Họ không phải là những MC (người dẫn chương trình) chuyên nghiệp mà chỉ làm thêm để tăng thu nhập. Đầu năm mới, rất nhiều nơi khai trương, động thổ, giới thiệu sản phẩm mới và đám cưới... tất cả đều cần có MC nhưng thù lao cho những người chuyên nghiệp khá cao nên gia chủ mời MC không chuyên. Thế là có những chuyện vui buồn và dở khóc dở cười khi những MC này “chạy sô” nhiều quá và thiếu sự chuẩn bị chu đáo...
Từ MC hội nghị
MC hội nghị tổng kết hay trong những buổi khởi công, động thổ thực ra rất quan trọng. Bởi trong buổi lễ, có nhiều quan khách VIP, người có chức quyền nên nếu để xảy ra sai sót là rất “khó ăn khó nói” cho người đứng ra tổ chức.
Có những hội nghị để “tiết kiệm chi phí” nên chủ nhân mời MC không chuyên. Thậm chí, trong công ty, có ai ăn nói lưu loát một chút sẽ được “điều động gấp” làm MC. Thông thường, những MC không chuyên này sẽ đọc trước kịch bản, biết trước nội dung buổi lễ để nói trước hội nghị. Nhưng có người thấy mình đứng trước đám đông có nhiều quan chức quá bỗng dưng... khớp và nói lắp lung tung cả lên. Người viết từng chứng kiến hai MC (đứng cho đỡ run chứ nội dung không có gì cần nói nhiều!) của một công ty nọ trong hội nghị khách hàng do không hiểu ý nhau nên nhăn mặt, đưa tay ngăn bạn đứng bên cạnh loạn xạ. Thậm chí còn cằn nhằn lẫn nhau! Những buổi hội nghị MC cần nói tiếng Anh càng rối nếu như hai người dẫn chương trình không hiểu nhau, không phối hợp nhịp nhàng với nhau.
Đến MC đám cưới
Đa phần các MC tại đám cưới đều kiêm luôn “ca sĩ mồi”. Nghĩa là sau khi nói, họ sẽ hát một vài bài trong lúc chờ người thân hai họ đăng ký giúp vui văn nghệ. Nói thì dễ rồi bởi có một bài và họ đã thuộc như cháo chảy! Còn hát, MC thường chọn những bài tiết tấu nhanh, sôi động để tạo không khí. Cho nên, có khi họ quên mất phần nội dung rất “kỵ” trong dịp vui như thế này.
Có lần, tôi đi dự đám cưới đứa cháu. Cô MC tên T. khá trẻ trung, xinh đẹp. Sau những câu chúc hai họ, sau bài thơ khen ngợi tình duyên của chàng và nàng, sau khi nói đến chữ hiếu, nhắc cô dâu, chú rể rót rượu mời tứ thân phụ mẫu, T. nói líu lo: “Buổi lễ đến đây là kết thúc...”, thay vì phải nói “nghi thức hôn lễ đã xong”. Sau này, cô giải thích với gia chủ rằng, cô chú thông cảm cho con nhé vì con mới đi làm MC ở một hội nghị về (!?). Chưa hết, đến khi hát, cô tự giới thiệu: “Sau đây em xin hát tặng bà con hai họ bài... Vết son môi trên áo”. Dàn nhạc đánh... tưng bừng và cô cũng nhún nhảy theo nhạc với lời hát: “Kìa son môi trên áo anh/ thì ra anh đã dối em/ đã biết thế trách sao/ em không yêu anh lâu/ vết son môi trên cổ áo/ chẳng cần anh nữa đâu/ ye...”. Nhiều thực khách hôm đó ngồi chung bàn tôi đã phì cười. Có người nói: “Ai lại mới chúc nhau trăm năm hạnh phúc, bách niên giai lão đó đã... em không yêu anh lâu và không cần anh nữa. Phiêu quá!”...
Rất nhiều bài “kỵ rơ” trong những dịp cưới hỏi như thế này vẫn có nhiều MC “vô tư” hát như: Áo em chưa mặc một lần, Ngăn cách, Biệt ly... Tôi từng chứng kiến một số gia chủ rành nhạc đã nổi nóng thực sự khi nghe những bài hát như thế trong đám cưới của con họ. Bực, họ gắt, sao chị (anh) dám hát những bài này, MC xanh mặt nhưng cố cười trừ: “Hay mà chú, con thấy có sao đâu, chỉ là... bài hát mà!”. Nhiều người đi dự đám cưới con cái bạn bè cho biết, họ sẽ “rút kinh nghiệm” để... làm việc với MC trước những bài nên hay không nên hát trong đám cưới, kể cả khách mời đăng ký góp vui chứ không riêng gì MC.
Có những bài hát rất dễ thương như: Đám cưới trên đường quê, Tơ hồng, Đường về hai thôn, Đám cưới đầu xuân, Trăng soi duyên lành... chẳng hạn. Các MC nên chọn những bài hát như thế này cho chắc ăn...
Nghề nào cũng phải đầu tư công sức cho nó chứ không chỉ vì làm thêm nên “được chăng hay chớ”. MC không chuyên là người nói, hát trước đám đông nên cần cẩn thận trong lời ăn tiếng nói, trong cư xử để còn tạo... thương hiệu cho mình!
QUỲNH NHƯ