Thủ tướng sẽ phải làm thế nào trong công tác chỉ đạo điều hành để hạn chế tình trạng này?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Từ Ban Bí thư, Bộ Chính trị đều đã có chỉ đạo là phải đánh giá cán bộ dựa trên hiệu quả công việc chứ không phải đánh giá những cán bộ chỉ biết giữ cho tròn, hoàn thành nhiệm vụ.
Phải xem những đồng chí tiêu biểu là những đồng chí dám làm, dám chịu trách nhiệm.
Xử nghiêm vụ hành hung nhà báo
Người Lao động: Trong cùng một ngày có hai vụ hành hung nhà báo khi nhà báo đi phản ánh tiêu cực. Xin hỏi Thủ tướng bên cạnh việc khuyến khích thì có biện pháp nào để bảo vệ báo chí trong cuộc chiến chống tiêu cực?
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoan nghênh báo chí phản ánh đúng các hành vi trung thực, ngăn ngừa hành vi tham nhũng. Ai có hành vi sai pháp luật thì phải nghiêm trị.
Tôi đã đọc tin vụ hành hung ở Hà Tĩnh. Hôm nay, khi họp tôi đã nói với cả Bí thư và Chủ tịch Hà Tĩnh phải xử lý nghiêm, đúng pháp luật.
(Theo VNN)