Vườn cao su … CHÁY BẤT CỨ LÚC NÀO

Cập nhật: 22-03-2010 | 00:00:00

(BDO) Mùa khô đang khốc liệt, những chủ vườn cao su tiểu điền trên địa tỉnh đang phải phập phòng lo sợ lửa bốc cháy. Khác với những vườn cao su của các doanh nghiệp, cao su tiểu điền không có phương án phòng chống cháy, khi ngọn lửa cháy lan họ hoàn toàn bị động.

Chúng tôi trở lại những khu vườn cao su bị thiêu rụi hồi cuối tháng 2 vừa qua tại ấp Phú Hòa, xã Hòa Lợi, huyện Bến Cát. Hàng chục héc ta cao su 4-5 năm tuổi đã không còn sức sống. Lá khô, cây dộp vỏ, tất cả đều hoang tàn. Ông Nguyễn Văn Lũ, một người dân ở đây cho biết, những vườn cây cao su này không thể cứu chữa, chỉ còn cách duy nhất là phải chặt bỏ trồng cây mới. Thậm chí những vườn cây chuẩn bị khai thác nếu bị lửa táp nóng nhiệt độ cao, da cao su cũng sẽ hư không thể khai thác.

Vườn cao su của chị Mèo bị cháy.

Nặng nhất là vườn cao su của chị Nguyễn Thị Mèo, ấp Phú Hòa, vườn cây của chị không còn một lá nào xanh. Tất cả đều bị cháy rụi. Hôm cao su phát cháy chị không hề hay biết. Bởi có năm nào cao su của ai bị cháy đâu. Nghe hàng xóm nói cao su nhà chị bị cháy, chị cũng ngỡ họ đùa với chị, nhưng cũng bán tính bán nghi. Hôm sau xuống thăm vườn thì hỡi ơi, cả vườn cao su gần 1 héc ta đã hoang tàn, không còn một cây nào sống xót. Công cán chăm sóc 5 năm trời chuẩn bị khai thác bây giờ tất cả đều bị thiêu trên ngọn lửa. “Bây giờ biết làm sao, cũng đâu biết ai mà bắt đền, thôi thì phải bỏ tiền ra tiếp túc trồng lại”, chị Mèo ngao ngán cho biết.

Vườn cao su của ông Võ Văn Vui cạnh vườn của chị Mèo cũng trong hoàn cảnh tương tự. Gần 1 héc ta cao su trồng đã 5 năm rồi bây giờ chỉ còn làm vườn củi. Gặp chúng tôi ông ngậm ngùi không nói lời nào, miệng chỉ lằm bằm mấy câu: “Tôi già rồi nên phân công cho con chăm nom vườn cây chuẩn bị thu hoạch mủ để có tiền lo cho tương lai, vậy mà bây giờ vườn cây đã bị lữa thiêu rụi. Biết trách ai bây giờ”

Những khu vườn cao su bị cháy ở đây đa số là trồng đất ruộng, vốn và công chăm sóc rất lớn. Theo kinh nghiệm của những hộ dân trồng cao su tại đây, để cao su sống được qua mùa mưa họ phải thuê nhân công lên mương thoát nước, bước vào mùa khô phải bón phân thúc cho cao su mau lớn. Vốn chăm sóc cao su đất ruộng lúc nào cũng gấp đối so với những vùng đất khác. Nếu chăm sóc không tốt bước vào mùa mưa cây cao su bị ngập úng rất khó phát triển. Bởi vậy khi lửa bóc cháy thiệt hại của người dân là rất lớn.

Cũng chính vì đất ruộng, bước vào mùa khô ven các con suối nhỏ cạn nước, nhiều loài rắn, chuột, thú rừng đến các bụi rậm trú nắng. Những kẻ đi săn laị thường đi săn đốt lửa đuổi con mồi ra khỏi bụi rậm. Lửa gặp lá cao su dễ cháy bùng phát nhanh rất khó kiểm soát.

Từ trước đến nay các vườn cao su tiểu điền ít khi xảy ra hỏa hoạn, bởi thế nhiều chủ vườn cao su càng thêm chủ quan. Thêm vào đó, khi hết mùa thu hoạch nhiều nhà vườn chỉ quét gom lá mà không xử lý lá nên vườn cây rất dễ bị cháy.

Quan sát các vườn cây cao su tiểu điền chúng tôi thấy, dù được vệ sinh quyét dọn nhưng lá cao su khô vẫn dày đặc bao phủ nhiều gốc cây. Một chủ vườn cây ở đây cho biết, nhờ lá khô này cao su mới giữ ẩm được, nếu thu gom đi nơi khác đốt, nắng sẽ làm cao su không có mủ. Có lá cao su này thì cuối tháng 4 dù không mưa cao su cũng cạo được. Hầu hết các vườn cao su tiểu điền xa khu dân cư, xa nhà ở của họ rất khó phát hiện, dập tắt lửa nếu cao su bị phát cháy. Vậy mà các hộ này vẫn giữ lại lá khô nhưng không có phương án nào phòng chống cháy.

Cao điểm mùa khô đang đến, cháy sẽ xảy ra bất cứ lúc nào. Hơn lúc nào hết, ngay lúc này các chủ vườn cao su cần bảo quản tốt vườn cây, hết sức cảnh giác với lữa để giữ gìn an toàn tài sản của mình.

N.QUANG - H. NHÂN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên