Vùng biển Đông Nam Á: Nhiều hòn đảo đã biến mất vĩnh viễn

Cập nhật: 16-04-2010 | 00:00:00

 

Người dân sống trên đảo Sebesi của Indonesia luôn tự hào về vẻ đẹp của đảo núi lửa Krakatoa cách đó vài dặm. Khi Krakatoa phun trào vào năm 1883, 36.000 người đã chết và bầu trời bị vẩn đục vì đám khói bụi. Một doanh nhân, từ vùng đất liền của Indonesia, xuất hiện ở đảo với một lời đề nghị tử tế: giúp đảo Krakatoa trở nên an toàn bằng cách đào một con kênh để khơi thông dòng nham thạch, tránh nguy cơ núi lửa phun trào tiếp.

 

Ăn cắp đảo bằng tàu

"Chúng đang bán tống bán tháo từng phần của đất nước Malaysia, mỗi ngày một ít. Chúng đào bới Malaysia để mang cho người khác"

Cựu thủ tướng Malaysia MAHATHIR Mohamad

 

Nhưng khi thấy đội tàu của  một doanh nghiệp kéo đến, những người đánh cá đã nhanh chóng nhận ra ông ta đang đánh cắp dần hòn đảo của họ. Và họ đã nổi giận.

 

“Có một sà lan lớn, loại chuyên chở than, đến đây và dùng các ống lớn hút hết cát trên đảo - Waiso, một nhà hoạt động môi trường, cho biết - Đây là công viên quốc gia và là điểm mà UNESCO công nhận là di sản thế giới. Người dân chỉ sống bằng nghề chài lưới và có nguồn thu từ du lịch. Giờ đây những kẻ xấu đang muốn chở hòn đảo Krakatoa đi mất”.

 

Việc làm tắc trách này đã nhanh chóng bị tố cáo khi người dân kịp thời phát hiện và thông báo cho các phương tiện truyền thông. Những kẻ khai thác lậu phải lặng lẽ bỏ đi. “Vị thần của đảo này đang giận dữ với chúng - Iman Faisil, một hướng dẫn viên du lịch, giận dữ nói - Chúng tôi cũng giận dữ với bọn chúng. Nếu chúng quay lại, chúng tôi sẽ kết thành một hàng rào bảo vệ. Chúng tôi sẽ đốt thuyền của bọn chúng. Hòn đảo này không thuộc về chúng mà thuộc về cả thế giới”.

 

Sau đợt phun trào của núi lửa Krakatoa, vào cuối những năm 1920 một hòn đảo mới được gọi là Anak Krakatau (Đứa con của Krakatoa) nhô lên khỏi mặt biển với tốc độ vài centime mỗi ngày và giờ cao đến 300m. Kể từ năm 2007, đảo sinh ra nhiều dòng nham thạch lớn, ở đó nhiều loài sinh vật như cá ngừ, tôm hùm, cá chỉ vàng...kéo đến sinh sống. Và đó là nguồn lợi quan trọng đối với người dân trên đảo, chứ không phải nguồn thu nhập từ việc bán cát.

  

Sà lan chở cát đi khỏi đảo Nipah của Indonesia 

Krakatoa chỉ là một trong nhiều trường hợp bị những kẻ xấu nhòm ngó. Nhưng số phận của nó may mắn hơn các hòn đảo khác bởi sự phản ứng dữ dội của người dân địa phương. Với hơn 17.000 hòn đảo, từ những đảo lớn có nhiều rừng rậm như Borneo và Sumatra đến các đảo đá không tên ngoài khơi xa, ai đó có thể nghĩ rằng Indonesia sẽ chẳng mấy phiền lòng nếu như vài hòn đảo nhỏ biến mất. Nhưng quốc gia Đông Nam Á này lại đang phải chiến đấu với những kẻ khai thác lậu ngày đêm rỉa rói nguồn của cải thiên nhiên đất nước mình.

 

“Ăn” 300.000 tấn cát/tháng

 

Năm 2007, Indonesia đã cấm xuất khẩu cát, sỏi và đe dọa xử phạt nghiêm những kẻ khai thác lậu cát. Nhưng một số quan chức lại thông đồng hay làm ngơ để những kẻ xấu được đà cứ lấn tới.

 

Kể từ năm 2005 tới nay, ít nhất 24 hòn đảo của Indonesia đã biến mất vĩnh viễn vì nạn khai thác cát, đá. “Các hòn đảo nhỏ không có nhiều dân cư nhưng luôn có chức năng quan trọng trong hệ sinh thái - Riza Damanik, thuộc Liên đoàn bảo vệ nguồn lợi thủy sản, cảnh báo - Tính riêng ở đảo Riau, người dân đã mất đi 80% nguồn thu nhập do hậu quả của các hoạt động khai thác cát”. Hơn nữa, những hòn đảo nhỏ còn có chức năng bảo vệ đảo lớn khi xảy ra bão tố và sóng thần.

 

Khó có thể thống kê chính xác lượng cát đã được chuyển đi do nạn khai thác bất hợp pháp này. Nhưng theo ước tính, trước khi có lệnh cấm hằng tháng có khoảng 300.000 tấn cát đã được chuyển khỏi một hòn đảo, và do vậy hằng năm Indonesia mất đi 300 triệu mét khối cát vì nạn khai thác phi pháp.

 

Khai thác cát lậu không chỉ là vấn nạn riêng của Indonesia mà của cả vùng Đông Nam Á. Singapore trở thành một tâm điểm nóng của những lời buộc tội cho rằng nước này đã và đang thúc đẩy nạn khai thác cát tràn lan để đáp ứng nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng và mở rộng đảo. Khi chính phủ các nước như Indonesia, Campuchia và Việt Nam ra lệnh cắt giảm nguồn cát xuất khẩu sang Singapore cũng đồng nghĩa nạn khai thác lậu bung ra hoạt động mạnh.

 

700 xe chở cát mỗi ngày qua biên giới Malaysia

 

Tháng 1-2010, 34 viên chức Malaysia đã bị bắt vì tội nhận hối lộ để làm ngơ cho các chuyến xe chở cát lậu sang Singapore. Đầu tháng 2-2010, con đường huyết mạch từ Malaysia đến Singapore bị tắc nghẽn vì 37 xe tải chở cát bị bỏ lại khi hải quan tăng cường hoạt động trên biên giới. Theo cựu thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad, hằng ngày có 700 xe chở cát như vậy đi ngang biên giới hai nước.

Kẻ cắp lén lút hoạt động về đêm, lấy đi hàng triệu tấn cát dọc các bờ biển của Indonesia, Malaysia, đe dọa đến cảnh quan môi trường và đời sống sinh vật biển ở các hòn đảo nhiệt đới. Các chuyên gia cảnh báo rất nhiều đảo sẽ tiếp tục biến mất trong thập kỷ tới nếu những kẻ khai thác lậu không dừng lại. Những nhà hoạt động môi trường cho biết các tay khai thác lậu kéo đến thành từng nhóm nhỏ, xúc cát rồi chở thẳng đến cảng Singapore.

 

“Đây thật sự là cuộc chiến bảo tồn nguồn lợi tự nhiên mà các chính phủ phải suy nghĩ nghiêm túc - Nur Hidayati, người phát ngôn của Tổ chức Hòa Bình Xanh ở Indonesia, báo động - Nguy cơ đe dọa ngày càng nghiêm trọng đối với đảo Nipah, Karimun và nhiều đảo nhỏ khác ngoài khơi gần đảo Riau. Những hòn đảo này sắp biến mất. Những kẻ khai thác lậu không gặp khó khăn gì khi chở hàng đến Singapore vì rất hiếm khi bị hải quan chặn lại”.

 

(THEO TUỔI TRẺ)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên