World Cup 2010 sẽ làm thay đổi Nam Phi?

Cập nhật: 03-06-2010 | 00:00:00

Vòng chung kết giải vô địch bóng đá thế giới 2010 (World Cup 2010) đang đến gần. Sự kiện thể thao số một của hành tinh đang khiến mọi con mắt của những người hâm mộ quả bóng tròn hướng về đất nước Nam Phi, chủ nhà của World Cup lần này.

 

Cho dù là một đất nước khá giả bậc nhất châu Phi nhưng lần đầu tiên đại diện một châu lục nghèo nhất nhận lãnh trách nhiệm lớn lao đã khiến nhiều người ngạc nhiên xen lẫn quan ngại.

 

Trong số hàng trăm tiểu thương ở Cape Town sẽ không được phép kinh doanh trong mùa World Cup

 

Sau thành công của các lễ hội bóng đá tổ chức tại World Cup 2006, FIFA sẽ tiếp tục tổ chức các lễ hội bóng đá tại World Cup 2010 ở Nam Phi trong thời gian diễn ra giải. Một công viên dành cho những người hâm mộ (fan) với sức chứa 25.000 người được dựng lên từ khu vực quảng trường Grand Parade ở Cape Town. 6 TP còn lại tổ chức các trận đấu cũng đều có lễ hội cho những ai không có điều kiện mua vé vào sân. Các địa điểm này, không xa so với những sân vận động đang diễn ra trận đấu, đều vào cửa miễn phí.

 

Tại Soweto, fan có thể theo dõi qua màn hình tại sân vận động Elkah với sức chứa lên đến 40.000 người. Muốn ngồi hay đứng tùy thích, người hâm mộ có thể thưởng thức tất cả các trận đấu trên màn hình rộng 50m² và xen lẫn là các chương trình giải trí giữa hai hiệp đấu. Đặc biệt nhất là tại Durban, nơi duy nhất tổ chức lễ hội bóng đá trên bãi biển. Khí hậu nơi đây quanh năm ấm áp sẽ càng làm cho các fan phấn khích hơn.

 

Theo quy định của FIFA chỉ có các nhân viên thuộc các công ty là đối tác và nhà tài trợ của FIFA mới có quyền bán sản phẩm tại những nơi tổ chức lễ hội bóng đá. Điều này đã làm dấy lên tranh cãi khi nhiều cư dân địa phương đòi quyền được phép bán hàng. Tại Cape Town, anh Vincent Baatjies bán hàng ở đây từ lâu đang lo ngại thất thu. Anh và 400 tiểu thương khác sẽ không có cơ hội một lần được bán hàng tại lễ hội bóng đá. “Khách hàng đã quen và tìm đến chúng tôi ở đây”, anh nói như than phiền về quyết định buộc đi nơi khác kinh doanh.

 

Cũng khó có thể trách cứ FIFA vì họ đã bỏ tiền ra quá nhiều và muốn tận thu trở lại. Năm 2007, các tổ chức buôn bán trên đường phố của Nam Phi đã phát động chiến dịch bảo vệ quyền lợi của họ. Sau nhiều tháng đấu tranh, chỉ có một số ít trong số những hộ buôn bán được chọn vào bán ở các địa điểm thi đấu và lễ hội FIFA tại các TP Cape Town, Johannesburg và Mbombela. Các TP còn lại vẫn “nói không” với tiểu thương.

 

Hội đồng nghiên cứu khoa học nhân văn (HSRC) năm ngoái đã xuất bản cuốn sách mang tựa đề “Phát triển và những giấc mơ: Di sản thành thị của World Cup 2010”. Theo nghiên cứu trong cuốn sách này, những chi tiêu khổng lồ về cơ sở hạ tầng cho World Cup chưa hẳn đã mang lại lợi ích thật sự. Đáng chú ý trong số các dự án này là xây dựng một sân bay mới ở Durban và một đường tàu cao tốc nối sân bay quốc tế Johannesburg với TP này và TP láng giềng Pretoria.

 

Theo cuốn sách này, những dự án mới phục vụ chủ yếu cho du khách và giới trung lưu hơn là người nghèo. Nhất là 10 sân vận động lớn sẽ làm gì sau khi World Cup kết thúc? Cuốn sách dẫn chứng rằng các TP của Mỹ tổ chức World Cup 1994 thiệt hại từ 5,5 tỷ đến 9,3 tỷ USD thay vì sẽ lãi 4 tỷ USD như mong đợi. Hay Olympic mùa hè Barcelona, “di sản” để lại cho cư dân TP này là giá các loại dịch vụ giao thông và giá thực phẩm tăng vọt. Đáng chú ý nhất là việc tổ chức Olympic mùa hè Athens 2004 được xem là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng vỡ nợ ở nước này. Đây là lời cảnh báo với các nước đang phát triển nếu muốn tổ chức một sự kiện trong đại. Việc gia tăng chi tiêu vào các dự án cơ sở hạ tầng phục vụ các đại hội thể thao thường đồng nghĩa với việc cắt giảm ngân sách ở nhiều lĩnh vực khác, gây ảnh hưởng tiêu cực với dân nghèo thành thị.

 

Điều khiến nhiều nước lo ngại hơn cho World Cup tại Nam Phi đó là vấn đề an ninh. Vụ sát hại Eugene Terreblanche, 66 tuổi, thủ lĩnh Phong trào Phản kháng Afrikaner (AWB), một nhóm cực hữu da trắng tại Nam Phi hồi tháng 4 đã làm dấy lên lo ngại khả năng xảy ra các vụ xung đột sắc tộc trả đũa của nhóm này. Đặc biệt là AWB đã đe dọa cả những đoàn tham dự World Cup 2010 tại Nam Phi. Từ khi kết thúc chế độ phân biệt chủng tộc apartheid năm 1994 tới nay, đã có 3.000 nông dân da trắng Nam Phi bị giết. Theo một kết quả điều tra của Quốc hội Nam Phi năm 2002, các vụ giết người này không có động cơ phân biệt chủng tộc mà chỉ là bất đồng giữa người da đen làm công với các ông chủ nông trại da trắng.

