Cùng với thành quả to lớn sau hơn 23 năm xây dựng và phát triển, việc triển khai xây dựng thành phố thông minh (TPTM) là bước đà quan trọng để Bình Dương tự tin bước vào con đường hội nhập với tâm thế mới, sức phát triển mới.
Bình Dương vững tin trong hành trình phát triển. Trong ảnh: Lãnh đạo Trung ương và Bình Dương tham quan mô hình thành phố mới
Vững vàng tro ng tâm thế mới
Sau gần 4 năm thực hiện, đề án TPTM đã đạt được những kết quả nhất định, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hai năm liền 2018 - 2019, Bình Dương đã được Diễn đàn cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh là 1 trong 21 khu vực có chiến lược phát triển TPTM tiêu biểu toàn cầu. Điều này một lần nữa khẳng định, cách tiếp cận của Bình Dương trong việc thực hiện Đề án TPTM là hoàn toàn đúng đắn. Thành quả dễ dàng nhận ra là thời gian qua, Bình Dương duy trì lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, nâng cao giá trị gia tăng của kinh tế và đời sống của người dân. Đặc biệt, Bình Dương đã chuẩn bị các nền tảng về chính sách, công nghệ… cho những thách thức mới trong việc phát triển kinh tế trong thời đại số.
Hình ảnh một Bình Dương thân thiện, an toàn, năng động, đổi mới được chuyển tải mỗi ngày đến “gần hơn” với toàn thế giới là minh chứng sống động cho tầm nhìn đúng đắn của Bình Dương trong quá trình hội nhập. Ông Bùi Thanh Sơn, Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, cho rằng trên bình diện đối ngoại, Bình Dương tiếp tục là cái tên nổi bật ở khu vực không chỉ đóng góp vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà mà còn tham gia thúc đẩy quá trình hội nhập của đất nước.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới có những bước “gập ghềnh” thì chính công tác đối ngoại phù hợp và kịp thời đã góp phần thu hút nguồn lực, khẳng định vị thế của Bình Dương trên trường quốc tế. Với tầm nhìn chiến lược, sự chủ động và tích cực hội nhập kinh tế quốc tế đã đem đến cho Bình Dương những thành quả vững vàng. 9 tháng năm 2020, khi nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, Bình Dương tiếp tục đón nhận làn sóng đầu tư lớn, với tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 88.575 tỷ đồng, tăng 10,2% so với cùng kỳ. Trong số này, vốn FDI chiếm 47,4%, tăng 9,3%. Cụ thể, toàn tỉnh thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn FDI, có 100 dự án mới (475 triệu USD) đến từ 18 quốc gia và vùng lãnh thổ. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước cũng đạt 52.464 tỷ đồng (tăng 18,3% so với cùng kỳ), gồm 4.609 doanh nghiệp đăng ký mới và 984 doanh nghiệp bổ sung tăng vốn.
Điều đáng chú ý, với quan điểm rất rõ ràng của tỉnh về phát triển bền vững, làn sóng đầu tư được chọn lọc kỹ lưỡng, bảo đảm tăng trưởng xanh và bền vững. Bình Dương cũng đã đặt quan hệ hợp tác với nhiều đối tác thế giới về khoa học công nghệ như NTT, Schneider Electric, Philips… Việc thu hút thêm các viện nghiên cứu quốc tế cũng góp phần giúp Bình Dương có những bước tiến đáng kể trong nỗ lực tận dụng cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Với mục tiêu dài hạn là Bình Dương cần phải có một nền tảng tri thức vững chắc để có thể phục vụ được nhiều công ty sản xuất tiên tiến, hướng tới xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho người dân và các doanh nghiệp, vừa qua tỉnh mở rộng không gian phát triển từ Đề án xây dựng TPTM lên Vùng đổi mới sáng tạo. Đây là một đề xuất tổng thể, đồng bộ các quy hoạch và định hướng phát triển về không gian, thời gian kết hợp ứng dụng khoa học công nghệ trên nhiều lĩnh vực, bao gồm hệ thống quản lý chính phủ điện tử, quản lý số trong các lĩnh vực y tế, giáo dục, quy hoạch, xây dựng, du lịch, sản xuất…
Trong hành trình tiến về phía trước, ông Trần Văn Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, cho biết để phát triển thành Vùng đổi mới sáng tạo là một hành trình dài, ở đó có rất nhiều khó khăn, thử thách song đó là xu thế tất yếu. Bình Dương muốn phát triển bền vững phải đi trên hành trình đổi mới khoa học công nghệ. Với tiềm lực hiện tại của tỉnh và những nền tảng đã đạt được trong thực hiện Đề án xây dựng TPTM thời gian qua, Bình Dương hoàn toàn có thể vững tin hướng tới, phấn đấu xây dựng Vùng đổi mới sáng tạo.
Kỳ vọng từ khoa học, công nghệ
Ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Becamex IDC cho biết, khu công nghiệp (KCN) khoa học, công nghệ Bàu Bàng được xây dựng nhằm thu hút các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, vừa đóng vai trò tiên phong cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, ít thâm dụng lao động vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị tăng cao; tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia, tăng năng suất lao động, tăng dần tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. KCN khoa học công nghệ tại Bàu Bàng sẽ là một cụm nối dài của Vùng trung tâm từ Thủ Dầu Một, thành phố mới Bình Dương trong việc thu hút các viện trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản phẩm KCN mới cho Bình Dương. Ngoài ra còn có nhiệm vụ nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp hiện tại, cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh.
Trả lời về những khó khăn dự lường khi triển khai xây dựng KCN khoa học công nghệ, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng đây mà mô hình mới tại Việt Nam và Bình Dương “dò dẫm” bước đi trên hành trình mới. Song ông Hùng tin tưởng với những nền tảng sẵn có, với quyết tâm tiến về phía trước thì mọi khó khăn sẽ được tháo gỡ. ...
Để tạo dựng cơ chế, chính sách thuận lợi cho việc phát triển trong giai đoạn mới, ông Trần Văn Nam nhấn mạnh tỉnh sẽ tiếp tục tập trung đổi mới cơ chế, chính, cải cách thủ tục hành chính và các hành vi ứng xử với doanh nghiệp, góp phần tạo động lực, đam mê, hứng khởi cho phong trào khởi nghiệp. Tỉnh cũng sẽ tập trung đầu tư vào chất lượng sống, mảng xanh, phát triển bền vững, năng lượng tái tạo. Đồng thời đẩy mạnh phát triển thương mại và dịch vụ, kết nối hợp tác quốc tế, mở rộng quan hệ đối tác để hỗ trợ và thu hút các nguồn đầu tư, phát triển khu vực nông thôn thông theo hướng bền vững, hiện đại.
TIỂU MY