Trong đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4, để ứng phó với số ca F0 tăng cao, ngành y tế tỉnh đã phát huy cao tinh thần trách nhiệm, nỗ lực nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp từ truy vết cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc xin đến công tác thu dung điều trị. Trong tâm dịch, mỗi cán bộ, nhân viên, y bác sĩ đã thực sự trở thành những chiến sĩ nơi tuyến đầu để bảo vệ tính mạng, sức khỏe nhân dân.
Cán bộ y tế khám, kiểm tra sức khỏe bệnh nhân Covid-19 điều trị tại tầng 2
Triển khai đồng bộ các giải pháp
Cuối tháng 4-2021, dịch bệnh bắt đầu bùng phát trên địa bàn tỉnh. Ngành y tế tỉnh đã chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp từ truy vết cách ly, xét nghiệm, tiêm vắc xin đến công tác thu dung điều trị, huy động lực lượng. Trong giai đoạn đầu dịch bệnh, công tác truy vết, cách ly được tăng cường thực hiện. Khi dịch bệnh lan rộng, giải pháp này duy trì thực hiện nhưng mức độ ưu tiên giảm xuống do triển khai cách ly F1 tại nhà và giãn cách xã hội.
Cùng với hoạt động truy vết, ngành y tế tăng cường năng lực xét nghiệm với quy mô tăng lên qua mỗi giai đoạn dịch bệnh. Ngành chủ động kết hợp hiệu quả phương pháp xét nghiệm kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR, gộp mẫu theo phương thức mẫu 3, 5, 10 để làm tăng tốc độ xét nghiệm và giảm chi phí. Hoạt động lấy mẫu được ngành chủ động tầm soát tại các khu vực nguy cơ cao, như: Cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, tại các khu nhà trọ hoặc nơi lưu trú, sinh hoạt của công nhân.
Trong công tác thu dung, điều trị, ngành cũng triển khai đồng bộ các giải pháp điều trị, thiết lập các bệnh viện dã chiến, cơ sở điều trị hồi sức tích cực (ICU), phân tầng điều trị theo mô hình 3 cấp, điều phối F0 giữa 3 tầng, trang bị hệ thống oxy y tế, nhất là hệ thống oxy lỏng cho các bệnh viện, oxy bình cho các trạm y tế. Đặc biệt, ngành đã triển khai chương trình điều trị có kiểm soát thuốc kháng vi rút Molnupiravir cho gần 30.000 bệnh nhân mắc Covid-19 thể nhẹ. Dưới sự chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, ngành y tế đã đẩy nhanh việc thành lập các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn nhằm giúp người dân tiếp cận y tế từ xa, từ sớm, từ cơ sở, góp phần giảm ca bệnh chuyển nặng, tử vong.
Những hy sinh thầm lặng
Chăm sóc bệnh nhân nặng mới thấm thía nỗi đau của người bệnh và với bệnh nhân Covid-19 thì càng thấm thía hơn bởi không có người thân bên cạnh, mọi sinh hoạt đều phải dựa vào y, bác sĩ. Với tinh thần chăm lo cho người bệnh, bác sĩ CKII Huỳnh Hữu Đức, Trưởng khoa nội (Trung tâm Y tế TP.Dĩ An) phụ trách khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh (TP.Dĩ An) đã 2 lần dương tính, tổn thương phổi nhưng vẫn xung phong tham gia điều trị ở tầng 2. Vợ của bác sĩ Đức, chị Nguyễn Thị Loan, cử nhân điều dưỡng cũng với nhiệt huyết đẩy lùi dịch bệnh đã tham gia các hoạt động phòng, chống dịch bệnh và sau đó cũng nhiễm vi rút SARS-Cov-2. Hình ảnh gia đình bác sĩ Đức là biểu tượng cao đẹp của người chiến sĩ áo trắng với sứ mệnh cao cả “lương y như từ mẫu” đã xả thân cứu người.
Bác sĩ CKII Huỳnh Thị Nguyệt Phương, Giám đốc Trung tâm Y tế TP.Thuận An, cho biết trải qua gần 6 tháng ròng phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt khi dịch bệnh xuất hiện tại nhiều công ty, xí nghiệp, nhiễm sâu vào cộng đồng dân cư, công tác phòng, chống dịch bệnh có nhiều khó khăn. Thời gian đó, anh em y tế không có phút giây ngơi nghỉ. Bất kể ngày, đêm hay nắng, mưa, dù ở tận nơi nào, khi có thông tin về dịch bệnh là anh em lập tức có mặt. Các đội điều tra, lấy mẫu xét nghiệm vào guồng quay liên tục, làm việc suốt từ sáng đến quá trưa trong bộ đồ bảo hộ mồ hôi ướt sũng, toàn thân mệt lừ, rã rời, bàn tay nhăn nheo vì mất nước phải đeo găng. “Vất vả, nguy hiểm là thế nhưng anh em vẫn bám trụ địa bàn. Dù ở trong phòng xét nghiệm hay vào tâm dịch, công việc của họ luôn đầy rủi ro, nguy cơ lây nhiễm cao, nhất là đối với những y bác sĩ trong phòng chăm sóc bệnh nhân nặng phải thay từng cái tã, bón từng muỗng cháo, ngụm nước cho bệnh nhân”, bác sĩ Phương nói.
Để giúp người bệnh Covid-19 phục hồi tốt, bác sĩ CKII Đỗ Thanh Liêm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Giáo, Trưởng khu điều trị bệnh nhân Covid-19 ở Block 2, khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa (TX.Bến Cát) cùng với đội ngũ y bác sĩ tại đây còn trở thành nhà tâm lý, coi bệnh nhân như người thân của mình. Bác sĩ Liêm cho biết: “Thời điểm bệnh nhân đông, tôi cùng với các đồng nghiệp hầu như không có thời gian dành riêng cho bản thân. Chúng tôi quay như chong chóng với công việc, vừa kiểm soát nhiễm khuẩn, theo dõi sức khỏe bệnh nhân, đo mạch, nhiệt độ, huyết áp, lấy mẫu xét nghiệm rồi tranh thủ thời gian vận chuyển cơm, thức ăn đến từng bệnh nhân để họ ăn đúng giờ. Khi công việc xong, chúng tôi ăn vội cơm cũng là lúc kim đồng hồ điểm 14 giờ chiều”. Đối với bác sĩ Liêm thì trong khoảng thời gian dài điều trị cho bệnh nhân tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 Thới Hòa, mỗi bệnh nhân khỏi bệnh chính là động lực để đội ngũ y tế vượt qua khó khăn, cố gắng hơn trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.
Chính từ tinh thần hy sinh vì sức khỏe nhân dân của đội ngũ y bác sĩ, nhiều F0 đã vượt qua cửa tử, trở về sum họp với gia đình. Nhiều người đã khắc ghi sâu sắc hình ảnh người chiến sĩ mặc áo blouse trắng. Ông Phan Văn Bé, điều trị tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 TP.Dĩ An, cho biết: “Tôi bị bệnh Covid-19 rất nặng, ảnh hưởng tới phổi, nhờ bác sĩ tận tình cứu chữa mà tôi vượt qua cơn nguy kịch. Ơn cứu mạng này tôi xin ghi nhớ suốt đời”.
HOÀNG LINH