 

Nam Phi hưởng nhiều lợi ích từ World Cup

 

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ngày 12-5 tuyên bố rằng World Cup 2010 sẽ làm thay đổi Nam Phi mãi mãi. Phát biểu trước Quốc hội nước này, ông nói: “Đất nước của chúng ta sẽ không bao giờ như thế này nữa với bức tranh tổng thể sẽ tươi đẹp hơn nhờ World Cup. Chúng ta một lần nữa khẳng định với thế giới rằng mọi công việc chuẩn bị cho World Cup đang diễn ra đúng hướng”.

 

Theo Tổng thống Nam Phi, điều quan trọng là cả những gì còn lại sau khi tiếng còi trận chung kết vang lên. Đó là một World Cup đã giúp nâng cao hơn nữa tinh thần yêu nước và niềm tự hào của quốc gia. Lá cờ của Nam Phi trở nên quen thuộc hơn với thế giới. Những khoản đầu tư vào lực lượng cảnh sát, cứu trợ thảm họa, y tế và dịch vụ nhập cảnh sẽ tiếp tục mang đến nhiều lợi ích cho người dân Nam Phi sau khi kết thúc World Cup.

 

Hệ thống thông tin và truyền thông của chính phủ Nam Phi đã tổ chức thăm dò ý kiến tại 29 nước trên thế giới từ năm 2007. Kết quả cho thấy, nếu Nam Phi tổ chức thành công World Cup 2010 sẽ góp phần làm thay đổi suy nghĩ của nhiều người về Nam Phi và cả châu Phi. Nước Đức, chủ nhà World Cup 2006 cũng đã thừa hưởng nhiều lợi ích sau khi giải kết thúc.

 

Theo phóng viên thể thao của Tạp chí 11 Freunde, ông Tim Juergens, khi tiền đạo Oliver Neuville ghi bàn vào lưới Ba Lan chính thức đưa tuyển Đức vào vòng 1/16, “đó là khoảnh khắc đặc biệt cho cả nước Đức”. World Cup đã trở thành một sự kiện trong đó những người Đức từ Berlin tới Bonn đều bỏ qua những khác biệt về truyền thống để cùng giương cao lá cờ quốc gia. World Cup đã giúp nước Đức tái thống nhất thật sự sau khi bị chia cắt. Horst R. Schmidt, phụ trách ngân quỹ của Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB), hiện là cố vấn trong Ban tổ chức World Cup 2010 cho biết, nền kinh tế Đức cho đến nay vẫn còn thụ hưởng nhiều lợi ích từ World Cup 2006. Nhiều du khách Italy tìm tới sân vận động Berlin để tham quan nơi mà đội bóng của họ đăng quang.

 

Tại nhiều TP khác như Cologne, lượng du khách cao hơn từ 7% đến 10% so với trước khi diễn ra World Cup. Theo DIW, cơ quan nghiên cứu kinh tế của Đức, hiệu quả kinh tế trực tiếp từ World Cup sẽ không lớn. Du khách tới Đức dịp World Cup 2006 chỉ mang về cho Đức 650 triệu USD, con số này khá nhỏ so với nền kinh tế Đức. Riêng ngành kinh doanh của Đức, doanh thu về kinh doanh, trong đó chủ yếu là thực phẩm, thức uống và hàng lưu niệm là 2,65 tỷ USD. Khoản thu này cũng không thể bù vào các chi phí cải tạo và xây dựng các sân vận động, cải tạo hạ tầng giao thông… Nhưng các quan chức thể thao Đức cho rằng, với hệ thống sân bãi hiện đại vào bậc nhất thế giới hiện nay, Đức là nơi lý tưởng để tổ chức nhiều giải bóng đá quốc tế. Đức được chọn là nơi dự phòng tổ chức giải vô địch châu Âu 2012 trong trường hợp Ukraine không kịp hoàn tất xây dựng các sân vận động.

 

Để đạt được thành công, tài chính là vấn đề hàng đầu. Cho đến nay, Nam Phi đã chi 3,5 tỷ bảng Anh (hơn 7 tỷ USD), chiếm 1,2 % GDP nước này, dành cho việc xây mới và cải tạo 10 sân vận động, cải thiện cơ sở hạ tầng và tăng cường an ninh. Thử làm một phép tính: Tổng cộng có 64 trận đấu, trung bình mỗi sân có sức chứa 56.000 người và giả sử tất cả vé được bán hết với giá 200 USD/vé. Doanh thu về vé sẽ là 717 triệu USD. Nếu Nam Phi có quyền giữ hết lại số tiền này cộng với các khoản thu về bản quyền truyền hình, thu quảng cáo, dịch vụ - thương mại… vẫn khó có thể bù đắp cho khoản chi gấp 10 lần tiền bán vé.

 

Nhưng theo các nhà chuyên môn, khoản chi chiếm 1,72% GDP là có thể chấp nhận được vì nó có tác dụng kích thích nền kinh tế Nam Phi trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá thế giới (FIFA) Jerome Valcke cùng nhận định với Tổng thống Nam Phi cho rằng ông tin tưởng vào những gì để lại sau World Cup sẽ giúp ích cho Nam Phi và cả châu Phi

 

(THEO SGGP)

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=296
Quay lên trên