Vùng đất khó Tam Lập đổi thay...

Cập nhật: 17-05-2024 | 08:00:19

Về thăm vùng đất Tam Lập (huyện Phú Giáo), trong câu chuyện với cán bộ xã và nhiều hộ dân nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự đổi thay của một xã gian khó ngày nào, kinh tế đi lên, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc.

 Hạ tầng giao thông đồng bộ giúp thay đổi diện mạo xã nông thôn. Trong ảnh: Tuyến đường ĐH502 ấp Đuôi Chuột khang trang, sạch đẹp

Đồng bộ cơ sở hạ tầng

Là một trong những cán bộ dựng xây Tam Lập từ những ngày đầu tiên thành lập, ông Nguyễn Văn Phố, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã nhớ lại những ngày đầu xung phong lên đường xây dựng vùng đất mới: “Ngày đầu thành lập, cơ sở hạ tầng giao thông để phục vụ cho quá trình phát triển còn khó khăn. Đường ĐH501, ĐH502, cầu Vàm Lá II, cầu Bà Ý chưa hình thành”.

Chứng kiến quá trình chuyển mình phát triển của xã, ông Nguyễn Văn Phố không khỏi tự hào. “Trong khoảng 10 năm trở lại đây địa phương phát triển cực kỳ ấn tượng, toàn diện. Đường, trường, trạm, hạ tầng phục vụ cho sự nghiệp giáo dục, y tế được đầu tư khang trang đưa Tam Lập trở thành địa phương giàu tiềm năng phát triển của huyện”, ông Nguyễn Văn Phố phấn khởi cho biết thêm.

Hơn 30 năm gắn bó với mảnh đất Tam Lập, ông La Văn Bình, người có uy tín trong đồng bào dân tộc Sán Chỉ, ấp Đồng Tâm là người chứng kiến, cảm nhận sâu sắc quá trình thay đổi của vùng đất này. “Từ chỗ không có 1m đường bê tông, giờ đây xã có cả một hệ thống đường huyện thảm nhựa đi qua như ĐH501, ĐH502 và đặc biệt là đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng thực sự là sự thay đổi lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa”, ông La Văn Bình nói.

Ông Trần Văn Chiến, người dân ấp Đuôi Chuột, cho biết mấy chục năm về trước, ấp Đuôi Chuột còn nghèo khó, người dân sống thưa thớt, đường sá chưa được đầu tư nâng cấp khang trang, lác đác mấy căn nhà tường thấp nhỏ. Những năm gần đây đường sá được đầu tư, kinh tế phát triển, nhà cửa khang trang người dân địa phương rất phấn khởi.

 Ông Nguyễn Anh Vũ, Chủ tịch UBND xã Tam Lập: Sau 20 năm xây dựng và phát triển xã Tam Lập từ một xã nghèo đã và đang vươn lên mạnh mẽ, phát triển nền kinh tế đa dạng với nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp, thương mại, dịch vụ. Điểm nổi bật tạo ra sự thay đổi diện mạo của xã là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được tập trung đầu tư, góp phần đưa địa phương trở thành xã nông thôn mới từ năm 2015, hướng đến mục tiêu nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Giai đoạn 2004- 2008, thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 6 triệu đồng/năm, đến năm 2023 đã đạt 80,440 triệu đồng và phấn đấu năm 2024 đạt 84 triệu đồng.

 Phát triển đa dạng kinh tế

Tam Lập có lợi thế về điều kiện tự nhiên, khí hậu ôn hòa, thích hợp cho nhiều loại cây trồng, vật nuôi phát triển. Người dân Tam Lập đã tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Tam Lập còn phát triển các ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đã được thành lập, tạo việc làm cho người dân địa phương. Nhờ phát triển đa dạng về kinh tế đã góp phần nâng cao đời sống, tăng thu nhập cho người dân.

 Phát triển đa dạng kinh tế giúp cho người dân xã Tam Lập nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống

Đến thăm một số hộ đồng bào dân tộc người Sán Chỉ ở ấp Đồng Tâm, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện về quá trình an cư, lập nghiệp, làm giàu tại vùng đất Tam Lập. Ông La Văn Sự, ở tổ 4, cho biết năm 1990 người anh cả La Văn Bình tiên phong từ vùng đất Thái Nguyên vào miền Nam để làm kinh tế. Đến năm 1992 có thêm 5 anh em vào và đến nay dòng họ La ở Tam Lập có 20 hộ. Nhờ chăm chỉ, cần cù, đến nay ai cũng có đất ở, đất vườn sản xuất. Riêng người cháu La Thị Hòa khó khăn nhất do không có đất vườn để sản xuất cũng đã thoát nghèo được 3 năm nay. Đến nay, đồng bào dân tộc Sán Chỉ tại xã Tam Lập không còn hộ nghèo. Chị La Thị Hòa, cháu của ông La Văn Sự, chia sẻ: “Chồng tôi làm công nhân ở công ty, còn tôi chuyên đi cạo mủ thuê. Vợ chồng cố gắng làm lụng, chịu khó nên có tiền tiết kiệm và làm được nhà kiên cố, khang trang”.

Ông Huỳnh Huy Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Tam Lập, cho biết hiện nay trên địa bàn xã Tam Lập đã hình thành nền nông nghiệp sản xuất hiện đại. Toàn xã có 2 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác, 4 tổ liên kết, 74 trang trại trồng trọt và chăn nuôi. Trong đó, có 42 trang trại ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 3 sao... Cụm công nghiệp Tam Lập 1 tại ấp Đồng Tâm hình thành và đưa vào hoạt động. Ngoài ra, xã còn có 6 địa điểm có tiềm năng phát triển về du lịch, gồm: Thiền viện Trúc Lâm Thanh Nguyên, vịnh Ông Xoáy (ấp Đồng Tâm); khu Hang Cọp, suối Rạc (ấp Gia Biện); Trang trại Chiến Thắng và các điểm trồng cây có múi theo đường Vành đai sông Bé...

TIẾN HẠNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=353
Quay lên trên