Kết quả nổi bật trong thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) của Bình Dương đã góp phần đáng kể vào “bức tranh” tăng trưởng kinh tế chung của cả tỉnh trong năm 2021. Niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp (DN) về cơ hội, tiềm năng ngày càng được nhân lên. Đây cũng là cơ sở để Bình Dương vững tin vào triển vọng kinh tế trong năm 2022 và kỳ vọng về sự gia tăng mạnh mẽ dòng vốn FDI trong thời gian tới...
Dù thu hút FDI đạt kết quả đáng ghi nhận, song Bình Dương vẫn quyết tâm đặt ra các mục tiêu cao hơn trong năm 2022. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty Bonfiglioli Việt Nam, KCN Mỹ Phước 3. Ảnh: XUÂN THI
Dòng vốn mới tiếp tục tăng
Theo ông Andrew Michael Lien, Giám đốc Công ty TNHH Wanek, năm 2021, công ty đã gặp nhiều khó khăn trong sản xuất do dịch bệnh. Tuy nhiên, công ty vẫn có niềm tin và quyết định gắn bó lâu dài với Bình Dương, cũng như tiếp tục mở rộng đầu tư. “Chúng tôi đánh giá cao nỗ lực của Bình Dương trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch bệnh, đồng thời cảm ơn lãnh đạo tỉnh đã luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh lâu dài tại địa phương”, ông Andrew Michael Lien nói.
Không chỉ Công ty TNHH Wanek mà nhiều DN FDI khác cũng tin tưởng về triển vọng vượt qua mọi khó khăn do dịch bệnh và sự phát triển kinh tế của Bình Dương trong thời gian tới. Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN châu Âu tại Bình Dương (EuroCham), cho biết mặc dù dịch Covid-19 đã gây tác động nặng nề đến Bình Dương song hiện nay, hầu hết các DN châu Âu tại địa phương đều đã hoạt động trở lại. “Bình Dương là một trong những địa phương đi đầu trong việc thích ứng linh hoạt, kịp thời kiểm soát Covid-19 để phục hồi kinh tế, tiếp tục xây dựng hình ảnh địa điểm đầu tư an toàn cho các nhà đầu tư trong đó có châu Âu. Hiện Bình Dương là một trong ba địa phương quan trọng nhất trong hợp tác với EuroCham tại Việt Nam”, ông Jean-Jacques Bouflet cho biết.
Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19 nhưng theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, năm 2021, tình hình thu hút FDI của tỉnh duy trì kết quả khả quan, với gần 2,7 tỷ đô la Mỹ, vượt 36% so với cùng kỳ. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.026 dự án có FDI với tổng vốn đăng ký 37,74 tỷ đô la Mỹ. Đáng chú ý, năm 2021 cũng là năm có nhiều dự án quy mô lớn, như dự án sản xuất sản phẩm màn hình vô tuyến và màn hình của Công ty TNHH Công nghiệp New Motion (Singapore) tại Khu công nghiệp (KCN) Phú Tân (TP.Thủ Dầu Một), vốn đầu tư 185 triệu đô la Mỹ; Dự án Nhà máy sản xuất dao cạo râu của Công ty TNHH Procter & Gamble Đông Dương tại KCN Đồng An với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 44,8 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 247,8 triệu đô la Mỹ; Dự án Nhà máy sản xuất giấy của Công ty TNHH Cheng Loong Bình Dương Paper tại KCN Quốc tế Protrade với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 100 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,1 tỷ đô la Mỹ; Dự án sản xuất sợi tổng hợp của Công ty TNHH Polytex Far Eastern (Việt Nam) tại KCN Bàu Bàng với vốn đầu tư đăng ký tăng thêm 610 triệu đô la Mỹ, tổng vốn đầu tư sau khi tăng thêm là 1,37 tỷ đô la Mỹ… Những ngày cuối năm 2021, Tập đoàn LEGO quyết định đầu tư 1 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy mới rộng 44 ha tại Bình Dương, dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024.
Theo ông Mai Bá Trước, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay khu vực có vốn FDI đóng góp lớn về thu ngân sách và góp phần tích cực trong chuyển giao công nghệ, tạo việc làm cũng như đào tạo kỹ năng cho người lao động trên địa bàn tỉnh. Năm 2021, giữa muôn vàn khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn nhận thấy Bình Dương là “đất lành” để phát triển lâu dài.
Triển vọng
Dù thu hút FDI đạt kết quả đáng ghi nhận, song Bình Dương vẫn quyết tâm đặt ra các mục tiêu cao hơn. Năm 2022 được dự báo sẽ thuận lợi cho việc thu hút dòng vốn FDI vào tỉnh. Tỉnh đang tập trung hỗ trợ DN, lấy cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh làm dư địa cho phát triển, để từng bước phục hồi, lấy lại đà tăng trưởng kinh tế, quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra cho cả năm. Bình Dương đang hoàn thiện thành phố mới - Trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa của tỉnh, trở thành điểm đến lý tưởng để nhà đầu tư đến làm việc và sinh sống. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đang nỗ lực hoàn thiện các cơ sở hạ tầng, phát triển các KCN, tăng cường kết nối trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Việc Tập đoàn LEGO (Đan Mạch) công bố sẽ đầu tư hơn 1 tỷ đô la Mỹ để xây dựng nhà máy tại tỉnh đã đánh dấu bước chiến lược dịch chuyển tại khu vực châu Á nói chung, cũng là xu hướng của năm 2022 về đầu tư nước ngoài. Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc châu Á của Tập đoàn De Heus (Hà Lan) nhận xét, Bình Dương sẽ tiếp tục trở thành một địa phương năng động, đổi mới, thuận lợi, an toàn và là điểm đến đầu tư mới, cơ hội đầu tư mới hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Mới đây, tại buổi gặp gỡ giữa lãnh đạo tỉnh với Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham Việt Nam), ông Chad Ovel, Chủ tịch AmCham Việt Nam tại TP.Hồ Chí Minh, cho biết Amcharm sẽ thành lập một trung tâm AmCham tại Bình Dương trong thời gian tới, đây là trung tâm thứ 4 của AmCham sau Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
Ông Mai Hùng Dũng, Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, cho biết các nhà đầu tư nước ngoài xác định, Bình Dương vẫn là điểm đến an toàn, hấp dẫn. Việc có thêm một số dự án quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, thuộc những lĩnh vực quan trọng là năng lượng, công nghiệp chế biến, chế tạo gần đây là minh chứng cho sự ổn định và uy tín của Bình Dương trong hoạt động thu hút FDI. Những tập đoàn đa quốc gia có thế mạnh về vốn và công nghệ sẽ giúp DN trong nước tiếp cận, nhận chuyển giao, hợp tác và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là đích đến quan trọng cho mục tiêu phát triển nhanh, bền vững của tỉnh.
NGỌC THANH