Vững vàng trên đôi chân... không lành lặn

Cập nhật: 08-09-2010 | 00:00:00

Trước khi vào quân đội, anh chỉ mới học hết lớp 7 trường làng. Trở về từ chiến trường Campuchia với thương tích đầy mình, cánh tay phải bị liệt, chân phải vĩnh viễn không còn... nhưng bằng nghị lực phi thường của một người lính từng vào sinh ra tử, đã giúp anh chiến thắng sự mặc cảm của bản thân, để rồi tự mình đứng dậy, vững vàng tiến bước bằng đôi chân không lành lặn của mình. Anh chính là người thương binh 1/4 Nguyễn Thế Mỹ, hiện đang sinh sống tại thị trấn Lái Thiêu, huyện Thuận An - người mà chúng tôi muốn nhắc đến trong bài viết này...

Gian nan thử lòng

Đầu năm 1980, anh lên đường làm nhiệm vụ quốc tế tại chiến trường Campuchia. Năn 1982, trong một lần cùng đồng đội chi viện cho một đơn vị đang bị địch bao vây, anh đã bị thương. Trong phút chốc ấy, anh nghĩ chắc mình không thể sống được... 15 ngày sau, chân phải của anh bị cưa đứt. Tỉnh dậy sau cơn gây mê, anh vẫn không tin rằng, mình chỉ còn một chân, với cánh tay phải bị liệt và con mắt trái chỉ nhìn thấy lờ mờ. Với một chân còn lại, làm sao để đứng vững giữa cuộc đời này đây? Rồi đây, mình sẽ trở thành gánh nặng cho gia đình, xã hội... Nghĩ đến đó, anh thấy nghẹn nơi cổ họng, nước mắt cứ lăn dài trên má.

Phút thư giãn bên vườn nhà

Sau 5 tháng ở trong phòng điều trị tại bệnh viện quân y ở quận 5, TP. HCM, lần đầu tiên anh tự mình ngồi xe lăn xuống căn-tin lấy cơm ăn và đó là lần đầu tiên trong cuộc đời, một chàng trai mới hơn 20 tuổi đã khóc nức nở bởi sự mặc cảm về một thân thể không lành lặn của mình. Thấy anh gục đầu trên xe lăn khóc, người quân y già lâu nay vẫn chăm sóc anh đến bên cạnh và nói: "Con cứ khóc thật nhiều cho thoải mái, sau đó rồi thôi. Cuộc chiến nào cũng có sự trả giá của nó và sự hy sinh của con rất có ý nghĩa... Từ bây giờ, con phải sống bằng nghị lực, phải tự đứng vững trên một chân còn lại của mình..."

Học để thay đổi cuộc đời

Sau một thời gian điều trị, sức khỏe của anh đã dần bình phục, cánh tay phải đã cử động trở lại. Anh được chuyển về đoàn an dưỡng của sư đoàn ở Củ Chi. Anh bắt đầu tập làm quen với toán học và hiểu thế nào là "khái niệm về điểm" qua một người anh đang làm việc ở đoàn an dưỡng này. Như cá gặp nước, anh thấy mình đang "bừng sáng các khái niệm cơ bản trong đầu mình". Việc học toán trở thành niềm đam mê của anh. 3 tháng sau, anh xin vào học lớp 10 một trường ở Củ Chi, với tư cách là một học sinh dự thính. Bởi vì, lúc đó, anh không có bằng tốt nghiệp cấp 2, nên nhà trường không chấp nhận cho anh học chính thức.

Một gia đình hạnh phúc

Ngày ngày, anh chống nạng gỗ đến trường, với bao ánh nhìn dò xét của người đời. Mặc ai nói gì thì nói, tinh thần hiếu học trong anh không hề lung lay. Anh vẫn tin tưởng, chỉ có học mới làm thay đổi được cuộc đời mình, mới trở thành một người hữu ích. Trường học cách đoàn an dưỡng khoảng 3km, ngày học 2 buổi nên buổi trưa anh phải ở trường vì không tiện đi lại, anh đóng cửa lớp lại rồi lôi hộp cơm mang theo của mình ra ăn. Đây là phần ăn sáng của anh ở đoàn an dưỡng nhưng anh đã nhịn để mang theo ăn trưa. Chỉ có cơm trắng với muối hạt, nhưng nghĩ đến tương lai của mình sau này, anh cố nuốt vào trong.

Cuối cùng, công sức của anh cũng được đền đáp. Kết quả học tập học kỳ I anh đạt loại giỏi. Cô giáo dạy văn bảo, sẽ cử anh đại diện trường đi thi học sinh giỏi văn. Cảm phục trước sự hiếu học của anh, thầy hiệu trưởng gọi anh lên khen ngợi và trả lại cho anh tiền học phí đã nộp trong học kỳ I. Số tiền ấy tuy ít ỏi nhưng đối với anh rất đáng quý. Anh sử dụng vào việc mua sách vở phục vụ cho việc học tập của mình.

