Vượt lên nỗi đau da cam

Cập nhật: 09-08-2011 | 00:00:00

Tôi vẫn nghe mọi người nhắc đến nạn nhân da cam nhưng hôm nay mới được chứng kiến nỗi đau của họ. Câu chuyện về gia đình ông Nguyễn Văn Thỉ (ở phường Định Hòa, TX.TDM) - một trong số nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam (CĐDC) mà tôi muốn kể lại nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam tại Việt Nam (10.8.1961 - 10.8. 2011) và Ngày Hành động vì nạn nhân CĐDC. 

Ghé thăm gia đình ông Thỉ vào một ngày cuối tuần khi những cơn mưa giông bắt đầu kéo đến. Trong căn phòng khách rộng chừng 10m, em Nguyễn Thế Dũng - con ông Thỉ vẫn nằm mê mệt trên sàn nhà với những cơn co giật, tay chân co quắp. Vợ chồng ông Thỉ tất tưởi chạy khắp nhà tìm mọi cách xoa dịu cơn đau của con nhưng dường như máu trong miệng Dũng đang sắp trào. Ông Thỉ lặng lẽ lau nước mắt, nghẹn ngào “đã 17 năm rồi nhưng vợ chồng tôi vẫn không thích nghi được với hoàn cảnh này, vẫn lật đật, lo sợ như ngày đầu tiên nó lên cơn giật”.

 Nguyễn Thế Anh ân cần chăm sóc người em Nguyễn Thế Dũng

Ông Thỉ đã từng tham gia kháng chiến trên chiến trường Quảng Trị. Ngày đất nước hoàn toàn độc lập, ông được đơn vị chuyển vào Nam rồi từ đó ông gắn bó với mảnh đất Bình Dương. Trong 2 người con thì ông Thỉ dành hết tình thương cho Dũng và đặt nhiều hy vọng vào người con trai thứ Nguyễn Thế Anh.

Lớn lên trong hoàn cảnh gia đình nghèo khó, chứng kiến di chứng chiến tranh còn để lại trong tâm hồn người cha và nỗi đau bệnh tật của người em làm cho Nguyễn Thế Anh không ngừng cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Tuổi thơ của Thế Anh là những năm tháng sống khép lòng và cùng chiến đấu bệnh tật với người em. Thay vì vui chơi với bạn bè đồng trang lứa, Thế Anh lại chọn ở nhà chăm sóc em cho ba mẹ may quần áo bởi cuộc sống của gia đình chỉ trông chờ vào nghề may vá. Một số đứa bạn vô tâm thường bảo rằng “nó có đứa em bị điên”, những lúc ấy lòng Thế Anh như thắt lại, trầm buồn như chính con người sâu sắc của Anh. Ngày ôn thi vào đại học, thức khuya ôn bài, Thế Dũng co giật, Thế Anh lại càng thấm thía nỗi đau da cam và quyết tâm thi đậu đại học.

Hiện nay, Thế Anh đã trở thành sinh viên năm 4 ngành tự động hóa, trường Đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM và lúc nào Anh cũng luôn phấn đấu học tập. Để có tiền đi học và trang trải cuộc sống, Thế Anh tranh thủ thời gian đi làm và dạy thêm. Các bạn trong lớp vẫn thường thấy Anh sau buổi tan học lại tất bật đạp xe đến một số gia đình làm gia sư cho các em nhỏ. Cảm kích tinh thần vượt khó học tập, một thầy giáo đã mời Thế Anh về phụ giúp và đảm nhận việc lắp ghép tủ điện “không chỉ có tiền phụ giúp gia đình em còn tích lũy được nhiều kinh nghiệm làm vốn sống cho mình” - Thế Anh cho biết.

Nhân kỷ niệm 50 năm thảm họa da cam và Ngày Hành động vì nạn nhân CĐDC, Thế Anh mong muốn “các bạn trẻ cần có cái nhìn đúng về nạn nhân bị nhiễm CĐDC. Những ánh mắt xa lánh, kỳ thị của các bạn vô tình làm cho nỗi đau của người trong cuộc càng đau xót. Hơn hết chúng tôi cần sự chia sẻ. Sự chia sẻ ấy là tinh thần động lực để gia đình tôi và những gia đình khác cùng chung hoàn cảnh vươn lên xây dựng cuộc sống”.

Chia tay gia đình ông Nguyễn Văn Thỉ, nhưng hình ảnh 2 anh em Nguyễn Thế Anh đọng lại như là biểu tượng của tinh thần vượt khó, vươn lên trong cuộc sống. Tôi cầu chúc cho Thế Anh luôn vững chãi trên con đường học tập và cầu chúc cho Thế Dũng sức khỏe chiến đấu với nỗi đau da cam để ông Thỉ vơi bớt phần nào nỗi lo “không biết mai mốt tôi chết đi thì lấy ai chăm sóc cho nó”...

KIM HÀ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=209
Quay lên trên