Xã An Bình (Phú Giáo): Chăm lo đời sống vật chất - tinh thần đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật: 04-08-2011 | 00:00:00

Xã An Bình, huyện Phú Giáo là một trong những xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số (ĐBDTTS) sinh sống. Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), An Bình đã chú ý đến yếu tố dân tộc nhằm tạo ra nét riêng NTM của xã.

 Việc xây dựng thiết chế văn hóa cụm tại An Bình vững mạnh, sẽ góp phần thúc đẩy đời sống văn hóa của đồng bào trên địa bàn xã phát triển

Quan tâm chăm lo đời sống vật chất - tinh thần

An Bình là một xã có diện tích lớn của huyện Phú Giáo, người dân sống bằng nghề nông. Dân cư trên địa bàn xã phân bố khá thưa thớt. Từ lâu cộng đồng ĐBDTTS trên địa bàn xã chung sống hòa đồng với nhau, trong đó đồng bào dân tộc Khmer chiếm đa số với 244 hộ. Trong thời gian qua, công tác dân tộc luôn được xã An Bình chú ý, trong đó việc đào tạo nghề và cấp đất sản xuất cho ĐBDTTS trên địa bàn xã đã phát huy những hiệu quả nhất định. Trong thời gian qua xã An Bình đã cấp đất tái định canh cho 93 hộ đồng bào dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn và thiếu đất canh tác tại Khu tái định canh Suối Sai. Các hộ dân sau khi nhận đất đã tổ chức sản xuất trồng cây cao su, điều phát triển ổn định. Hàng năm trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xã An Bình cũng rất chú ý đến việc đào tạo nghề cho các lao động là người dân tộc thiểu số với một số nghề cơ bản như: khai thác mủ cao su, sửa xe gắn máy, cắt tóc... Bên cạnh đó, với những chính sách dân tộc chung của tỉnh, đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn xã luôn được quan tâm hỗ trợ, do vậy đời sống của đồng bào đã có những thay đổi rõ rệt.

Với đặc trưng là một xã có đông ĐBDTTS sinh sống, trong quá trình xây dựng NTM trong thời gian tới, yếu tố dân tộc sẽ được xã An Bình tiếp tục chú ý nhằm tiếp tục duy trì, phát huy nét đặc trưng văn hóa của các cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn cũng như nâng cao hơn nữa chất lượng đời sống vật chất, tinh thần của các hộ này. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Công Quang - Phó Chủ tịch UBND xã An Bình cho biết, do đặc trưng các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã chung sống hòa đồng với các cộng đồng dân cư khác nên trong công tác tuyên truyền về NTM, nhận thức chung của các hộ ĐBDTTS có sự thay đổi đáng kể. Mặt khác thông qua cán bộ dân tộc nòng cốt trên địa bàn xã, chương trình xây dựng NTM được tuyên truyền đến các hộ dân một cách gần gũi, hiệu quả hơn nhằm tạo ra sự đồng lòng trong tất cả các cộng đồng xã hội. Chị Ngưu Thị Hạnh ngụ tại ấp Nước Vàng cho biết, thông qua các phương tiện truyền thông và các cuộc họp dân, đồng bào chúng tôi cũng được nghe về chương trình xây dựng NTM trên địa bàn xã. Chúng tôi mong muốn được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để được tham gia nhiều hơn vào chương trình này.

Tạo ra nét sinh hoạt cộng đồng

Yếu tố dân tộc được xác định là quan trọng trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn xã An Bình. Nếu được phát huy đúng cách thì đây chính là nguồn nội lực tạo ra nét đặc trưng riêng, đời sống của ĐBDTTS trên địa bàn xã sẽ được nâng cao. Có thể thấy, để làm được điều này công tác tuyên truyền về chương trình xây dựng NTM cần được đẩy mạnh với những hình thức phù hợp. Mặc dù đời sống của các hộ ĐBDTTS trên địa bàn xã đã có nhiều cải thiện đáng kể nhưng nhìn chung vẫn còn rất khó khăn. Theo tiêu chí mới của tỉnh, hiện nay số hộ ĐBDTTS nghèo trên địa bàn xã vẫn còn 52 hộ chiếm tỷ lệ 24,3%. Mặc dù đã cấp đất sản xuất nhưng nhìn chung do thời gian qua tình hình thời tiết diễn biến phức tạp đã gây ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất của các hộ đồng bào. Bên cạnh đó, khả năng tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật còn hạn chế nên diện tích đất canh tác của các hộ đồng bào chưa phát huy được hiệu quả kinh tế cao nhất. Một thực trạng nữa là thời gian qua số lượng tách hộ trong các gia đình ĐBDTTS diễn ra nhiều, trong khi đó quỹ đất tái định canh còn hạn chế đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác giảm nghèo trong cộng đồng dân tộc trên địa bàn xã. Anh Thạch Lu người được cấp đất trong Khu tái định canh Suối Sai cho rằng, đồng bào mong muốn việc xây dựng NTM trong thời gian tới cần chú ý đến việc nâng cao mức sống cho đồng bào cũng như chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học cho các hộ dân.

Với những nét đặc trưng của cộng đồng dân tộc Khmer trên địa bàn xã, việc lưu giữ, phát huy các nét đặc sắc văn hóa cộng đồng dân tộc này trong việc xây dựng NTM cũng sẽ được chú trọng. Tuy nhiên, việc lưu giữ và phát triển các nét văn hóa của cộng đồng hiện nay cũng đang gặp phải một số khó khăn do nhiều yếu tố. Ông Trần Công Quang cho biết thêm, để có thể phát huy các nét văn hóa đặc trưng của các cộng đồng dân tộc trên địa bàn xã đòi hỏi phải xây dựng được các thiết chế văn hóa phù hợp. Hiện nay việc sinh hoạt văn hóa của các cộng đồng dân tộc còn khó khăn do cơ sở vật chất còn yếu kém, đội ngũ cán bộ văn hóa còn thiếu, năng lực còn hạn chế.

Trong hơn 10 năm tái lập huyện Phú Giáo đến nay, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn xã An Bình đã được chú trọng quan tâm và thực tế đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc trên địa bàn xã đã có nhiều cải thiện. Việc xây dựng thành công NTM trên địa bàn xã An Bình sẽ giúp cho cuộc sống của ĐBDTTS tiếp tục được nâng cao.

CAO SƠN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=488
Quay lên trên