“Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”: Đề án đột phá, nền tảng bước vào kỷ nguyên số

Cập nhật: 22-09-2020 | 08:41:21

Để tiếp nối và mở rộng hơn nữa Đề án Thành phố thông minh (TPTM) Bình Dương, chiều 21-9, tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm tỉnh, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã chủ trì hội nghị báo cáo Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region”. Tham dự có ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban, ngành, đoàn thể, huyện, thị, thành phố và lãnh đạo Tổng Công ty Becamex IDC, các trường đại học trên địa bàn tỉnh.

Bình Dương tập trung đào tạo nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu cho giai đoạn phát triển mới. Trong ảnh: Sinh viên trường Đại học Việt Đức thực hành trong phòng thực nghiệm

Phù hợp với thực tiễn

Những năm qua, với các chương trình đổi mới, Bình Dương liên tiếp vượt các chỉ tiêu, đặc biệt có những tiêu chí đã tăng trưởng đột biến như về hợp tác quốc tế, thu hút đầu tư nước ngoài, xuất siêu… Số lượng doanh nghiệp trong tỉnh từ đầu năm 2016 đến tháng 3-2020 tăng hơn gấp đôi, từ trên 20.000 lên gần 44.000. Kinh tế của tỉnh thời kỳ 2011-2020 tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng khá, ước đạt khoảng 8,5%/năm. GRDP/người năm 2015 là 4.660 USD/người, đến năm 2020 ước đạt 7.665 USD/người, cao gấp 2,6 lần so với cả nước. Các huyện phía bắc lần lượt công nghiệp hóa mạnh mẽ, ở phía nam, TP.Thủ Dầu Một vươn lên đô thị loại I, Dĩ An và Thuận An được công nhận thành phố. Các chương trình thúc đẩy đổi mới sáng tạo và nghiên cứu khoa học công nghệ (KHCN), giáo dục hiện đại như STEM/STEAM, trung tâm đổi mới sáng tạo của tỉnh, các phòng thực nghiệm công nghệ TechLab, FabLab, các vườn ươm doanh nghiệp… đã và đang được triển khai rất chủ động và mạnh mẽ…

Bình Dương là tỉnh có tốc độ tăng trưởng nhanh trong cả nước. Nhiệm vụ cấp bách đặt ra là phải sớm xây dựng nền kinh tế dựa trên tri thức, có chiều sâu, lấy KHCN và đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Từ đó tạo ra những nhu cầu mới cho thị trường, đáp ứng được yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, từng bước chuyển mình thành vùng đổi mới sáng tạo bền vững thay vì là vùng đô thị công nghiệp như hiện nay.

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình phát triển của thế giới về vùng đổi mới sáng tạo, Đề án “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region” là một mô hình hoàn toàn mới, phù hợp với thực tiễn của Bình Dương. Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là nội dung trọng tâm trong xây dựng TPTM cho giai đoạn tiếp theo. Đây là đề án đột phá tích hợp gồm TP.Thủ Dầu Một, trong đó TP.Mới là khu đô thị trung tâm; khu công nghiệp KHCN Bàu Bàng; vị trí khu làm việc và khu đô thị; giao thông công cộng, logistics.

Đề án được kỳ vọng sẽ tạo ra đòn bẩy nhằm thúc đẩy và xây dựng nền tảng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và rộng hơn là văn hóa đổi mới sáng tạo bền vững; giúp Bình Dương xây dựng một môi trường hấp dẫn cho các nhà khởi nghiệp, các công ty công nghệ, tiếp tục tham gia vào các tổ chức kinh tế lớn trên thế giới… Từ đó sẽ nâng cấp nền sản xuất hiện tại, tạo ra các công cụ sản xuất mới và phát triển đồng đều trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong nền kinh tế.

Một nhân tố không thể thiếu trong “Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương - Binh Duong Innovation Region” là việc hình thành khu công nghiệp khoa học công nghệ (KCN KHCN). KCN KHCN là bước đột phá sản xuất công nghiệp, hạ tầng mang tính nền tảng cho việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, thu hút đầu tư có giá trị gia tăng cao, tạo tiền đề cho sản xuất công nghệ cao.

KCN KHCN tại Bàu Bàng sẽ là một cụm nối dài của vùng trung tâm từ TP.Thủ Dầu Một, Thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút các viện trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia. Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản phẩm khu công nghiệp mới cho Bình Dương, còn có nhiệm vụ nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp hiện tại; cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.

Nền tảng cho đổi mới sáng tạo

Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương là thành quả bước đầu của đề án TPTM Bình Dương (Bình Dương Navigator 21); là sự lan tỏa của Vùng kinh tế thông minh Bình Dương và được mở rộng đa hướng, qua đó định vị lại vai trò phát triển từng vùng cụ thể trên địa bàn tỉnh...

Từ chiến lược TPTM, tỉnh Bình Dương đã từng bước hợp tác, thu hút nhiều tập đoàn hàng đầu trong KHCN như tập đoàn Schneider, Philips, Bosch, NXP, Intel, TMA…, các viện trường trong nước và quốc tế danh tiếng như Đại học Quốc gia Singapore NUS, Viện Nghiên cứu công nghiệp công nghệ Đài Loan ITRI, Đại học Quốc gia Chungnam Hàn Quốc, Đại học Portland State Mỹ, Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh… từ đó xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sáng tạo, đào tạo quy mô.

Song song đó, Bình Dương đã đăng cai tổ chức liên tiếp các sự kiện tầm toàn cầu về hợp tác kinh tế, KHCN, đổi mới sáng tạo, đô thị thông minh. Bình Dương và các vùng trong tỉnh đã lần lượt được gia nhập các tổ chức uy tín thế giới, như Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Hiệp hội Đô thị KHCN thế giới (WTA), Hiệp hội các Trung tâm thương mại thế giới (WTCA)... Liên tiếp hai năm 2018 và 2019, vùng thông minh Bình Dương được ICF vinh danh là một trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu của thế giới. 

TS. Nguyễn Việt Long, Giám đốc Văn phòng TPTM Bình Dương: “Sau hơn 20 năm công nghiệp hóa thành công, trong bối cảnh bùng nổ KHCN của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, năm 2016 Bình Dương đã hợp tác cùng thành phố Eindhoven (Hà Lan) triển khai đề án TPTM như một chương trình đột phá hướng đến dịch vụ, sản xuất công nghệ cao, đô thị năng động đáng sống. Với mô hình ba nhà, đặt con người và tri thức làm trọng tâm, lấy hợp tác kết nối làm phương châm, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, thời gian qua đề án đã đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển vượt bậc của Bình Dương, đặt những nền tảng cơ bản, đưa tỉnh lên một vị thế mới trên trường quốc tế, chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2045”.

PHƯƠNG LÊ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3700
Quay lên trên