Ngày đến trường học, tối anh vẫn về đoàn an dưỡng nghỉ ngơi cùng nhiều anh em thương binh khác. Nhìn anh em thương binh mỗi người một tình cảnh với một cơ thể không lành lặn, anh trăn trở, không biết sau này trở về địa phương tương lai của họ sẽ thế nào? Nghĩ thế, anh bắt đầu vận động anh em thương binh trong đoàn đi học nghề. Một lần nữa, nhiều người nhìn anh nghi ngại. Nhưng cũng có nhiều người đồng tình với hướng mở về một nghề nghiệp cho họ mà anh đã suy nghĩ bao đêm. Họ đều muốn trở về địa phương với tư cách là một người hữu ích, chứ không phải một người tàn phế. Anh mang ý nghĩ của mình và tâm tư của anh em lên trình bày với trưởng đoàn để yêu cầu mở lớp dạy nghề cho thương binh ở đây. Sau nhiều lần đi lại với không ít trắc trở, cuối cùng công sức của anh đã được đền đáp, anh em đã được nhận vào học nghề tại trường dạy nghề cho thương binh ở Thủ Đức. Anh cùng anh em trong đoàn bắt đầu bước vào một môi trường mới. Lúc này, anh mới học xong học kỳ I chương trình lớp 10, nên lên đây, ngày anh đi học nghề, đêm đi học bổ túc văn hóa cho xong chương trình cấp III. Chỉ trong một thời gian ngắn, anh vừa lấy xong bằng cấp III, vừa hoàn tất khóa học nghề.

Quả ngọt cho đời...

Năm 1985, anh chuyển về trại an dưỡng An Sơn, thuộc tỉnh Bình Dương (trước đây là Sông Bé). Vẫn chưa bằng lòng với chính mình, nên anh lại đi đến một quyết định khác cũng liên quan đến việc học. Anh tranh thủ thời gian ở trại an dưỡng An Sơn để học ôn chuẩn bị đi thi đại học. Đây là năm đánh dấu nhiều sự thay đổi trong cuộc đời anh: vừa chuyển nhà, vừa thi đại học, vừa cưới vợ. Hình như, trong con người này có một nghị lực vươn lên trong học tập rất lớn. Và, một khi đã đưa ra quyết định thì phải cố gắng để đạt được. Kết quả, anh thi đậu vào trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Bên người vợ hiền bao năm vất vả...

Hình ảnh, một người thanh niên với đôi nạng gỗ bước đi khập khễnh trên hè phố Sài Gòn để đến trường đại học đã trở nên quen thuộc với nhiều người. Nhưng ít ai hiểu được, để trụ được với giảng đường, anh đã làm không biết bao nhiêu việc để kiếm thêm tiền trang trải cho việc học và sinh hoạt thường nhật của mình. Anh không thể tự mình leo lên các bậc cầu thang, cũng không dám bước vào khu nhà tắm trơn trượt ở ký túc xá, hay đứng hàng giờ để chờ lãnh suất cơm tại nhà ăn của trường... Bởi thế, muốn học đến nơi đến chốn anh phải tự mình xoay xở mọi việc. Anh đi dạy thêm, phụ việc trong các quán ăn để đổi lấy bữa ăn qua ngày. Anh còn đi lượm từng tờ giấy bạc từ các vỏ hộp thuốc lá người ta vứt giữa đường về bó thành ký... Anh tâm sự: "Nhiều khi cũng tủi thân lắm chứ". Nhưng cũng chính những hình ảnh đó, anh đã lọt vào mắt của các nhà báo. Những bài báo viết về anh, như: "Một thanh niên bơi ngược dòng đời", hay "Paven Coocsaghin của Việt Nam"... đã được nhiều người đọc và biết đến hoàn cảnh cũng như sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống của anh. Năm học thứ 3, anh vào thực tập tại một Trung tâm thí nghiệm điện (cơ quan công tác hiện nay của anh). Từ bài báo "Một thanh niên bơi ngược dòng đời", Ban giám đốc ở đây đã biết về hoàn cảnh của anh nên nhận anh vào làm. Vậy là, từ đây anh đã có một chỗ làm ổn định, có thể kiếm thêm tiền để tiếp tục ăn học đến cùng.

Từ một thương binh chỉ học hết lớp 7, nhưng với tinh thần ham học hỏi, phấn đấu không ngừng, vững niềm tin trước những khó khăn của cuộc sống... đã giúp anh quyết định được "số phận" của mình. Đó là, trở thành một thương binh "tàn nhưng không phế". Hiện nay, anh là một kỹ sư lành nghề của Trung tâm thí nghiệm điện thuộc Công ty Điện lực II TP.HCM. Năm 1995, vừa đi làm, anh vừa hoàn thành xong khóa cử nhân Anh văn. Năm 1997, anh được chọn đi dự hội nghị thương binh tiêu biểu toàn quốc; Hội nghị quốc tế người khuyết tật tại Hà Nội năm 2001... Trên bước đường đấu tranh để chiến thắng số phận và đi đến thành công như ngày hôm nay, anh đã chứng minh được rằng, nếu có nghị lực ắt sẽ thành công. Thành công của anh ngày hôm nay không chỉ là công việc, mà còn là gia đình nhỏ hạnh phúc của mình. Ở đó, có một người vợ biết chia sẻ, động viên anh những vui buồn và 2 đứa con ngoan hiền, học giỏi. Hiện nay, con lớn của anh đã tốt nghiệp trường Đại học Bách khoa TP.HCM và đã có việc làm; còn đứa con nhỏ cũng đang theo học năm thứ 3 tại trường đại học Ngoại thương TP.HCM.

Trải qua bao khó khăn, vất vả mới có được thành công hôm nay, anh đúc kết: "Cuộc đời không ai dám nói trước được cái gì hết, nhưng có một điều mình rút ra được từ chính bản thân mình, đó là sự nỗ lực nào cũng có sự đền đáp tương xứng. Tuy cuộc đời có những mảng xám, nhưng cũng có rất nhiều mảng xanh tồn tại và xung quanh mình luôn có những người tốt, những người sẵn lòng chia sẻ với mình". Xin mượn 2 câu thơ của người xưa mà anh đã đọc cho chúng tôi nghe để kết thúc bài viết về anh - người thương binh đầy nghị lực Nguyễn Thế Mỹ: "Ví thử cuộc đời bằng phẳng cả. Anh hùng hào kiệt có hơn ai"

Hồng Thuận

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên