25 năm xây dựng và phát triển, với những chủ trương đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), Bình Dương đã gặt hái được nhiều thành quả đáng tự hào. Kết quả đó phản ánh việc phát huy truyền thống cách mạng, đặc biệt là tinh thần đại thắng mùa xuân 1975 được thể hiện qua những nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm bền bỉ của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong tỉnh. Đây cũng là cơ sở để tỉnh vững tin tiếp bước trong hành trình mới, xây dựng Bình Dương phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.
Vượt qua thử thách
Năm 2021 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, tỉnh cũng đối mặt với không ít khó khăn, thử thách, đặc biệt làn sóng dịch bệnh Covid-19 lần thứ 4 lây lan diện rộng và diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các DN. Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh; đẩy nhanh công tác tiêm ngừa vắc xin cho người dân, công nhân lao động. Nhờ những giải pháp quyết liệt trong phòng, chống dịch bệnh nên Bình Dương từ một tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề, đã sớm khống chế dịch bệnh, thực hiện chủ trương thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả Covid-19 để phục hồi và phát triển KT-XH.
Hội thảo khoa học: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng” vừa được tỉnh tổ chức đã làm rõ nét hơn những thành tựu, đúc rút kinh nghiệm và gợi mở nhiều ý tưởng cho sự phát triển bền vững. Ảnh: QUỐC CHIẾN
Bước sang năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 tiếp tục được kiểm soát tốt, tạo điều kiện cho hoạt động SXKD, phát triển KT-XH. Trong quý I-2022 nhiều chỉ số kinh tế tăng trưởng khả quan. Trong đó chỉ số phát triển công nghiệp tăng 7,18%, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,6% so cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 16 tỷ đô la Mỹ, thặng dư thương mại đạt hơn 3,2 tỷ đô la Mỹ; thu hút đầu tư nước ngoài đạt 1,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 310% so với cùng kỳ.
Những chỉ số tăng trưởng của tỉnh trong năm 2021 và những tháng đầu năm 2022 thực sự ấn tượng và mang nhiều ý nghĩa trong bối cảnh dịch bệnh trong nước và trên thế giới vẫn còn diễn biến phức tạp. Dịch bệnh được kiểm soát an toàn, kinh tế đang phục hồi nhanh chóng...
Phát triển lên tầm cao mới
Ngày 26-4 vừa qua, UBND phối hợp với Becamex IDC tổ chức động thổ dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13. Đây là trục giao thông huyết mạch kết nối các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và các tỉnh Tây nguyên với TP.Hồ Chí Minh. Tuyến đường vì thế có vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển KT-XH của tỉnh. Việc thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 13 là bước cụ thể hóa chủ trương của tỉnh về hoàn thiện kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối nội tỉnh và liên vùng. Hiện nay, nhiều tuyến giao thông quan trọng mang tính kết nối liên vùng đang và sắp triển khai như đường tạo lực Bắc Tân Uyên - Phú Giáo - Bàu Bàng, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành. Những tuyến giao thông trọng điểm sau khi xây dựng hoàn thành đưa vào sử dụng không chỉ góp phần nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân mà còn góp phần xây dựng tỉnh Bình Dương trở thành đô thị văn minh, hiện đại của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có sức lan tỏa lớn, tác động mạnh đến các tỉnh lân cạnh và vùng xung quanh.
Trước đó, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore III đã được khởi công xây dựng. Dự án không những giúp cho tổng thể các ngành công nghiệp, dịch vụ của tỉnh phát triển mà còn thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo tiền đề cho nền công nghiệp 4.0, phát triển bền vững.
Song song với việc đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH, tỉnh tiếp tục khai thác lợi thế địa kinh tế và tỷ lệ đô thị hóa cao để nâng tầm phát triển các đô thị vệ tinh thông minh; kết nối đồng bộ với TP.Hồ Chí Minh cả về hạ tầng giao thông và hạ tầng số, góp phần thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao đến sinh sống và làm việc. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các dự án nền tảng và xây dựng Đề án phát triển thành phố thông minh giai đoạn tiếp theo (2022-2026), trong đó định hướng trọng tâm là lĩnh vực đổi mới sáng tạo, công nghiệp 4.0, tăng trưởng xanh, thông minh. Đây sẽ là động lực quan trọng để Bình Dương khôi phục sau đại dịch Covid-19, đột phá đón đầu kỷ nguyên 4.0.
Phát biểu tại Hội thảo khoa học: “Tiếp nối truyền thống, tỉnh Bình Dương chặng đường 1/4 thế kỷ: Thành tựu và triển vọng”, ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho rằng 1/4 thế kỷ trong hành trình vừa kiến tạo vừa luôn tự đặt ra cho mình những thách thức, dám tiên phong đổi mới, bứt phá để thoát khỏi hình ảnh một tỉnh khó khăn là khát vọng, quyết tâm của bao thế hệ lãnh đạo và mỗi người dân trong tỉnh. Bình Dương sẽ tiếp tục đặt ra thử thách mới và hiện thức hóa trên cơ sở vận dụng linh hoạt sáng tạo các chủ trương, chính sách, lĩnh hội và ứng dụng những thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại, tìm kiếm sự cộng hưởng và đồng hành từ các tỉnh, thành bạn, các quốc gia và vùng lãnh thổ để tiếp tục phát triển lên tầm cao mới; phấn đấu thực hiện thành công chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng “hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, phát triển xanh, thông minh, bền vững, bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau”…
TRÍ DŨNG