Ngoài quyết tâm làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trong 6 tháng cuối năm, tỉnh tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp (DN) phục hồi sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, tỉnh sẽ thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm hoàn thành các công trình hạ tầng kỹ thuật, tạo đột phá cho phát triển kinh tế.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cố gắng duy trì sản xuất, chờ đón cơ hội mới. Trong ảnh: Sản xuất tại Công ty Phương Vy (TP.Thuận An)
Chờ tín hiệu tốt
Dịch bệnh Covid-19 đã gây hậu quả rất nặng nề đối với nền kinh tế, song tổng sản phẩm xã hội (GRDP) của tỉnh 6 tháng đầu năm nay vẫn tăng trưởng khá. Kinh tế Bình Dương vẫn giữ được mức tăng trưởng cao hơn nhiều tỉnh, thành trong khu vực và cả nước, tăng 6,73% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I, hoạt động xuất, nhập khẩu tương đối ổn định do doanh nghiệp (DN) thực hiện đơn hàng của năm 2019, tuy nhiên có nhiều khó khăn khi dịch bệnh bùng phát, lan rộng toàn cầu trong quý II. Đến nay tình hình xuất nhập khẩu đã có nhiều khởi sắc, các DN đã bắt đầu xuất khẩu được hàng hóa vào các thị trường chủ lực. Các vấn đề khó khăn về thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu sản xuất cơ bản được cải thiện. Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng ước đạt 11,9 tỷ đô la Mỹ, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2019. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,4 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,2%. Thặng dư thương mại duy trì 2,6 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, kinh tế của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn và đang hướng đến thực hiện mục tiêu “kép” vừa phục hồi vừa phát triển. Tuy hầu hết các lĩnh vực kinh tế đều bị ảnh hưởng nặng nề do dịch bệnh, nhưng nhiều DN vẫn trụ được, cố gắng duy trì sản xuất để đợi phục hồi. Tại Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 đã lắng xuống, nhưng tại một số nước đang có nguy cơ bùng phát lần hai nên tình hình kinh tế trong 6 tháng cuối năm vẫn còn phải đối mặt với hàng loạt khó khăn. Hiện Chính phủ đang cân nhắc việc có mở cửa hoàn toàn để phát triển kinh tế hay hạn chế đợi dịch bệnh qua đi. Các kịch bản phòng, chống dịch đã được Chính phủ nghiên cứu kỹ và yêu cầu mỗi tỉnh, thành đều có giải pháp để phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế hiệu quả.
Cả nước có 22 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD Theo Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 86,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Trong số đó có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD. Theo đó, mặt hàng điện thoại và linh kiện có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt 21,5 tỷ USD, chiếm 17,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Tiếp đến là điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,3 tỷ USD. Đứng thứ ba là xuất khẩu hàng dệt may đạt 12,8 tỷ USD và máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đứng thứ 4, đạt 10,3 tỷ USD. Tại Bình Dương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2020 ước đạt 11.934,9 triệu USD, tăng 0,4% so cùng kỳ. Trong đó khu vực kinh tế trong nước 2.005 triệu USD, tăng 0,3%; khu vực kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài 9.929,8 triệu USD, tăng 0,4%. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh vẫn là sản phẩm gỗ, dệt may và giày dép. NGỌC THANH |
Theo lãnh đạo Hiệp Hội chế biến gỗ Bình Dương (BIFA), hiện các DN trong ngành gỗ vẫn đối mặt với nhiều thách thức do diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn rất phức tạp và chưa được kiểm soát tốt, đặc biệt tại các thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chính như Mỹ, Nhật Bản, EU. Vì vậy, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ trong quý III- 2020 vẫn chưa khả quan. Theo ông Đào Minh Ngọc, Công ty Phương Vy (TP.Thuận An), ngành công nghiệp hỗ trợ sẽ hồi phục chậm hơn các ngành khác vì phải đợi tín hiệu tốt từ các ngành sản xuất. Nếu tình hình dịch bệnh trên thế giới được khống chế tốt, khả năng hết quý III ngành này mới có đơn hàng ổn định.
Ông Trần Thành Trọng, Chủ tịch Hiệp Hội cơ điện Bình Dương, cho biết hầu hết DN trên địa bàn tỉnh đều chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Các DN vừa và nhỏ cũng đang nỗ lực duy trì đơn hàng và hy vọng dịch bệnh trên thế giới được khống chế, không bùng phát trở lại, thị trường khơi thông và sản xuất, xuất khẩu sẽ phục hồi trở lại.
Trong dịch bệnh đơn hàng của ngành gốm sứ giảm đến 40- 50%. Hiện thị trường xuất khẩu của ngành gốm chưa được khơi thông hoàn toàn nên các DN, cơ sở sản xuất gốm của tỉnh đa phần duy trì sản xuất để bảo đảm đời sống cho người lao động, đợi thị trường Hoa Kỳ và các nước châu Âu trở lại bình thường thì mới xuất đi. Vấn đề này đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực sản xuất có hoạt động xuất khẩu, kể cả khối FDI và khu vực trong nước.
Nỗ lực trong trạng thái mới
Qua đánh giá tình hình 6 tháng đầu năm 2020, UBND tỉnh thống nhất chưa xem xét điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch tăng trưởng của năm 2020, nhằm bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch 2016- 2020; đồng thời đề ra 6 nhóm giải pháp và 10 nhiệm vụ cụ thể trên từng ngành, lĩnh vực để tập trung chỉ đạo thực hiện trong 6 tháng cuối năm 2020 trong trạng thái bình thường mới. Cụ thể, tỉnh kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội. Điều hành thu, chi ngân sách, tháo gỡ khó khăn tiếp cận vốn, tín dụng cho các DN và tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy thu hút đầu tư trong và ngoài nước; tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng bộ máy chính quyền trong sạch, vững mạnh, phục vụ người dân, DN. Trong dịch bệnh và khó khăn chung, tỉnh cũng nỗ lực chăm lo đời sống nhân dân và phát triển văn hóa, xã hội, thông tin tuyên truyền, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục hỗ trợ DN tiếp cận các chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, tín dụng, xúc tiến thương mại, tận dụng cơ hội của các hiệp định tự do thương mại; đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. UBND tỉnh sẽ sớm tổ chức các hội nghị gặp gỡ, tiếp xúc với DN trong và ngoài nước, các hiệp hội ngành hàng, xúc tiến kêu gọi đầu tư, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. Tỉnh cũng chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện đón đầu các dự án đầu tư đang có xu hướng chuyển dịch vào Việt Nam và Bình Dương.
Cộng đồng DN cũng đang chờ đợi tín hiệu mở cửa từ các nền kinh tế lớn. Theo dự kiến, trong thời gian tới sẽ có khoảng 15 quốc gia châu Âu mở cửa trở lại, các giao dịch sẽ tăng, giúp DN vượt qua khó khăn do dịch bệnh, hoàn thành các mục tiêu trọng tâm trong năm 2020.
TIỂU MY