Vườn cây ăn trái Lái Thiêu, một định danh du lịch độc đáo

Cập nhật: 08-06-2013 | 00:00:00

Kỳ 2: Măng cụt Lái Thiêu, quả ngọt tiến vua

> Kỳ 1: Mùa trái chín… chưa xa

Ít ai biết rằng măng cụt Lái Thiêu đã được tiến vua hàng trăm năm trước và được vua Minh Mạng phong cho cái tên đài các: Trái giáng châu. Trái giáng châu từ khi được tiến vua đến giờ đã nức tiếng gần xa và đi vào thơ ca, ẩm thực…

Trái giáng châu đài các

Nhà văn Sơn Nam, người khá am tường văn hóa ẩm thực Nam bộ viết trong tác phẩm “Vườn Lái Thiêu”, cho biết: “Cây măng cụt đầu tiên từ Mã Lai đưa đến Nam bộ trồng ở Lái Thiêu và tại nhà thờ họ đạo Lái Thiêu”. Từ khi được các nhà truyền giáo mang về trồng thử, măng cụt phát triển nhanh, chóng ra trái, sản lượng khá cao, mùi vị thơm ngon đặc biệt hơn các nơi khác. Do vậy nông dân Thuận An coi đây là giống cây quý. Hiện nay chưa có nhiều nghiên cứu khoa học đưa ra kết luận vì sao măng cụt Lái Thiêu lại có đặc trưng ngọt ngon đến thế. Nhưng theo nhiều người lâu năm gắn bó với măng cụt thì chính nhờ vào đất phù sa sông Sài Gòn đen quánh, có nhiễm phèn lờ lợ khiến cho măng cụt Lái Thiêu có hương vị không thể pha lẫn.

Nói về hương vị của măng Lái Thiêu không ai có thể phủ nhận rằng đây là loại cây độc đáo của vùng đất này. Vỏ dày, múi trắng, ngọt chua khiến những người đã từng thưởng thức “nghiện” và nhớ mãi. Người dân vùng đất Lái Thiêu có câu truyền miệng: “Tới vườn cây trái Lái Thiêu, chưa ăn măng cụt, cũng tức là chưa hiểu biết thế nào là hương vị trái cây Lái Thiêu”.

Trái măng cụt được chọn làm biểu tượng đặt trước UBND thị xã Thuận An

Theo ghi chép của Hội Khoa học lịch sử Bình Dương, mùi vị ngon ngọt đặc sắc của trái măng cụt đã khiến cho Salan- viên tướng Pháp, người rất sành món ăn phương Đông hết lời tán thưởng: “Trái măng cụt nổi tiếng ngon ở phần cơm màu trắng bên trong với những người “sành điệu” (sành ăn) đó là loại trái cây tuyệt diệu nhất ở Viễn Đông”. Điều đáng nói là từ cây măng cụt đầu tiên được trồng ở họ đạo Lái Thiêu bởi các nhà truyền giáo, cây măng cụt đã được nhân rộng ra rồi trở thành thứ sản vật vượt xa vạn lý để tiến các vua nhà Nguyễn ở cung đình Huế. Đã từ lâu, trái măng cụt đậm đà hương vị chân chất vườn quê Lái Thiêu Nam bộ trở thành trái giáng châu đài các trong các khu nhà vườn ở cố đô Huế. Theo nhiều cứ liệu sử sách ghi lại, trái măng cụt khi vươn xa tận cung đình Huế được vua Minh Mạng ban cho cái tên đẹp đẽ: Trái giáng châu. Có lẽ trái giáng châu ở Huế quý vì là loại trái ngon và hiếm có nguồn gốc từ quê hương của những bà hoàng hậu phương Nam như bà Từ Dũ (Phạm Thị Hằng ở Gò Công, mẹ vua Tự Đức); bà Tá Thiên (Hồ Thị Hoa ở Bình An, TDM, mẹ vua Thiệu Trị)... Ở Bình Dương, cây măng cụt được trồng đại trà trên diện tích lớn có thể chiếm đến hơn một phần ba diện tích vườn cây Lái Thiêu.

Đi vào văn chương, ẩm thực

Trong truyện ngắn “Làng tôi” nhà văn Lý Lan, quê gốc Bình Dương đã nói thay cho nhiều người có cùng hoàn cảnh, tâm trạng với nhà văn về cái không gian văn hóa miệt vườn Lái Thiêu: “Tôi nhớ mãi khi làng có giỗ, khách nơi khác đến dự tiệc đều xuýt xoa khen bánh trái vùng này ngon. Các bà, các dì chỉ nói nhờ nước ở vùng này tốt, đất cũng lành. Tôi nhớ chưa từng có bão giông, hạn hán hay lụt lội gì ở làng tôi. Trong vườn măng cụt lúc nào cũng râm mát, nên con gái vườn da trắng nõn, mắt biếc, môi son. Chính vì vậy mà ở Sài Gòn người ta thường hát ca dao rằng: “Tháng giêng mười sáu trăng treo/Anh sắm giường lèo cưới vợ Lái Thiêu”.

Nhìn màu tím sẫm của trái măng cụt, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường của đất cố đô Huế đã viết: “Mùa đông về dằng dặc trong tiếng động nghìn trùng của mưa trên lá. Tưởng không còn gì để trông ngóng ở khu vườn trước lúc sang xuân, thì đến tháng 11, măng cụt chín như một quả vui đột ngột cuối năm…”.

Măng cụt Lái Thiêu mùa trái chín

Măng cụt gắn bó lâu đời với người dân Lái Thiêu, từ đó nó đã trở thành biểu tượng tự hào của người dân vùng đất này. Hình ảnh trái măng cụt được đặt trước UBND TX.Thuận An là một minh chứng. Phía bên trên trái măng cụt là biểu tượng của sự phát triển, vươn lên như muốn khẳng định rằng măng cụt sẽ góp phần xây dựng Thuận An thêm giàu mạnh. Gia đình ông Đặng Văn Quý (xã An Sơn, TX.Thuận An), 4 đời gắn bó với vườn măng cụt, nói: “Nhìn thấy hình ảnh măng cụt được trở thành biểu tượng của người dân Thuận An tôi vui lắm. Bởi nhờ cây măng, cuộc sống gia đình tôi, cũng như những người dân tại đây ổn định. Với biểu tượng này, thế hệ mai sau sẽ biết, hiểu và góp sức giữ gìn niềm tự hào của quê hương mình”.

Măng cụt Lái Thiêu mùa trái chín

Nói đến quả măng cụt hay trái giáng châu, thật thiếu sót nếu không nói về các món ăn chế biến từ loại trái cây ngon nổi tiếng này. Trong đó, đặc sắc nhất và góp phần thu hút sự tò mò của khách thập phương đó là các món gỏi măng cụt tôm thịt, gỏi gà măng cụt… Để làm được món gỏi này, người chế biến phải chuẩn bị rất công phu từ trái măng cụt già (vỏ xanh nhưng bên trong ruột đã có vị ngọt), thịt gà, tôm, thịt, rau răm, đến gia vị. Măng cụt sau khi hái được gọt sạch vỏ và rửa sạch mủ ngâm trong nước chanh để ruột măng không thâm. Gỏi gà măng cụt, gà luộc chín xé miếng, sau đó trộn măng và gà thêm gia vị vừa ăn. Gỏi tôm thịt măng cụt cách chế biến cũng giống gỏi gà măng cụt. Các món gỏi ăn kèm với nước mắm tỏi ớt, bánh tráng (bánh đa) nướng hoặc bánh phồng tôm. “Những ngày nghỉ, chúng tôi thường đến Bình Dương ghé vào các vườn cây đặc sản mua sản phẩm và thưởng thức các loại gỏi từ măng cụt. Gỏi măng cụt vị chua ngọt nhẹ, thơm giòn tạo cho người ăn cảm giác thích thú. Bên cạnh đó, vị cay thanh của rau răm, vị cay nồng của nước mắm tỏi, ớt thấm vào đầu lưỡi làm cho người ăn “khó quên”, anh Lê Hùng Phong, du khách đến từ Q.Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh, nói.

Theo chị Nguyễn Thị Thế, chủ vườn cây tham quan nghỉ mát 99 (xã Hưng Định, TX.Thuận An), đầu bếp chính của vườn: “Mặc dù làm món gỏi măng công phu, nhưng thấy thực khách thích thú, chúng tôi cũng thấy ham. Món gỏi này khác với những loại gỏi khác, bởi nó chỉ có khi mùa măng rộ. Gỏi măng muốn giòn, thơm, trái măng mới hái phải được gọt lấy ruột liền. Món gỏi này đã kéo khách thập phương đến với vườn nhà”.

Có thể thấy sự ảnh hưởng sâu sắc của cây măng cụt đối với đời sống người dân Thuận An. Giờ đây, trái măng cụt không chỉ còn là thứ trái cây tiến vua, hiện diện ở nơi cung đình sang trọng, đài các mà còn đi vào văn thơ, ẩm thực dân dã, được người người biết đến. Vườn Lái Thiêu nói chung và trái cây măng cụt nói riêng cũng vì thế mà nức tiếng gần xa và trở thành “thương hiệu” cho vùng đất Bình Dương tươi đẹp, hiền hòa, mến khách.

Kỳ cuối: Cho những mùa trái ngọt vang xa

K.VINH - C.SƠN - T.LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên