Vượt khó, kiên định mục tiêu tăng trưởng- Kỳ 4
(BDO) Kỳ 3: Xuất nhập khẩu nắm bắt cơ hội bứt phá
Kỳ 4: Tái cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh liên kết
Đổi mới công nghệ sản xuất là vấn đề sống còn đối với doanh nghiệp. Trong ảnh: Sản xuất lốp ô tô tại Công ty Cổ phần Hưng Hải Thịnh, huyện Phú Giáo
Đổi mới tư duy, đầu tư công nghệ
Giá trị sản xuất công nghiệp của Bình Dương quý I-2020 tiếp tục phát triển, đạt mức tăng trưởng khá. Chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 6,14% so với cùng kỳ năm 2019. Đây là mức tăng thấp nhất trong 4 năm gần đây, song đó là cả một sự nỗ lực lớn của cộng đồng DN, trong đó có DN xuất khẩu chủ lực. Tuy nhiên, để có hướng đi bền vững, ngay từ bây giờ các DN cần hành động để tạo lực đẩy cho sự phát triển, nhất là khi dịch bệnh được kiểm soát.
"Trong tình hình dịch bệnh, các DN cần tăng cường tổ chức lại sản xuất, tái cơ cấu thị trường, mở rộng thị trường quốc tế, coi trọng thị trường nội địa; đa dạng hóa nguồn nguyên liệu đầu vào, liên kết phát triển công nghiệp hỗ trợ, nâng cao hàm lượng chế biến và giá trị gia tăng sản phẩm; đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng thương mại điện tử. Đặc biệt, các DN cần theo dõi thông tin và phối hợp với các cơ quan chức năng để chủ động và nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, bảo đảm quyền lợi của người lao động, hạn chế thấp nhất việc lệ thuộc vào một thị trường…” (Ông Trần Thanh Liêm, Chủ tịch UBND tỉnh) |
Với ngành dệt may, các đơn hàng mới từ tháng 6 trở đi hiện chưa được đàm phán và khả năng phục hồi đơn hàng đến cuối năm 2020 sẽ rất chậm. Nguyên nhân chính là do sự sụt giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường Mỹ và châu Âu. Việc chuyển hướng vào thị trường nội địa cũng gặp nhiều vướng mắc vì đa số DN Việt Nam gia công xuất khẩu cho các thương hiệu nước ngoài. Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước cũng đang giảm sút do dịch bệnh.
Tương tự, ngành điện tử dự kiến cũng bị ảnh hưởng lớn trong các quý tiếp theo của năm 2020 do sụt giảm nhu cầu tiêu thụ sản phẩm điện tử tại thị trường Mỹ và châu Âu. Đối với ngành sản xuất đồ gỗ, sự sáng sủa chỉ xuất hiện ở một số công ty có quy mô lớn. Còn các DN nhỏ, nếu tình hình không được cải thiện, sau 1-2 tuần tới, các DN sẽ phải cắt giảm 70% công suất. Nếu không có giải pháp tháo gỡ, nguy cơ thu hẹp hay dừng sản xuất là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Vấn đề đặt ra lúc này DN sản xuất cần làm gì để bảo toàn những tiền đề, tạo nền tảng phát triển trong tương lai? Theo các chuyên gia nhận định, dịch bệnh là một liều thuốc “thử” cho các DN Việt Nam. Và ngay lúc này DN cần có một chiến lược dài hơi để vượt qua “bão” dịch bệnh. Theo đó, một vấn đề mà DN cần làm ngay là hoạch định chiến lược trong giai đoạn mới. Trong đó cần thay đổi tư duy quản trị, đổi mới công nghệ, tạo kết nối hình thành chuỗi liên kết sản xuất… là những việc nên làm để đón nhận những cơ hội mới, nhất là cơ hội từ các FTA đang đón đợi…
Cùng với việc thay đổi tư duy quản trị, vấn đề nằm trong tầm nhìn và định hướng phát triển của chính mỗi DN, công nghệ đã và đang là yếu tố sống còn của các DN. Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày - Túi xách Bình Dương, các DN giày da chịu nhiều áp lực trước vấn đề đổi mới công nghệ. Hiện nay, nếu không đầu tư công nghệ Robot thì trong vòng 1 - 2 năm nữa DN sẽ bị bỏ lại phía sau trong xu hướng hội nhập. Lý giải vấn đề này, ông Vũ cho rằng “cuộc đua mới” trên trường quốc tế đòi hỏi phải hạ giá thành sản phẩm, bảo đảm chất lượng hàng hóa mà nếu sử dụng quá nhiều lao động chân tay sẽ không có chỗ đứng trong xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt.
