Vượt khó, xuất khẩu duy trì tăng trưởng trong dịch bệnh - Kỳ 1

Cập nhật: 12-10-2021 | 08:20:38

Kỳ 1: Thặng dư thương mại lớn

 Vượt qua những khó khăn chồng chất do đợt dịch bệnh Covid-19 thứ 4 bùng phát, với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp (DN), 9 tháng năm 2021, xuất nhập khẩu của tỉnh tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, thặng dư thương mại đạt gần 4,6 tỷ đô la Mỹ.

 Xuất hàng tại Công ty Kỹ thuật công nghệ Yatch (Khu công nghiệp Bàu Bàng)

 Những con số của niềm tin

Trong 9 tháng năm 2021, dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến chuỗi cung ứng nguồn nguyên vật liệu gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu của DN. Nhờ sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Tài chính, UBND tỉnh đã kịp thời tháo gỡ các vướng mắc khó khăn, bảo đảm thông quan nhanh hàng hóa, xây dựng các phương án vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa bảo đảm sản xuất trong điều kiện an toàn, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa. Là tỉnh công nghiệp, bên cạnh việc tập trung dập dịch, Bình Dương cũng đưa ra nhiều giải pháp giúp DN không đứt gãy chuỗi sản xuất với mô hình “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm”, “3 xanh”. Tập trung thực hiện “mục tiêu kép”, vừa sản xuất, vừa chống dịch, toàn tỉnh có gần 3.200 DN đăng ký hoạt động với hơn 264.000 lao động.

Ông Nguyễn Phước Việt Dũng, Cục trưởng Cục Hải quan Bình Dương: Hàng năm Cục Hải quan Bình Dương làm thủ tục cho khoảng 6.000 DN. Trong tình hình dịch bệnh Covid-19, nhằm tạo điều kiện cho DN được xuất nhập khẩu hàng hóa thuận lợi, Cục Hải quan Bình Dương đã thành lập tổ phản ứng nhanh của cục và các chi cục để xử lý các vướng mắc, thông quan nhanh hàng hóa cho DN. Cục Hải quan tỉnh cũng thường xuyên nắm thông tin, giữ liên lạc với DN tạm ngừng hoạt động để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, kịp thời có các giải pháp hỗ trợ.

Trong 9 tháng năm 2021, kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt hơn 24,53 tỷ đô la Mỹ, tăng 26,7% so với cùng kỳ, đạt 79,8% kế hoạch năm. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 4,68 tỷ đô la Mỹ, tăng 31,3%, khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 19,84 tỷ đô la Mỹ, tăng 25,6%. Hầu hết, các mặt hàng xuất khẩu chủlực vẫn giữ mức tăng khá so với cùng kỳ như máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại, hạt điều, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, sản phẩm từ gỗ và sản phẩm từ gỗ, sản phẩm nội thất từ chất liệu khác gỗ, giày dép các loại, hàng dệt may...

Vượt qua những khó khăn do dịch bệnh Covid-19, ngành gỗ trong 9 tháng năm 2021 kim ngạch xuất khẩu ước đạt gần 5 tỷ đô la Mỹ, tăng 28,1% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 20,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành dệt may trong 9 tháng qua cũng đạt những thành công lớn khi nỗ lực đạt kim ngạch xuất gần 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 10,5% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 8% tổng kim ngạch xuất khẩu. Ngành giày da 9 tháng kim ngạch xuất khẩu ước đạt 1,41 tỷ đô la Mỹ, tăng 14,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác ước đạt 3,5 tỷ đô la Mỹ trong 9 tháng, tăng 44,4% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 5,7% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Trong tháng 9, dù dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, song tín hiệu xuất khẩu đang dần tốt trở lại, đánh dấu sự nỗ lực phục hồi của cộng đồng DN khi mà chính quyền địa phương nỗ lực “xanh hóa” địa bàn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tháng 9 ước đạt hơn 2,27 tỷ đô la Mỹ, tăng 20,1% so với tháng trước. Tất cả các ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh cũng đã tăng trưởng trở lại so với tháng 8, tạo nên tín hiệu tốt cho phục hồi và phát triển kinh tế sau nhiều tháng chống dịch Covid-19.

Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu

Kim ngạch nhập khẩu trong 9 tháng năm 2021 ước đạt 19,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 34% so với cùng kỳ, đạt 82,1% kế hoạch năm. Riêng tháng 9 năm 2021 ước đạt hơn 2 tỷ đô la Mỹ, tăng 9,6% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ. Con số này cho thấy, đến nay các DN đã chủ động được nguồn nguyên liệu sản xuất nhập từ nước ngoài. Đây là yếu tố quan trọng để DN quay trở lại sản xuất thuận lợi trong điều kiện lưu thông hàng hóa an toàn. Các chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã được các ngành cụ thể hóa bằng các hành động cụ thể, giải tỏa các tồn đọng, vướng mắc trong khâu vận chuyển hàng hóa, tạo điều kiện thuận lợi cho DN. Tất cả góp phần vào duy trì thặng dư thương mại hơn 4,6 tỷ đô la Mỹ của tỉnh nhà trong 9 tháng qua.

Với ngành gỗ, ngành xuất khẩu chủ lực, hiện các DN đang tìm cách hóa giải khó khăn về nguyên liệu, nối lại chuỗi cung ứng trong bối cảnh giágỗnguyên liệu vàchi phílogistics tăng đểkịp thời phục hồi hậu Covid-19, phấn đấu đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 14,5 tỷ đô la Mỹ năm nay. Lãnh đạo Hiệp hội Chế biến gỗ Bình Dương (BIFA) cho biết việc tổ chức lại chuỗi cung ứng cũng giúp DN có khả năng thích nghi tốt hơn với những thay đổi lớn của chuỗi cung ứng toàn cầu, vốn đang diễn ra mạnh mẽ trong bối cảnh dịch bệnh.

Ông Võ Quang Hà, Tổng Giám đốc Công ty Tavico (thành viên BIFA) chuyên cung ứng gỗ cho rằng thách thức kể trên lại là cơ hội để các DN tìm hiểu và thử nghiệm nguyên liệu khác. Cùng với việc tính lại bài toán sản xuất để tối ưu hóa nguyên liệu, các DN trong ngành có thể hợp tác mua chung để có đơn hàng lớn, ổn định về giá. Các đơn hàng mua chung nguyên liệu sẽ giúp DN tối ưu hóa chi phí vận chuyển, vốn là một câu chuyện đau đầu của chuỗi cung ứng toàn cầu. (Còn tiếp)

 TIỂU MY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=729
Quay lên trên