Vượt qua thách thức

Cập nhật: 12-07-2011 | 00:00:00

6 tháng cuối năm, áp lực lớn nhất vẫn là lạm phát. Tổng cục Thống kê dự báo CPI sẽ tăng từ 2,5-3,9%.

6 tháng qua, cả nền kinh tế đã vật lộn với nhiều khó khăn để trụ vững, và cũng đã đạt được những kết quả khá tích cực, như tăng trưởng sản xuất công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, những thành công của chính sách tiền tệ… Tuy nhiên, mảng sáng đó vẫn chưa rõ nét, trong khi những thách thức của 6 tháng còn lại thì rất rõ ràng.

Trong bối cảnh giá cả tăng cao, doanh nghiệp (DN) thu hẹp sản xuất, việc tạo ra khoảng 720.000 công việc mới, bằng 45% kế hoạch năm, có thể coi là một trong những thành công của kinh tế - xã hội 6 tháng qua. Trong khi đó, sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, xuất khẩu tăng 30% so với cùng kỳ năm 2010, giúp nhập siêu tạm đạt mục tiêu đề ra. Trong khi đó, chính sách tiền tệ cũng đạt được những tín hiệu tích cực, như bước đầu kiểm soát được thị trường ngoại tệ tự do, phần nào kiểm soát đô la hóa nền kinh tế, giúp ổn định tỷ giá giữa VND và USD. Tỷ giá ổn định trong suốt hai tháng qua, tổng phương tiện thanh toán tính đến 20/6 tăng 2,45%, tăng trưởng tín dụng là trên 17%.

  Lạm phát được dự báo sẽ gấp đôi mục tiêu ban đầu với mức khoảng 17% cả năm

Bên cạnh đó, lãi suất cũng đang có chiều hướng chững và hạ, tín hiệu vui ít nhất là về mặt tâm lý đối với DN. Tăng trưởng tín dụng nằm trong tầm kiểm soát, bội chi có tín hiệu giảm xuống dưới 5% GDP. Không những thế, cũng có quan điểm đánh giá, có cơ sở để bội chi ngân sách có thể giảm xuống dưới 4% GDP.

Song, nếu nhìn sâu hơn bức tranh nền kinh tế vào thời điểm này, bên cạnh những con số đáng mừng ấy còn có thách thức lớn nhất, tâm điểm của bất ổn vĩ mô là lạm phát. Đến thời điểm này, dù tăng trưởng kinh tế đã được Chính phủ điều chỉnh giảm từ 7% xuống 6%, lạm phát được dự báo vẫn sẽ gấp đôi mục tiêu ban đầu với mức khoảng 17% cả năm. Ông Nguyễn Đức Thắng, Vụ trưởng Vụ Thống kê, Tổng cục Thống kê cho rằng, lạm phát còn chịu nhiều rủi ro từ những ẩn số. Ông Thắng dự báo, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm nay khoảng 17 - 18%, trong quý 3 sẽ dịu hơn, nhưng có những yếu tố tiềm ẩn như mưa bão, tiêu dùng cuối năm tăng.

Bên cạnh những yếu tố trên, lạm phát còn phụ thuộc vào cắt giảm đầu tư công. 6 tháng đầu năm cả nước cắt giảm, điều chuyển tổng số vốn trong năm 2011 là 80.550 tỷ đồng, bằng khoảng 9% tổng số vốn đầu tư toàn xã hội năm 2011. Tuy nhiên, vấn đề cần làm rõ là cắt giảm vốn của những dự án đang triển khai được bao nhiêu, vì đó mới là việc cắt giảm có tác động tốt đến giảm cung tiền ra nền kinh tế, giảm lạm phát. Trong khi đó, sản xuất đang phụ thuộc lớn vào lãi suất. Lãi suất sẽ khó giảm nếu lạm phát vẫn cao. Bình quân 6 tháng đầu năm, các DN phải vay với lãi suất trên 18%/năm.

Còn với xuất nhập khẩu, mặc dù 6 tháng đầu năm, nhập siêu trong tầm kiểm soát, bằng khoảng 17% kim ngạch xuất khẩu. Nhưng những tháng còn lại, nhập siêu chịu áp lực tăng do giá thế giới tăng, nhập siêu do tính thời vụ để phục vụ sản xuất hàng hóa Tết, chạy các đơn hàng… TS. Nguyễn Đức Thành (Đại học Quốc gia Hà Nội) nêu: Cần có sự cân nhắc trong điều hành tỷ giá để kiểm soát nhập siêu. Từ nay đến cuối năm, nhập siêu có nguy cơ tăng, vì tỷ giá danh nghĩa đang thấp, khiến hàng hóa trong nước đắt hơn tương đối so với hàng hóa nước ngoài. Do đó, nếu chính sách tỷ giá tiếp tục giữ như hiện nay, có thể nhập siêu sẽ bùng phát.

Một chỉ số vĩ mô của nền kinh tế là đầu tư nước ngoài (FDI). Nửa đầu năm, số vốn FDI giải ngân đạt 5,3 tỷ USD, gần bằng cùng kỳ năm ngoái. Thu hút FDI đang giảm mạnh, nửa đầu năm nay chỉ bằng già nửa cùng kỳ năm 2010. Trong khi đó, kinh tế Nhật Bản vẫn đang lo phục hồi sau động đất, các nhà đầu tư từ châu Âu thì khó khăn do khủng hoảng tài chính, nên chưa thể sớm mong đợi sẽ có một luồng vốn FDI lớn vào nước ta trong 6 tháng tới. 

Nhìn về 6 tháng cuối năm, có thể thấy áp lực lớn nhất vẫn là lạm phát. Theo Tổng cục Thống kê, dự báo 6 tháng cuối năm, CPI sẽ tăng từ 2,5-3,9%. Như vậy, nhiều khả năng CPI có thể vượt mức 17%. Và thách thức này tăng hay giảm còn phụ thuộc lớn vào việc thực hiện đồng bộ, hiệu quả 6 nhóm giải pháp của Nghị quyết 11 của Chính phủ. 

Theo Báo TNVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=354
Quay lên trên