Đồng quan điểm này, bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh, cho biết nếu muốn chinh phục những thị trường lớn như Hoa Kỳ, Châu Âu thì phải đầu tư máy móc. Với thị trường Hoa Kỳ, DN muốn cạnh tranh giá cả và chất lượng sản phẩm thì phải đổi mới công nghệ, không có lựa chọn nào khác. Nếu không làm được điều đó, DN sẽ chỉ mãi gia công và dần bị máy móc thay thế. Trong khi đó, hiện các DN ngành dệt may đa phần là nhỏ lẻ… việc đầu tư công nghệ đòi hỏi nguồn vốn.
Với ngành gỗ, thực tế hiện nay rất nhiều DN gỗ Bình Dương đã có sự nỗ lực lớn trong việc sử dụng những công nghệ hiện đại bậc nhất trên thế giới. Điều đó lý giải vì sao Bình Dương chiếm 50% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gỗ của cả nước và được kỳ vọng trở thành “thủ phủ” ngành gỗ khu vực. Bài học về sự nhạy bén và nỗ lực của ngành gỗ sẽ là minh chứng cụ thể trong việc thúc đẩy đổi mới công nghệ, tái cơ cấu sản xuất các ngành công nghiệp chủ lực của tỉnh trong xu thế công nghệ là yếu tố dẫn dắt.
Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Công thương, cho biết hiện Sở Công thương có nhiều chương trình hỗ trợ DN công nghiệp đang được triển khai. Cụ thể là chương trình hỗ trợ lãi suất vốn vay cho các cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm môi trường di dời vào các khu, cụm công nghiệp với mức hỗ trợ 50% lãi suất cho các khoản vay để đầu tư nhà xưởng, máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong 2 năm đầu nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ sửa chữa và nâng cấp hệ thống xứ lý ô nhiễm môi trường tại cơ sở công nghiệp nông thôn với mức 30% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến, chuyển giao công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp mức 50% chi phí, nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở. Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới với mức 30% chi phí, nhưng không quá 1 tỷ đồng/mô hình....
Cơ hội cho công nghiệp hỗ trợ
Thực tế trên cho thấy, dù đang trong giai đoạn khó khăn nhưng cũng mở ra những cơ hội, nếu tận dụng được, các DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) trong nước hoàn toàn có khả năng tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, để làm được điều đó, các DN CNHT cần làm tốt bài toán đầu tư, cải tiến quy trình sản xuất để có thể đảm nhận những đơn hàng lớn.
Tiến sĩ Dương Như Hùng, Trưởng Khoa Quản lý công nghiệp, Đại học Bách Khoa TP.Hồ Chí Minh, cho rằng nếu ngành CNHT Bình Dương đáp ứng được nhu cầu sản xuất trong tỉnh và vùng lân cận sẽ là một động lực lớn cho sản xuất công nghiệp của Bình Dương và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Thống kê của Sở Công thương cho thấy, hiện nay trong lĩnh vực CNHT có khoảng 750 DN trong tổng số DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Trong đó, nhiều DN đáp ứng được nhu cầu trong nước và quốc tế. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp hội Cơ điện Bình Dương, cho rằng các DN cơ điện Bình Dương rất cần những cơ hội để xác định những gì mà các hãng, xưởng, nhà máy lớn của khu vực, trong nước, trong tỉnh cần để nỗ lực nâng cao khả năng cung cấp dịch vụ sản xuất. Nhiều năm qua, DN trong hiệp hội rất nỗ lực tìm hiểu ngành, mặt hàng nào có thể sản xuất được trong nước, nhất là đối tác FDI để hình thành chuỗi sản xuất ngay chính trên sân nhà. Về công nghệ, ông Trần Thành Trọng hoàn toàn tin tưởng DN cơ điện Bình Dương có thể đáp ứng được nhu cầu của các DN FDI. Ông cũng bày tỏ mong muốn ngành chức năng tạo điều kiện thuận lợi để dẫn dắt DN thực hiện chiến lược này.
TIỂU MY