Vựa phế liệu nằm xen lẫn trong khu dân cư: Nguy cơ cháy nổ luôn rình rập

Cập nhật: 10-12-2021 | 09:20:51

Gần đây trên địa bàn tỉnh liên tiếp xảy ra các vụ cháy vựa phế liệu. Theo ghi nhận hiện tồn tại nhiều điểm kinh doanh phế liệu trong khu dân cư và không bảo đảm các điều kiện an toàn dẫn đến cháy, nổ.


Nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu đang hoạt động tại phường Khánh Bình không bảo đảm các điều kiện an toàn, có nguy cơ xảy ra cháy, nổ rất cao

Vựa phế liệu nhếch nhác, dễ xảy ra cháy

Mới đây đã xảy ra một vụ cháy vựa phế liệu nằm trong khu dân cư, thuộc khu phố Khánh Lộc, phường Khánh Bình, TX.Tân Uyên. Vào khoảng 10 giờ ngày 2-12, ngọn lửa bất ngờ bùng phát sau đó lan rộng ra nơi chứa nhiều chất dễ cháy và bốc cháy dữ dội. Nhận được tin báo, Đội Cảnh sát PCCC Công an (CA) TX.Tân Uyên huy động 5 phương tiện và 16 cán bộ chiến sĩ đến hiện trường dập lửa. Sau đó CA các địa phương lận cận cũng điều động thêm 5 phương tiện cùng hàng chục cán bộ, chiến sĩ hỗ trợ. Ngọn lửa được dập tắt sau đó, tuy không gây thiệt hại nghiêm trọng, nhưng nhiều hộ dân sống quanh khu vực này sợ hãi khi chứng kiến khói lửa mịt mù.

Vụ cháy là lời cảnh báo đối với hàng chục vựa phế liệu đang tồn tại trên địa bàn phường Khánh Bình. Theo tìm hiểu, phường Khánh Bình là một trong những địa phương có số lượng cơ sở kinh doanh phế liệu nhiều nhất của TX.Tân Uyên, với khoảng 10 cơ sở nằm ở mặt tiền đường lớn và đường nhánh, hẻm nằm sâu trong khu dân cư. Đáng nói là nhiều cơ sở trong quá trình thu mua phế liệu có các loại vật liệu dễ cháy như: Giấy carton, vải vụn, bọc nylon, nhựa, chai lọ,… chất thành đống, chưa qua xử lý gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, vựa phế liệu thường tận dụng khung sắt yếu, mỏng, gỉ sét dựng tạm bợ, tôn cũ để làm vách ngăn, hàng rào và dường như bỏ ngỏ vấn đề phòng chống cháy, nổ khiến người dân sinh sống xung quanh lo sợ xảy ra sự cố bất cứ lúc nào. Ngoài ra, tình trạng thu mua phế liệu không được thu dọn gọn gàng, thậm chí để bừa bộn ngay trước đường tạo ra cảnh nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị.

Cần chấn chỉnh kịp thời!

Liên quan đến các cơ sở kinh doanh phế liệu không bảo đảm an toàn trong quá trình hoạt động trên địa bàn phường Khánh Bình, P.V đã liên hệ với lãnh đạo UBND phường để trao đổi, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được cung cấp bất kỳ thông tin gì liên quan.

Cũng tại TX.Tân Uyên, một số địa phương tỏ ra quyết liệt trong vấn đề xử lý các vựa phế liệu. Bà Trần Ngọc Huyền Trang, Phó Chủ tịch UBND phường Thái Hòa, TX.Tân Uyên, cho biết: “Hiện địa phương có 8 cơ sở kinh doanh phế liệu, trong đó 2 cơ sở nằm trên mặt tiền đường lớn (thuộc nhóm 1), còn lại 6 cơ sở nằm trong các con hẻm (thuộc nhóm 2). Để bảo đảm mỹ quan đô thị, bảo đảm các điều kiện an toàn về môi trường, đất đai, phòng chống cháy nổ, chính quyền địa phương đang phối hợp với ngành chức năng của thị xã phân loại thành từng nhóm để quản lý theo đúng quy hoạch, định hướng, bảo đảm tuân thủ các điều kiện. Riêng đối với các trường hợp không đủ điều kiện sẽ yêu cầu ngưng hoạt động”.

Theo bà Trang, trước tiên sẽ sắp xếp lại các cơ sở kinh doanh phế liệu nằm ngay mặt tiền đường lớn. Do vậy, vào ngày 7-12, UBND phường Thái Hòa phối hợp với các ngành chức năng của TX.Tân Uyên đã làm việc với 2 chủ cơ sở và đi đến thống nhất tạm ngưng hoạt động trong thời hạn 3 ngày (từ ngày 7-12 đến ngày 10-12) để làm các thủ tục hồ sơ pháp lý, khi đủ điều kiện sẽ bố trí cho vào vùng quy hoạch mà chính quyền TX.Tân Uyên chấp thuận để tiếp tục hoạt động theo quy định. Trường hợp cố tình hoạt động tiếp, chính quyền địa phương sẽ tổ chức cưỡng chế, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, bà Lê Thị Hồng Gấm, Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường TX.Tân Uyên, cho biết hiện ngành chức năng thị xã đang chấn chỉnh các cơ sở kinh doanh phế liệu. Việc di dời các cơ sở phế liệu vào vùng quy hoạch theo quỹ đất ở các địa phương đang thực hiện ráo riết. Tính đến ngày 2-12, trên địa bàn TX.Tân Uyên còn 35 cơ sở kinh doanh phế liệu (có 4 cơ sở thuộc nhóm 1 và 31 cơ sở thuộc nhóm 2). Ngành chức năng phối hợp với các địa phương thường xuyên thành lập đoàn kiểm tra cơ sở thuộc nhóm 1 và buộc ngưng hoạt động trước ngày 31-12-2021. “Riêng về vùng quy hoạch kinh doanh phế liệu, chính quyền các địa phương sẽ tiến hành khảo sát, lập quy hoạch đất thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ, thực hiện công tác tuyên truyền, vận động đối với các chủ đất để tạo sự đồng thuận cùng ngành chức năng thực hiện tốt vùng quy hoạch phế liệu. Sau đó sẽ đưa các cơ sở kinh doanh phế liệu thuộc nhóm 1 vào vùng quy hoạch trước, còn lại nhóm 2 sẽ vận động chuyển đổi ngành nghề kinh doanh khác phù hợp…”, bà Gấm thông tin thêm.

Thiết nghĩ, trong khi chờ ngành chức năng sắp xếp, bố trí vùng quy hoạch đối với các cơ sở kinh doanh phế liệu, thì công tác kiểm tra, chấn chỉnh thiếu sót đối với những cơ sở đang hoạt động là biện pháp cấp bách để phòng ngừa các sự cố, rủi ro xảy ra cháy, nổ.

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc, gồm: Giấy phép kinh doanh; thực hiện cam kết bảo vệ môi trường (lập và đăng ký xác nhận vào những đề án bảo vệ môi trường), hệ thống phòng cháy chữa cháy (PCCC), xử lý môi trường; giấy chứng nhận về công tác PCCC do cơ quan có thẩm quyền cấp; có kho, bãi đạt chuẩn để chứa phế liệu… Tuy nhiên, hiện nay rất ít cơ sở đáp ứng đủ các điều kiện này.

HƯNG PHƯỚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên