Vững bước vươn tới đô thị thông minh

Cập nhật: 18-01-2023 | 08:16:01

 Đô thị thông minh là xu hướng, bước đi tất yếu của các quốc gia, vùng lãnh thổ đang phát triển. Đây cũng là một trong số các phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa Bình Dương trở thành đô thị thông minh trong tương lai.

 Đô thị Bình Dương ngày càng văn minh, hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời kỳ mới

 Hiện thực hóa mục tiêu

Để hiện thực hóa mục tiêu trở thành đô thị thông minh, Bình Dương tập trung quy hoạch mạng lưới đô thị đồng bộ, bảo đảm phát triển các đô thị sáng tạo và các đô thị vệ tinh. Trong đó, đô thị sáng tạo là mũi nhọn tiên phong có vai trò dẫn dắt và định hướng, kích thích các khu, cụm công nghiệp cùng đổi mới công nghệ, đổi mới quản trị, đổi mới phương thức sản xuất và đổi mới sản phẩm. Đồng thời, tập trung các công trình mang tính động lực, bảo đảm kết nối thông suốt trong tỉnh cũng như các trung tâm kinh tế lớn của các tỉnh, thành trong vùng.

Tháng 12-2022, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành cao với việc Chính phủ lập Đề án, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thành lập TP.Tân Uyên. Ông Hoàng Thanh Tùng, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cho biết qua nghiên cứu hồ sơ của đề án, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc thành lập TP.Tân Uyên. Việc thành lập đơn vị hành chính đô thị tại tỉnh Bình Dương phù hợp với quy hoạch, đáp ứng yêu cầu tổ chức quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn đã được đô thị hóa, tạo điều kiện phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương. TX.Tân Uyên đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện thành lập thành phố theo quy định.

Cũng trong tháng 12-2022, ông Nguyễn Tường Văn, Thứ trưởng Bộ Xây dựng đã chủ trì họp hội đồng thẩm định Đề án đề nghị công nhận đô thị Dĩ An là đô thị loại II. Hội đồng thẩm định đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận TP.Dĩ An là đô thị loại II. Đến nay, Bình Dương có 1 đô thị loại I (TP. Thủ Dầu Một); 4 đô thị loại III (TP. Thuận An, Dĩ An; TX.Bến Cát, TX.Tân Uyên); 5 đô thị loại V thuộc huyện (các thị trấn: Dầu Tiếng, Phước Vĩnh, Lai Uyên, Tân Thành, Tân Bình).

Thời gian qua, Bình Dương đã nỗ lực xây dựng mô hình thành phố thông minh và bước đầu nhận được sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế. Nhằm tiếp tục thỏa mãn các tiêu chí khắt khe của Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới và lồng ghép trong mô hình thành phố thông minh, trong giai đoạn 2021-2026, Bình Dương sẽ triển khai thực hiện đề án Vùng đổi mới sáng tạo với trọng tâm là phát triển mô hình 5 lớp: (1) Quy hoạch đô thị và hạ tầng giao thông công cộng, (2) Xây dựng văn hóa đổi mới sáng tạo, (3) Phát triển kinh tế cân bằng, (4) Chuyển đổi số và phát triển công nghiệp 4.0 và (5) Phát triển nguồn nhân lực.

Trên cơ sở xác định tầm nhìn và mục tiêu phát triển của tỉnh, đơn vị tư vấn Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP) đề xuất 3 trụ cột tăng trưởng (công nghiệp, dịch vụ, đô thị thông minh, sinh thái), 1 trụ cột an sinh xã hội (phát triển nông nghiệp bền vững, hữu cơ, sinh thái) cùng 6 yếu tố hỗ trợ để phát triển kinh tế - xã hội: Nguồn vốn đa dạng, sử dụng hiệu quả; nguồn lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại; an sinh xã hội được bảo đảm; chính sách và thể chế đột phá; chuyển đổi số và ứng dụng khoa học công nghệ.

Hướng tới nấc thang cao hơn

Trước những thành tựu đáng tự hào Bình Dương đã đạt được trong xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đang kỳ vọng về những đột phá mới của tỉnh nhà trong thời gian tới để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới.

Hiện nay tỉnh đang tập trung xây dựng quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quan điểm chung là Bình Dương phát triển phải phù hợp với các chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của vùng và đất nước, bảo đảm thống nhất với quy hoạch vùng và quốc gia; bảo đảm tính kế thừa và phát triển. Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xem là kim chỉ nam cho các định hướng phát triển tiếp theo, đóng vai trò như “dây cương” để điều tiết, phân phối và kiểm soát sự phát triển theo cả chiều rộng và chiều sâu. Đồng thời, các định hướng chiến lược lớn trên tất cả các ngành, lĩnh vực cần phải được cụ thể hóa bằng các dự án động lực mang tính chiến lược, được thúc đẩy và bảo đảm thực hiện bằng nguồn lực và các chính sách được dự trù, tính toán trước. Bình Dương kỳ vọng quy hoạch tích hợp sẽ trở thành công cụ tháo gỡ các “nút thắt” hiện nay của tỉnh, đặc biệt trở thành công cụ điều hành để tỉnh vượt thoát bẫy thu nhập trung bình đầu tiên trong cả nước.

Mục tiêu tổng quát đến năm 2030, Bình Dương phát triển theo mô hình thành phố trực thuộc Trung ương, là cực tăng trưởng quan trọng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước. Tỉnh sẽ đi đầu trong chuyển đổi mô hình phát triển, hướng tới các ngành công nghiệp hiện đại và dịch vụ chất lượng cao dựa trên hạt nhân là hệ sinh thái đổi mới sáng tạo hoàn chỉnh. Việc tổ chức phát triển bảo đảm phù hợp với điều kiện tự nhiên, tiềm năng, lợi thế và hiện trạng kinh tế - xã hội; phát triển kinh tế hài hòa với bảo vệ môi trường; chú trọng an sinh và công bằng xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng cao; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Với điều kiện hiện trạng của Bình Dương và định hướng liên kết vùng, đơn vị tư vấn quy hoạch tỉnh đề xuất phương án tổ chức không gian lãnh thổ Bình Dương phát triển trở thành Vùng đổi mới sáng tạo gồm: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 phân vùng phát triển. Trong đó, phát triển theo trục Bắc Nam, lấy trục Quốc lộ 13, Bàu Bàng - Mỹ Phước - Tân Vạn, cao tốc Chơn Thành - TP.Hồ Chí Minh, đường sắt Dĩ An - Lộc Ninh, đường sắt đô thị Suối Tiên - Bàu Bàng... làm trục liên kết, phát triển trục đô thị - công nghiệp - dịch vụ theo từng phân đoạn.

Đến năm 2050, Bình Dương là thành phố thông minh, trung tâm công nghiệp hiện đại, trung tâm dịch vụ chất lượng hàng đầu châu Á, là môi trường văn minh, đáng sống, thịnh vượng, bền vững. Theo ông Nguyễn Văn Lợi, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, một trong những cơ sở rất quan trọng để xây dựng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển cho Bình Dương trong những năm tới là Nghị quyết số 24 của Bộ Chính trị về “phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nghị quyết 24 đã xác định, tiểu vùng trung tâm gồm TP.Hồ Chí Minh, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai là trung tâm phát triển của toàn vùng.

Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết: “Quy hoạch lần này của Bình Dương sẽ kế thừa những thành tựu trước đây. Tiếp tục khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, tiềm năng phát triển và lợi thế so sánh của mình, đặc biệt là phải nắm chắc các cơ hội phát triển nhanh từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để phấn đấu phát triển lên nấc thang mới. Trong đó, tiếp tục ưu tiên đầu tư, phấn đấu đến năm 2025 cơ bản hoàn thiện một số tuyến cao tốc trên địa bàn tỉnh và đến 2030 phát triển đồng bộ hệ thống giao thông nội tỉnh và kết nối vùng, với đa dạng các loại hình giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt”.

Theo ông Nguyễn Văn Lợi, trọng tâm là tuyến Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Chơn Thành, đường sắt Bàu Bàng - Cái Mép và tuyến Metro từ Suối Tiên về Trung tâm thành phố mới Bình Dương. Đầu tư nâng cao chất lượng đô thị, bảo đảm hiện đại, thông minh, kết nối với các đô thị lớn trong vùng và khu vực. Chú trọng phát triển nhà ở, nhất là nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân lao động… Phấn đấu đến năm 2030 Bình Dương có đủ điều kiện trở thành một đô thị thông minh.

 PHƯƠNG LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=446
Quay lên trên