Vượt khó, kinh tế Bình Dương vững vàng phát triển
(BDO) Trên cơ sở kết quả đạt được và những nỗ lực sản xuất, kinh doanh để bù đắp thiếu hụt do dịch bệnh, trong 2 tháng đầu năm 2022, kinh tế Bình Dương tăng tốc hồi phục và phát triển nhằm bảo đảm hoàn thành những chỉ tiêu đã đề ra.
Đối mặt với khó khăn, các DN ngành gỗ vẫn nỗ lực để tìm đường phát triển. Trong ảnh: Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH Tân Nhật (KCN Nam Tân Uyên mở rộng) những ngày đầu tháng 3
Nỗ lực không ngừng
Theo ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, với hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, Bình Dương đã sớm trở lại “bình thường mới” vào cuối năm 2021. Đến thời điểm này, Bình Dương đã thích ứng an toàn, các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp (DN) vững tin bước vào giai đoạn mới.
Trao đổi về nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, ông Võ Văn Minh, cho biết Bình Dương tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30-1-2022 của Chính phủ về phục hồi và phát triển kinh tế đồng bộ, hiệu quả. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 8,5 - 8,7%/năm và năm 2022 đạt 8 - 8,3%. Đồng thời, chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ các vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Cùng với việc phục hồi kinh tế - xã hội, Bình Dương đang tập trung đầu tư hạ tầng giao thông và khu công nghiệp (KCN), đặc biệt kết nối vùng. Trong đó, phối hợp với các địa phương lân cận thực hiện đầu tư các tuyến đường giao thông vành đai 3, vành đai 4, cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cảng An Tây… Dự kiến ngay trong tháng 3 này, Bình Dương sẽ khởi công KCN VISIP III và trong quý II-2022 cũng sẽ khởi công KCN Cây Trường, tổng diện tích đất sạch dành cho 2 KCN khoảng 2.000 ha. Bên cạnh đó, trong năm 2022 Bình Dương kiến nghị cập nhật quy hoạch một số KCN khác để mở rộng như Nam Tân Uyên, Rạch Bắp…
Bên cạnh đó, Bình Dương cũng tập trung phát triển công nghiệp theo hướng hình thành các KCN khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, thu hút các dự án ít thâm dụng lao động, có trình độ khoa học công nghệ cao. “Trên cơ sở quỹ đất sạch, Bình Dương tin tưởng sẽ thu hút được các dự án có hàm lượng công nghệ cao từ các nhà đầu tư quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh. Qua đó, chuyển đổi cơ cấu công nghiệp, tăng năng suất lao động, giúp cho Bình Dương tăng trưởng nhanh, bền vững và sớm thoát mức thu nhập trung bình, vươn lên trở thành địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao. Tôi mong muốn người dân đồng thuận trong việc giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các công trình trọng điểm sớm triển khai”, ông Võ Văn Minh cho biết.
Vượt mọi khó khăn
Bước sang năm 2022, các DN, người dân đã thích ứng an toàn với dịch bệnh, hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định trở lại. Chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng đầu năm tăng 6,1% so với cùng kỳ. Trong tình hình mới phục hồi sau dịch bệnh, hầu hết DN còn gặp khó khăn nhưng chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt cao là kết quả đáng ghi nhận. Ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình, cho biết hiện nay các DN trong KCN đều nỗ lực hết sức để bù đắp cho các đơn hàng thiếu hụt từ trong dịch bệnh. Bên cạnh đó, công tác bảo đảm an toàn dịch bệnh cũng được các công ty chú trọng. Đối với số công nhân chưa tiêm mũi 3, Ban Quản lý KCN liên hệ với địa phương để tạo điều kiện cho công nhân được tiêm ngừa nhanh nhất. “Chúng tôi cũng đang đẩy mạnh việc tuyển dụng lao động để phục vụ cho các DN trong KCN. Song song đó là cung ứng các dịch vụ tốt nhất cho DN”, ông Thái nói. Hiện Công ty Cổ phần KCN Tân Bình có quy hoạch mở rộng diện tích giai đoạn 2 với 1.055 ha, đơn vị đang đẩy nhanh tiến độ tại huyện Bàu Bàng.
Hiện nay, tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, trong quá trình khôi phục hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu các DN phải đối mặt với nhiều thách thức, áp lực như chi phí sản xuất tăng cao do giá nhiều nguyên liệu đầu vào tăng; vận chuyển hàng hóa nguyên vật liệu vẫn chưa thực sự thông suốt... song các DN vẫn nỗ lực để thích ứng và phát triển.
Theo ông Điền Quang Hiệp, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Phát 2 (TP.Thuận An) trong khoảng 2 năm vừa qua, nguyên liệu gỗ từ EU đã tăng 50%, gây ra sức ép rất lớn với các DN về giá thành và buộc khách hàng cũng phải tìm giải pháp. Tuy nhiên, việc các nhà sản xuất nội thất ở EU cũng thiếu nguồn nguyên liệu từ Nga cũng là cơ hội để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu đồ nội thất. Với một số chi tiết sản phẩm, DN đã trao đổi với đối tác là thay thế gỗ khác. Trong khi đó, Việt Nam có lợi thế là lượng gỗ từ rừng trồng đang cung ứng khá tốt với sản lượng lớn. Trong tình hình bất ổn như hiện nay, việc duy trì, bảo vệ và phát triển nguồn cung gỗ nội địa cả về lượng và chất sẽ là chỗ dựa tốt cho các DN chế biến gỗ Việt Nam.
Để tiếp tục giữ được đà tăng trưởng và ổn định của kinh tế, các DN kiến nghị các ngành cần triển khai nhanh các chương trình hỗ trợ đã được Chính phủ thông qua, nhất là những chính sách hỗ trợ về vốn, cung ứng lao động, hỗ trợ DN tiếp cận gói cho vay ưu đãi lãi suất 2%. Cùng với đó, mở rộng nhiều kênh tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đối với DN nhỏ và vừa bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19… |
TIỂU MY