Một khi đã dính vào ma túy thì họ có muôn vàn lý do, đổ lỗi cho hoàn cảnh. Nhưng ai cũng thừa nhận, đó là những tháng ngày đen tối khó vượt qua. Nó như một “bóng ma” bao trùm cuộc sống, suy nghĩ và hành động. Chỉ đến lúc được đưa vào cơ sở cai nghiện họ mới tìm lại được cuộc sống vốn có ngày nào. Đó là chia sẻ của các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh (xã Tam Lập, huyện Phú Giáo).
Mới đây, ông Hà Minh Trung, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng đại diện các ban ngành trong tỉnh đã đến Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh thăm hỏi, tặng quà cho các học viên
Không làm chủ được mình
Một ngày cuối tháng 6, khi có dịp tiếp xúc, chia sẻ về hoàn cảnh sống, học tập tại cơ sở cai nghiện cùng lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, gần 300 học viên đang cai nghiện tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh ai nấy đều vui tươi, tràn đầy sức sống. Họ mạnh dạn chia sẻ về đời tư, cố gắng hoàn thành tốt thời gian cai nghiện, nghĩ đến tương lai... Theo các quản giáo, đây là sự đổi thay ngoạn mục. Bởi cũng chính những con người ấy, cách đây chừng 4 hoặc 5 tháng khi mới đưa vào cơ sở, có người đến bữa còn không muốn ăn hay tắm rửa khi chiều đến. Mỗi người đều có một lý do khi tìm đến với may túy.
H.T.H, SN 1989 (thường trú TP.Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) là mẹ đơn thân cho rằng nếu không được đưa vào cơ sở cai nghiện này, bản thân chị cũng không biết chuyện gì sẽ xảy ra trong những ngày tháng sau đó. Từng là chủ một cửa hàng thời trang lớn, có một gia đình hạnh phúc, sau khi hôn nhân đổ vỡ, vì buồn chán chị ra ngoài giao du với bạn bè nhiều hơn và bỏ bê con cái. Ban đầu chỉ là đi cà phê, sau đó ăn nhậu, rồi dần dính đến ma túy. Số tiền hàng trăm triệu đồng trong tài khoản bao năm dành dụm dần bốc hơi. Cho đến khi hết tiền thì quay sang mượn nợ bạn bè, người thân. “Lúc đó tôi không suy nghĩ được gì ngoài những cuộc vui thâu đêm, bây giờ nhớ lại thật đáng sợ. Nếu lúc đó có chuyện gì xảy ra, không biết sau này con cái, cha mẹ tôi sẽ sống ra sao. Khoảng 6 tháng nữa mình được trở về, khi đó mình dự định quay lại với công việc kinh doanh, chăm lo cho gia đình”, H. tâm sự.
Anh P.T.B., SN 1983, ngụ huyện Bàu Bàng, một nông dân chất phác chỉ biết lo ăn, lo làm cũng không ngờ có ngày mình dính vào ma túy. Khác với thân thể cường tráng, rắn chắc vốn có, ngày vào cơ sở anh gầy nhom, thiếu sức sống. Với bản chất thật thà, anh B. cho biết cũng vì buồn chuyện gia đình đổ vỡ, anh vùi đầu vào những cuộc nhậu nhiều hơn. Đến một ngày trong ngà ngà men say, bị bạn nhậu kích động “Sao không thử một lần cho biết, tìm niềm vui...” và rồi anh đã dính vào ma túy, không thể rút chân ra. Từ đó, vườn cây trái xanh mướt thiếu đi bàn tay chăm sóc mỗi ngày của chủ trở nên cằn cỗi, mất nguồn thu. Tiền tích cóp bao lâu cũng tiêu xài hết. “Lúc mới vào cai nghiện mình ốm yếu, không làm được gì. Vào đây, mỗi ngày tập thể dục, ăn ngủ đúng giờ nên mình mới lấy lại vóc dáng như trước. Bây giờ em đã tỉnh ngộ, phải làm lại thôi anh à”, B. thật thà chia sẻ.
Sự tận tâm của các quản giáo
Theo ghi nhận của P.V, môi trường ăn ở, sinh hoạt của các học viên tại Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh được các ban ngành trong tỉnh quan tâm, đầu tư nâng cấp. Trong khuôn viên rộng hàng chục ha có các khu nhà xưởng tạo việc làm, các khu rèn luyện thể dục thể thao như sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Cơ sở có khả năng tiếp nhận cai nghiện, học tập cho khoảng 750 học viên. Hiện nay, cơ sở đang cai nghiện, giáo dục cho gần 300 học viên.
Để giúp các học viên sớm điều trị dứt cơn nghiện, trở về hòa nhập cộng đồng, xã hội thì không thể không nhắc đến sự tận tâm, nhiệt huyết với công việc của các quản giáo nhiều năm kinh nghiệm tại đây. Anh Nguyễn Văn An, làm công việc quản giáo gần 20 năm, chia sẻ: “Ít nhiều những người được đưa vào cơ sở cai nghiện là người có cá tính. Mình không buộc người ta răm rắp nghe lời như phải làm cái này, cái kia theo một khuôn mẫu đã định mà quan trọng là đánh vào ý thức học viên. Phải làm sao để họ thức tỉnh, nhận ra đúng, sai và đâu là đích đến để từ đó thay đổi tư duy, suy nghĩ. Tất cả phải xem như đang sống chung dưới một mái nhà, cùng học tập, cố gắng”.
Công việc của anh An không chỉ là đến cơ sở đúng giờ để bấm chuông cho học viên dậy sớm tập thể dục, vệ sinh cá nhân, phòng ngủ. Mỗi ngày trôi qua, anh cố gắng nhớ hết tên học viên, nơi thường trú và những lúc rảnh anh tìm cách trò chuyện, chia sẻ với từng người. Khi nghe qua chuyện đời tư của học viên, anh đóng vai là người thân, người nhà, tìm điểm yếu, điểm mạnh trong từng học viên giúp họ vươn lên, có đủ nghị lực để sớm cắt cơn nghiện.
Còn anh Hồ Ngọc Hạnh, Bí thư Đoàn Thanh niên của cơ sở mỗi ngày phải chạy xe máy vượt hàng chục cây số từ huyện Bàu Bàng đến cơ sở nhưng rất ít khi trễ giờ. Hàng tuần, Hạnh cố gắng tạo ra những cuộc thi về thể dục thể thao, ca hát, kể chuyện đời tư để các bạn hiểu nhau, từ đó gắn kết và chia sẻ với nhau hơn. “Ai cũng có một gia đình, mái ấm. Dù họ có sa ngã, nhưng trong thân tâm vẫn luôn trăn trở, lo cho gia đình nhỏ của mình. Vì thế, em cố khai thác khía cạnh này để thức tỉnh họ. Em cũng tìm đọc những câu chuyện người tốt việc tốt, những tấm gương điển hình vượt qua nghịch cảnh để truyền đạt với các bạn mỗi tuần”, anh Hạnh nói
Có thể nói, bằng tình thương yêu, nhiệt huyết với công việc của quản giáo, Ban lãnh đạo Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh, cộng với việc đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo môi trường sống, học tập tốt nhất có thể, những học viên khi đưa đến đây cai nghiện đã sớm tìm lại sức khỏe, nghị lực, lý tưởng sống. Để từ đó khi trở lại cuộc sống đời thường tương lai sẽ dần mở ra, họ tìm thấy một cuộc sống tốt đẹp hơn phía trước.
QUANG TÁM