Có thể nói, phép thử lớn nhất đối với hệ thống tín dụng là dịch bệnh Covid-19. Dù vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của doanh nghiệp, song trong 6 tháng qua, hệ thống ngân hàng không chỉ trụ vững mà có sự tham gia nhanh, kịp thời đối với sự phát triển ổn định kinh tế đất nước, đóng góp vào tăng trưởng dương của Việt Nam. Chính sách điều hành tiền tệ của Việt Nam thời gian qua đã tạo được niềm tin trong nước và quốc tế, giữ vững, củng cố niềm tin cho người dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước trong bối cảnh khó khăn.
Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp hơn thì nhiệm vụ đặt ra cho ngành ngân hàng càng nặng nề hơn. Theo chỉ đạo của Chính phủ, hệ thống tín dụng phải vừa cơ cấu lại vừa xử lý nợ xấu, góp phần tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong tình hình mới; đồng thời, bảo đảm an toàn hệ thống, hạn chế tín dụng đen. Ngành cũng cần rà soát lại, hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan, nhất là xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi tài sản, bảo đảm nhanh, thuận lợi, thúc đẩy xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng nếu dịch bệnh được khống chế kịp thời, nền kinh tế Việt Nam cần 6 tháng để hồi phục hoàn toàn và trở lại với điểm xuất phát trước đại dịch. Và lúc ấy, hệ thống tín dụng lại đón thành quả từ sự chủ động vượt qua thách thức, góp phần lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội cùa đất nước.
TIỂU MY