Dư luận Mỹ thật sự chấn động sau khi báo “Washington Post” công bố loạt phóng sự điều tra “Top Secret America”, trong đó tiết lộ kể từ sau các vụ tấn công 11-9-2001, hệ thống tình báo Mỹ đã phát triển đến mức hiện không ai biết chi phí chính xác là bao nhiêu và có bao nhiêu người tham gia. Nhưng chính giới chức Mỹ cũng thừa nhận hệ thống tình báo này vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Cồng kềnh
Hệ thống tình báo ở Mỹ, vốn được coi là cơ quan quyền lực thứ tư của chính phủ, luôn bí ẩn đối với không những công dân nước này mà còn cả với thế giới. Tuy nhiên, sau 2 năm bí mật điều tra, những tiết lộ “động trời” được đăng trên trang nhất của báo “Washington Post” số ra ngày 19-7 của hai nhà báo Dana Priest và William M.Arkin đã giúp hé mở phần nào những bí mật đó.
Mỗi ngày tại Trung tâm Chống khủng bố Quốc gia ở McLean, bang Virginia, nhân viên an ninh theo dõi ít nhất khoảng 5.000 dữ liệu thu thập từ các cơ quan tình báo
Loạt phóng sự điều tra gồm 3 bài, khẳng định hệ thống an ninh và tình báo quốc gia của Mỹ đã bùng nổ về quy mô kể từ sau các vụ khủng bố 11-9-2001. Mạng lưới này phát triển quá lớn và phức tạp đến mức không thể xác định được chính xác quy mô của nó và đã vượt quá tầm kiểm soát. Bài báo nhấn mạnh “thế giới tuyệt mật” mà Chính phủ Mỹ tạo ra nhằm ứng phó với các vụ tấn công khủng bố đã trở nên “quá lớn, quá cồng kềnh và quá bí mật” nhưng hiệu quả “không thể xác định được”. Hiện nay, không ai biết được nó tiêu tốn bao nhiêu tiền, tuyển dụng bao nhiêu người, bao nhiêu chương trình tồn tại hay chính xác là có bao nhiêu cơ quan cùng làm chung một việc.
Chỉ trong năm ngoái, mạng lưới tình báo Mỹ được cấp ngân sách 75 tỷ USD, gấp 2,5 lần so với thời kỳ trước khi xảy ra vụ 11-9, và ước tính có hơn 850.000 người được cấp các thẻ an ninh tối mật. Một ban giám đốc tình báo quốc gia được tạo ra để theo dõi 16 cơ quan hoạt động tình báo, gây tốn kém nhiều nguồn lực. Tại Washington và các khu vực phụ cận, có 33 tổ hợp nhà dành cho công tác tình báo tuyệt mật với diện tích khoảng 1,6 triệu m² đã và đang được xây dựng từ tháng 9-2001 và tổng cộng chiếm diện tích tương đương 3 tòa nhà trụ sở Lầu Năm góc hay 22 tòa nhà ở Đồi Capitol. Có ít nhất 263 tổ chức tình báo của chính phủ đã được thiết lập hoặc tái cơ cấu kể từ năm 2001 đến nay.
Hiện có 1.271 cơ quan của chính phủ và 1.931 hãng tư nhân tại Mỹ tham gia các chương trình liên quan tới chống khủng bố, an ninh nội địa và tình báo đang hoạt động tại khoảng 10.000 địa điểm trên toàn nước Mỹ. Chỉ riêng Cơ quan Tình báo Quốc phòng của Lầu Năm góc, số nhân viên đã tăng từ 7.500 (năm 2002) lên 16.500 người hiện nay. 9 ngày sau vụ 11-9, Quốc hội đã đồng ý chi 40 tỷ USD ngân sách liên bang để củng cố quốc phòng nội địa. Sau đó, cơ quan này tiếp tục chi bổ sung 36,5 tỷ USD vào năm 2002 và 44 tỷ USD vào năm 2003…
Trong cuộc trả lời phỏng vấn hồi tuần trước với tờ báo trên, Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ Leon Panetta cho biết ông đang lên kế hoạch 5 năm cho cơ quan này bởi các mức chi tiêu kể từ vụ 11-9 không còn đáp ứng được. Từ tháng 9 đến cuối năm 2001, đã có 24 tổ chức an ninh mới được thành lập. Sau đó, gần như mỗi năm có khoảng từ 20 đến 30 tổ chức ra đời với các nhiệm vụ như thu thập thông tin, kiểm soát vũ khí…
Sự bùng nổ về số lượng trên dẫn tới sự cạnh tranh gay gắt giữa các cơ quan tình báo, không chỉ cản trở việc chia sẻ thông tin mà còn tạo ra cuộc tranh giành quyền lực quyết liệt. Bài báo cho biết các cơ quan tình báo Mỹ thu thập quá nhiều dữ liệu và thông tin đến mức họ không đủ người phiên dịch hay các nhà nghiên cứu để phân tích chúng. Hàng ngày, các hệ thống của Cơ quan An ninh quốc gia chặn và lưu giữ 1,7 tỷ thư điện tử, các cuộc điện thoại và các hình thức liên lạc khác.
Phung phí và không hiệu quả
Bài báo kết luận quy mô của bộ máy quan liêu trên là phí phạm và thừa thãi, khi mà 51 tổ chức liên bang và bộ chỉ huy quân sự đặt tại 15 thành phố trên toàn nước Mỹ được xác định có nhiệm vụ theo dõi dòng tiền lưu chuyển của các mạng lưới khủng bố, còn các cơ quan tình báo công bố 50.000 báo cáo tình báo mỗi năm, một số lượng lớn đến mức “nhiều báo cáo thường không được quan tâm”. Nguy hiểm và quan liêu nhất là rất nhiều cơ quan ấn hành rất nhiều báo cáo trong khi chỉ một số ít quan chức Lầu Năm góc có thể tiếp cận mọi thông tin và hoạt động tối mật này.
Kết quả của sự rối loạn trong hệ thống tình báo Mỹ đã gây ra những hậu quả nghiêm trọng làm bàng hoàng dư luận Mỹ, mà ví dụ rõ nhất là việc thiếu sự điều phối, khiến các sĩ quan tình báo không thể ngăn chặn vụ thảm sát tại căn cứ quân sự lớn nhất của Mỹ Ft. Hood thuộc bang Texas hồi tháng 11-2009 làm 13 người thiệt mạng, hay các âm mưu khủng bố khác, như âm mưu đánh bom máy bay hành khách của Mỹ vào ngày Giáng sinh năm 2009 tại thành phố Detroit. Kẻ khủng bố được ngăn chặn kịp thời (nhờ một hành khách khác) và chính Tổng thống Mỹ Barack Obama thừa nhận “tình báo Mỹ đã thất bại trong việc ngăn chặn âm mưu này”. Kết quả một cuộc điều tra về thất bại này do Nhà Trắng tiến hành cho thấy Chính phủ Mỹ “đã có trong tay thông tin, nằm ở nhiều nơi khác nhau, để có thể phát hiện âm mưu đánh bom ngay từ đầu. Đây không phải là lỗi thu thập thông tin tình báo. Phần có vấn đề là các cơ quan hữu quan đã không chịu gắn kết thông tin họ có trong tay”. Ngay sau sự cố này, Tổng thống Obama đã ra lệnh “từ nay, những thông tin về những nhân vật gây rủi ro cao phải được chia sẻ rộng hơn, sự phân tích thông tin được làm kỹ hơn”.
Phản ứng yếu ớt của Chính phủ Mỹ
Washington Post cho biết cuộc điều tra của họ dựa trên các tài liệu của chính phủ, hồ sơ công và hàng trăm cuộc phỏng vấn với các quan chức tình báo, quân sự cùng các cựu quan chức. Bài báo đầu tiên ra ngày 19-7 miêu tả vai trò của chính phủ trong hoạt động mở rộng cơ quan này. Bài thứ hai ra ngày 20-7 miêu tả sự phụ thuộc của chính phủ vào các nhà thầu tư nhân trong việc phát triển ngành an ninh. Và bài cuối ra ngày 21-7 là chân dung một cộng đồng tối mật của Mỹ (Top Secret America community).
Loạt phóng sự gồm 3 bài trên đang được đưa lên mạng Internet ở địa chỉ www.topsecretamerica.com. Trước khi công bố bài điều tra vài tháng, Washington Post đã cho phép nhiều quan chức chính phủ đọc và yêu cầu họ cho biết bất kỳ mối quan tâm nào về bài viết này. Tuy nhiên, những nhân vật này không đưa ra bất kỳ phản ứng nào. Khi Washington Post chuẩn bị sửa lại bản thảo trước khi in, một lần nữa, họ đã hỏi Chính phủ Mỹ có yêu cầu gì không? Lúc này có một cơ quan phản đối dữ liệu về một số địa điểm an ninh trên trang web. Một cơ quan khác phản đối rằng toàn bộ trang web có thể gây ra rủi ro an ninh quốc gia nhưng từ chối cung cấp ý kiến cụ thể.
Trước khi báo cáo được đưa ra, Nhà Trắng nói với tờ Washington Post rằng họ biết có các bất cập trong công tác thu thập tình báo của Mỹ và đang tìm cách xử lý. Theo báo cáo trên, việc phát triển ngành an ninh - với các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD được trao cho nhiều cơ quan chính phủ và nhà thầu tư nhân - đã kéo theo một hệ thống khó sử dụng, thiếu giám sát, gây lãng phí và trùng lặp cao. Trong một cuộc phỏng vấn của Washington Post hồi tuần trước, chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nói rằng sự cồng kềnh của hệ thống tình báo nước này dù không phải không thể quản lý, song đôi khi khó để có được thông tin chính xác.
Tuy nhiên, Giám đốc Tình báo Quốc gia David C. Gompert, ngày 19-7, đã ra một bản ghi nhớ để phản bác những tuyên bố này và cho rằng cuộc điều tra trên đã “không phản ánh cộng đồng tình báo mà chúng tôi biết”. Bản ghi nhớ viết rằng: “Chúng tôi thừa nhận chúng tôi làm việc trong một môi trường giới hạn về lượng thông tin mà chúng tôi có thể chia sẻ với nhau. Tuy nhiên, thực tế, tất cả nhân viên trong Cộng đồng Tình báo (IC) đã cải thiện hoạt động, ngăn chặn được nhiều cuộc tấn công và đang thành công mỗi ngày. Chúng tôi biết những thách thức nằm ở phía trước là khó khăn và phức tạp. Chúng tôi sẽ tiếp tục rà soát hoạt động của chính chúng tôi, tìm cách để cải thiện và thích ứng. Tầm quan trọng của sứ mệnh và cam kết của chúng tôi là giữ cho sự an toàn của nước Mỹ luôn vững chắc”.
Theo SGGP