Đến xã Bạch Đằng (Tân Uyên) vào những ngày giữa tháng 6, chúng tôi thật sự bất ngờ khi tận mắt chứng kiến những thay đổi tại vùng quê thuần nông này.
Cây cầu rộng lớn, khang trang bắc qua Cù lao Bạch Đằng cùng với con đường dẫn vào trung tâm xã được thông suốt, giúp cho việc đi lại của nhân dân thuận lợi hơn. Các con đường nhựa chạy ngoằn ngoèo bao bọc các vườn bưởi, ruộng lúa giờ đây đã xuất hiện ngày càng nhiều hơn các chuyến xe tải chở nông sản đưa ra các chợ. Cuộc sống của người dân Bạch Đằng giờ đây đã có nhiều thay đổi. Những căn nhà được xây dựng kiên cố, khang trang xuất hiện ngày càng nhiều.
Cầu Bạch Đằng - Điểm nhấn của xã Bạch Đằng Ảnh: Q.CHIẾN
Ông Phạm Văn Hoàng, Chủ tịch UBND xã Bạch Đằng cho biết: “Trước năm 2000, đây là xã cù lao thuần nông, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư nhiều. Đường sá đến trung tâm xã còn lầy lội, xe máy đi lại rất khó khăn. Người dân sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nên mức thu nhập rất thấp. Nhưng qua 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM), bộ mặt của xã đã có sự thay đổi rõ rệt, cơ sở hạ tầng phát triển đáng kể”. Hiện nay các tuyến đường trục chính của xã đã được nhựa hóa với tổng chiều dài trên 20km. Thực hiện phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong phong trào làm đường giao thông nông thôn - giao thông nội đồng, Bạch Đằng đã xây dựng được 39 tuyến đường sỏi đỏ với tổng chiều dài 21,1km và 3 trạm bơm nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu sản xuất của nhân dân. Hiện người dân hoàn toàn chủ động tưới tiêu, thâm canh, tăng vụ và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp. Xã cũng đã thực hiện bê tông hóa kênh mương với chiều dài 9km theo hình thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và sử dụng điện trong xã đạt 100%; có 3 trường học, lớp học được xây dựng khang trang với 2/3 trường được lầu hóa, đạt chuẩn phổ cập giáo dục bậc trung học và có trung tâm hoạt động cộng đồng đã đi vào hoạt động...
Xã Bạch Đằng hiện có 2 loại cây trồng chủ yếu là lúa và bưởi. Nhờ được chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhân các giống có năng suất cao, chất lượng tốt mà giá trị sản xuất bình quân đất nông nghiệp năm 2010 đạt 59,9 triệu đồng/ha, tăng 29,6 triệu đồng so với năm 2000. Nông dân Bạch Đằng hiện nay đã thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn Viet Gap; VAC nhờ đó mà thu nhập bình quân của người dân trong năm 2010 là 14,2 triệu đồng. Anh Nguyễn Văn Hùng, nông dân trồng bưởi cho biết: “Hiện nay việc đi lại buôn bán của bà con trên địa bàn xã thuận lợi hơn nhiều, nhất là từ khi cây cầu Bạch Đằng được khánh thành. Trong thời gian tới chúng tôi mong muốn Nhà nước hỗ trợ ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp cũng như bình ổn giá cả nông sản để tăng thu nhập cho nông dân”.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua chính là minh chứng rõ nhất cho sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và nhân dân trên địa bàn xã. Trong đó quan trọng nhất là việc phát huy sức mạnh trong nhân dân. Đó cũng là nền tảng thuận lợi cho Bạch Đằng tiếp tục tiến trình xây dựng NTM trong giai đoạn hiện nay. Theo khảo sát hiện nay xã Bạch Đằng đã đạt 9/19 tiêu chí theo bộ tiêu chí quốc gia xây dựng NTM. Các tiêu chí còn lại chưa đạt gồm: giao thông, thủy lợi, trường học, điện, bưu điện văn hóa xã, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, thu nhập, hộ nghèo, cơ cấu lao động. Bên cạnh đó thực trạng nông thôn tại Bạch Đằng vẫn tồn tại một số yếu kém cần khắc phục như: kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tuy đã được quan tâm chú trọng đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp - nông thôn; các hình thức tổ chức sản xuất chậm được đổi mới, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển mạnh theo hướng sản xuất hàng hóa; kinh tế trang trại, kinh tế tập thể phát triển chậm; chuyển dịch cơ cấu trong lao động nông thôn còn hạn chế... Ông Phạm Văn Hoàng cho biết thêm: “Trong 10 năm thực hiện xây dựng nông thôn, cơ sở hạ tầng nơi đây được chú trọng đầu tư, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng cao. Trong 10 tiêu chí chưa đạt, Bạch Đằng sẽ phấn đấu đến năm 2012 sẽ hoàn thiện các tiêu chí còn lại. Trong đó sẽ tập trung vào tiêu chí thu nhập dân cư nông thôn bằng việc chuyển hướng phát triển các loại hình dịch vụ nhằm nâng cao thu nhập, góp phần ổn định đời sống nhân dân”.
Từ điều kiện thiên nhiên ưu đãi, nguồn nhân lực trẻ có trình độ của Bạch Đằng là những ưu thế cơ bản để xã thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM trong giai đoạn tới. Với truyền thống anh hùng trong chống giặc ngoại xâm và với những kinh nghiệm cụ thể đã có được trong thời gian qua chắc chắn cán bộ, nhân dân xã Bạch Đằng sẽ thực hiện thành công việc xây dựng NTM.
CAO SƠN
Trạm cấp nước xã Bạch Đằng