Những năm gần đây, nghề chạy xe ôm công nghệ (grabbike) phát triển mạnh trong cả nước. Tại Bình Dương, nghề này thu hút nhiều bạn trẻ tham gia. Đằng sau chuyến xe là những chuyện vui buồn của những người gắn bó với nghề này.
Một tài xế grab chở khách trên đại lộ Bình Dương (TP.Thủ Dầu Một). Ảnh: TIỂU MY
Miệt mài trên những vòng xe
Thời gian gần đây, tôi thường đi grabbike cho những chuyến công tác xa trên 50km. Nhớ lại lần đầu tiên đón grabbike vì sợ trễ hẹn ở huyện Bắc Tân Uyên, tôi gọi xe, sau đó được Nguyễn Thanh Hưng, sinh viên ngành môi trường trường Đại học Thủ Dầu Một chở đi.
Thấy Hưng điều khiển chiếc Exciter Yamaha đời mới, sử dụng điện thoại xịn tôi khá ngạc nhiên. Hưng tâm tình, hình ảnh các chú xe ôm đứng chờ khách nơi góc phố giờ không còn nhiều nữa. Bây giờ muốn làm graber chị phải có một xe máy tương đối tốt và một yêu cầu bắt buộc là mọi giao dịch thông tin giữa tài xế và khách hàng đều thực hiện trên app - ứng dụng của điện thoại thông minh.
Hưng cho hay, quê bạn ở Nghệ An, nhà không thuộc diện khó khăn nhưng bạn muốn tự lập khi còn ngồi trên giảng đường. Với phương tiện cha mẹ trang bị cho, khi vào đây bạn suy nghĩ rất nhiều và cuối cùng quyết định chạy grab, vì công việc này phù hợp nhất. Khi nào đi học bạn tắt ứng dụng, khi không học bạn lại mở ứng dụng ra để chờ khách gọi.
Chạy được 1 tháng, Hưng bắt đầu “thấm” với nghề. Không còn vẻ thư sinh như những ngày mới vào giảng đường đại học, giờ đây da dẻ của bạn đen sạm, bệnh về mũi cũng bắt đầu xuất hiện vì liên tục hít khói bụi, rồi ít nhiều cũng ảnh hưởng việc học hành… “Tuy vậy, nghề này giúp em mỗi tháng đủ tiền trang trải sinh hoạt cho bản thân và được khám phá nhiều điều mới lạ. Mỗi cuốc chạy xe với em là một câu chuyện. Vui có, buồn có, khó khăn có nhưng chung quy em thấy mình trưởng thành hơn rất nhiều. Biết đâu mai mốt ra trường chưa có việc, đây còn là nghề cứu cánh cho em”, Hưng nói.
Anh Thành, thành viên nhóm grab ở đường Trần Văn Ơn, phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một xuất thân từ công nhân. Anh tâm sự, vợ chồng anh đều là công nhân, ở trọ nên việc chăm sóc, đưa đón con rất vất vả vì giờ giấc làm việc ở công ty rất nghiêm. Năm ngoái, sau khi cân nhắc anh bàn với vợ mua chiếc xe trị giá 25 triệu đồng và điện thoại hơn 4 triệu đồng để vào nghề. Lúc mới vào nghề, anh cũng lo kiếm tiền không đủ trang trải cuộc sống, nhưng giờ anh đã yên tâm khi nguồn thu nhập ổn định hơn.
Anh Thành thường chạy grabbike đến 17 giờ chiều. Nếu chạy đều, mỗi tháng anh có thu nhập tầm 10 triệu đồng. Anh tâm tình, muốn gắn bó với nghề này rất cần sự tận tâm, chu đáo. Chỉ cần khách phản hồi về tổng đài đến lần thứ 3 trong tháng những sai phạm của mình thì anh bị cắt hợp đồng vĩnh viễn, bị khóa tài khoản ngay lập tức, đặc biệt là đối với các hành vi vi phạm pháp luật giao thông, ăn mặc lôi thôi, nói năng cộc cằn... tạo hình ảnh xấu của màu áo đồng phục công ty...
Có lần tôi đi xe grab của anh Trần Văn Đức, ở phường An Thạnh, TX.Thuận An. Đức làm nghề thầu sơn nước, mỗi khi xong việc sớm bạn bật ứng dụng để chạy grab. Bạn cho biết nếu chạy đều đặn mỗi tháng bạn có thu nhập 5 - 7 triệu đồng để lo cho gia đình. Đức thường chạy đến 21 giờ tối thì nghỉ, chỉ đi khu vực TX.Thuận An, TP.Thủ Dầu Một.
Không ít rủi ro, cạm bẫy
Anh Đỗ Thế Hân, ở phường Thuận Giao, TX.Thuận An, kể cho tôi nghe cái lần anh may mắn thoát khỏi nguy hiểm khi vị khách có những biểu hiện rất lạ. Lúc đó khoảng 21 giờ tối, anh chuẩn bị về nghỉ thì có vị khách vẫy tay đón từ ngã tư Hòa Lân đi ga Dĩ An. Anh được khách hứa trả 300.000 đồng nên rất phấn khởi. Đến ga khách yêu cầu anh chạy vòng qua mấy ngõ mà vẫn chưa đến nơi. Linh tính điều chẳng lành, anh tìm đoạn đường đông người và yêu cầu khách xuống xe. Cuốc xe đó anh chẳng nhận được đồng nào, nhưng với anh đó lại là điều may mắn. Theo anh, hầu hết tài xế gặp nguy hiểm khi bắt khách không qua ứng dụng. Những kẻ có ý định cướp bằng cách đặt xe ngoài ứng dụng rất tinh vi. Chúng đưa ra mồi nhử ngon lành như đặt đi xa và trả nhiều tiền khiến một số tài xế cảm thấy được nhận số tiền kha khá nên mất cảnh giác, nhận chạy.
Từ một tài xế xe ôm truyền thống hoạt động ở bến xe khách Bình Dương, giờ đây anh Trần Văn Mạnh chuyển qua chạy grab. Anh cho biết: “Trước đây tôi chỉ chạy đến khi trời gần tối thì về nhà ăn cơm với vợ con và nghỉ ngơi luôn. Bây giờ, đi cái xe công nghệ này, xe ôm lại nhiều nên tôi phải tranh thủ làm tối. Tuy nhiên, tôi luôn đặt sự an toàn của bản thân lên hàng đầu. Trước mỗi chuyến đi xa đến các vùng vắng vẻ, dù đêm hay ngày tôi cũng cần quan sát, cân nhắc thật kỹ để tránh các mối nguy hại cho bản thân”.
Hưng chia sẻ, thấy chạy grab kiếm tiền dễ nên nhiều người bạn của anh cũng tham gia nghề này. Có bạn còn chạy “miệt mài” đến mức bỏ bê việc học và học lại tới 7 môn. “Em mới chạy grabbike 1 năm mà xe đã đi hơn 40.000km, bằng xe người ta đi trong 3 - 4 năm. Em làm 1 năm mà về mẹ nhận không ra, vì đen quá mà…”, Hưng nói. Theo Hưng, chạy chở khách có khi còn đỡ cực khổ, còn chạy giao thức ăn dễ bị khách “bom” (đặt hàng mà không nhận). Người bạn cùng phòng với anh vừa rồi bị khách “bom” mấy cái bánh pizza 400.000 đồng.
Không chỉ đối mặt với hiểm nguy luôn rình rập, nhiều tài xế grab tâm sự chuyện cười ra nước mắt khi họ bị “gạ gẫm”, thậm chí bị sờ mó… Hân kể, có lần anh phải “căng người” khi một vị khách nam ngồi sau cứ liên tục sờ soạng. Lúc đó, anh liên tục hít sâu, vươn vai… và mong đến điểm tới. Anh chia sẻ kinh nghiệm, khi chở khách nếu đoạn đường nào cảm thấy không an tâm thì dừng lại và nói chuyện rõ ràng với khách. Nếu khách thiện chí thì đi tiếp, không thì chấp nhận “bỏ của chạy lấy người”…
Rảo trên những nẻo đường trong tỉnh, mọi người có thể thấy màu áo xanh quen thuộc của xe ôm công nghệ. Họ đến từ những miền quê khác nhau, giọng nói khác nhau, có những hoàn cảnh khác nhau, tính cách khác nhau, tâm tình khác nhau nhưng có một điểm chung đáng trân quý: Mong muốn gắn kết với nghề để kiếm được những đồng tiền chân chính.
Gắn kết hỗ trợ nhau Ngoài thu nhập, các tài xế xe ôm công nghệ luôn muốn có những người đồng nghiệp nghĩa tình để cùng nhau chia sẻ kiến thức, kỹ năng chạy xe bổ ích. Hiểu rõ những khó khăn, hiểm nguy của nghề nên thời gian qua, anh em làm nghề grab tìm cách liên kết, tương trợ lẫn nhau. Anh Thành cho biết chỉ riêng tại TP.Thủ Dầu Một hiện có đến 10 nhóm grab, mỗi nhóm từ 40 - 50 người. Các nhóm này thường được lập theo địa điểm định vị và mang tên của chính địa danh đó. Họ cùng chia sẻ những khó khăn cho nhau, gắn kết hỗ trợ nhau khi cần thiết. Mỗi tháng họp nhóm một lần, cùng chia sẻ những thông tin trong nghề. Tham gia nhóm, mỗi người góp quỹ 500.000 đồng để thăm hỏi anh em bị tai nạn, có hoàn cảnh khó khăn để cùng gắn kết. “Nghề này cũng rủi ro cao lắm; nặng thì nằm viện, nhẹ thì cũng trầy xước nên đây là nguồn động viên tinh thần để anh em gắn kết với nhau. Đó là cách để anh em hỗ trợ nhau nhiều nhất có thể”, anh Thành nói. |
TIỂU MY