Xã An Lập, huyện Dầu Tiếng: Nâng cấp nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân

Cập nhật: 16-07-2024 | 09:50:57

Sau khi đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) năm 2015, xã An Lập, huyện Dầu Tiếng tập trung mọi nguồn lực nâng chất các tiêu chí để đạt xã NTM nâng cao. Đến nay, An Lập đã “cán đích”.

 Trường học các cấp ở An Lập đáp ứng tốt nhu cầu học tập của con em. Trong ảnh: Trường Mầm non An Lập hoàn thành đưa vào sử dụng năm 2023

 Nỗ lực cao độ

Xây dựng NTM nâng cao vừa là động lực nhưng cũng là thách thức rất lớn đối với xã An Lập. Để có cơ sở thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, Đảng bộ xã đã ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng xã NTM nâng cao, tiến tới xây dựng NTM kiểu mẫu với chương trình hành động phù hợp với địa phương, phân công cấp ủy viên chỉ đạo, theo dõi cơ sở.

Xã tập trung tuyên tuyền, vận động nhân dân, kêu gọi sự ủng hộ và đồng thuận tham gia xây dựng NTM nâng cao. Cùng với đó, địa phương đã thực hiện tốt công tác xây dựng quy hoạch, lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, công bố công khai. Tiến hành khảo sát thực trạng, xây dựng đề án NTM giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030, xã tập trung đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào lĩnh vực nông nghiệp, hiến đất làm đường giao thông nông thôn, bảo vệ môi trường, đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM đô thị văn minh”.

Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Lập, cho biết yếu tố quyết định đưa địa phương đạt chuẩn NTM nâng cao là nhờ sự quan tâm chỉ đạo trực tiếp, thường xuyên của Ban Chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng NTM huyện và các ngành chuyên môn. Các đơn vị chuyên môn của huyện cũng như của tỉnh đã hỗ trợ xem xét, tháo gỡ khó khăn để xã đạt chuẩn từng tiêu chí đánh giá.

Ông Đặng Hữu Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Nông sản sạch An Lập, cho biết: “Trong thời gian qua, từ nguồn ngân sách và xã hội hóa, xã An lập đã tích cực đầu tư, hạ tầng kinh tế, hạ tầng xã hội có bước phát triển nhanh chóng, đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và cuộc sống của nhân dân”. Cũng theo ông Đặng Hữu Tùng, là nhà đầu tư trang trại từ nơi khác về đây lập nghiệp ông luôn nhận được sự quan tâm giúp đỡ của chính quyền địa phương, thủ tục đầu tư, hành chính rất thuận lợi. Dưới sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, các ban ngành, công ty đã được cấp mã vùng trồng để đưa sản phẩm bưởi da xanh đến với thị trường Newzealand và Nga. Mạng lưới giao thông của địa phươg có tính kết nối cao, sản xuất và vận chuyển sản phẩm đều rất thuận lợi.

Hướng tới kiểu mẫu

Để chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM thật sự hiệu quả, Đảng bộ, chính quyền xã An Lập luôn quan tâm sâu sát đến lĩnh vực phát triển kinh tế, xem đây là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy tiến trình xây dựng NTM, nâng cao đời sống cho người dân. Trong thời gian qua địa phương đã triển khai nhiều chủ trương phù hợp tình hình thực tế, tích cực vận động, khuyến khích người dân áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, phát triển các mô hình sản xuất chất lượng cao, sản xuất theo phương thức Oraganic, VietGAP, GlobalGAP... Điển hình như các mô hình trồng bưởi, dưa lưới, chăn nuôi gà bằng công nghệ chuồng lạnh đã mang lại hiệu quả kinh tế khá cao so với mô hình canh tác truyền thống.

 Ông Đặng Hữu Tùng tại trang trại của Công ty TNHH Nông sản sạch An Lập

Xã An Lập có cây trồng chủ lực là cao su, trong những năm qua địa phương đã chủ động và tích cực giới thiệu lao động cho các đơn vị khai thác, chế biến mủ trong và ngoài địa bàn, nhờ vậy việc làm của cư dân được bảo đảm tốt. 6 tháng đầu năm 2024 đã có gần 600 lao động địa phương vào làm việc trong các đơn vị, nâng số lao động trong ngành cao su của xã lến đến gần 4.000 lao động.

Phát triển kinh tế có hiệu quả, cùng những chính sách hỗ trợ kịp thời của địa phương đã góp phần thúc đẩy đời sống người dân nâng lên rõ rệt. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 72 triệu đồng/người vào năm 2021 lên 81 triệu đồng/ người vào năm 2023, dự kiến năm 2024 sẽ đạt 84 triệu đồng/ người. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 0,3%, địa phương không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương.

Cùng với đó, các tiêu chí về giáo dục, văn hóa, y tế, môi trường, hành chính công... của xã An Lập cũng đạt được những kết quả hết sức ấn tượng. Trong đó, tỷ lệ trường học các cấp từ mầm non đến tiểu học, trung học cơ sở đều đạt chuẩn mức độ 1, một trường đạt chuẩn mức độ 2, tỷ lệ lao động qua đào tạo cả nam và nữ đều đạt gần 90%...

Ông Phan Quang Minh, Chủ tịch UBND xã An Lập cho biết việc hoàn thành các tiêu chí xã NTM nâng cao là điều rất đáng khích lệ đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Xã An Lập xác định ưu tiên trong thời gian tới là tiếp tục đạt được một số chỉ tiêu ở mức cao hơn, hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng, kiến nghị xây dựng thêm công trình văn hóa, sân thể thao và nâng cao thu nhập người dân. Đây sẽ là tiền đề và động lực cần thiết cho địa phương hướng tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu trong thời gian sắp tới.

 Đối chiếu với Bộ tiêu chí NTM nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến nay xã An Lập đạt 19/19 tiêu chí, trong đó có nhiều tiêu chí được đánh giá đạt từ 85-100%, vượt xa so với yêu cầu đề ra từ 15-35%. Hiện nay, xã An Lập đã có 80 tuyến đường giao thông do xã quản lý với tổng chiều dài 65km, hàng năm đều được duy tu, sửa chữa đáp ứng tốt yêu cầu. Có 6/7 tuyến đường xã, liên xã, trục ấp có hệ thống chiếu sáng, cây xanh, 60% các tuyến đường liên ấp được nhựa hóa và số còn lại đã được cứng hóa.

 TUẤN ANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=3221
Quay lên trên