Để hoàn thành mục tiêu trở thành phường, xã An Tây đã và đang nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp sáng tạo, quyết tâm hoàn thiện các tiêu chí, điều kiện cần thiết, đáp ứng theo đúng nguyện vọng, mong muốn của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân địa phương.
Yêu cầu từ thực tiễn
Xã An Tây có vị trí giáp ranh với TP.Hồ Chí Minh, chịu sự tác động của quá trình đô thị hóa cao của vùng đô thị trung tâm, gồm TP.Thủ Dầu Một, TP.Thuận An và vùng phía bắc của TP.Hồ Chí Minh. Xã An Tây nằm ở vị trí rất thuận lợi, có đường Vành đai 4, đường ĐT748, ĐT744, đường ĐH606 nối trung tâm TX.Bến Cát với ngã ba Rạch Bắp và trung tâm giao thương giữa các Khu công nghiệp Việt Hương II, Mai Trung, Acsendas, Rạch Bắp; kết nối tỉnh Tây Ninh với TP.Thủ Dầu Một. Là đơn vị hành chính có địa hình tương đối bằng phẳng, điều kiện tự nhiên thuận lợi nên xã An Tây thu hút nhiều các dự án đầu tư phát triển như Khu công nghiệp Quốc tế Protrade, Khu công nghiệp Việt Hương II, Khu công nghiệp Rạch Bắp An Điền. Ngoài ra, địa bàn xã tập trung nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn... tạo sự chuyển biến trong quá trình phát triển đô thị, từng bước hình thành lối sống đô thị.
Cơ sở vật chất văn hóa trên địa bàn xã An Tây ngày càng được đầu tư, hoàn thiện
Trong những năm gần đây, kinh tế - xã hội của xã An Tây đã có bước phát triển mạnh mẽ; thu ngân sách đạt và vượt kế hoạch đề ra; công tác văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện, nâng cao. Kinh tế của xã phát triển theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ với các ngành, nghề chủ yếu, như: Chế biến gỗ, cơ khí, may mặc, giày da, đồ gia dụng, bảo hộ lao động, vật liệu xây dựng, sản xuất khuôn mẫu, dập kim loại. Đến nay, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật trên địa bàn xã đã được đầu tư với quy mô lớn, hiện đại, đồng bộ, từng bước hình thành không gian đô thị trên địa bàn.
Bên cạnh đó, những thay đổi về kinh tế - xã hội và quá trình đô thị hóa đã và đang đặt ra cho xã nhiều vấn đề mới cần giải quyết như quản lý kinh tế; quản lý quy hoạch xây dựng, kiến trúc; quản lý kết cấu hạ tầng kỹ thuật; quản lý dân cư; phòng chống các tệ nạn; bảo đảm trật tự công cộng, cảnh quan và bảo vệ môi trường. Vì vậy, mô hình quản lý chính quyền nông thôn như hiện nay không còn phù hợp, cần thiết thành lập phường An Tây để tạo tiền đề pháp lý cho việc thiết lập mô hình tổ chức bộ máy quản lý đô thị.
Nhân dân phấn khởi
So với thời điểm xã An Tây về đích nông thôn mới năm 2016, hiện địa phương đã “thay da đổi thịt” rất nhiều. Gặp người dân trên địa bàn xã, chúng tôi đều thấy họ hồ hởi, phấn khởi với tinh thần quyết tâm thi đua lao động sản xuất, học tập để trở thành một công dân gương mẫu của phường An Tây trong tương lai. Ông Nguyễn Bình An (ấp Rạch Bắp) háo hức cho biết: “Người dân rất vui mừng khi được biết xã mình phấn đấu để trở thành phường. Điều này có nghĩa bộ mặt xã ngày càng hiện đại, đẹp hơn. Chúng tôi sẵn sàng chung tay đóng góp xây dựng để An Tây tiếp tục phát triển hơn nữa”.
Dạo một vòng quanh các ấp trên địa bàn xã, chúng tôi nhận thấy có sự đổi thay diện mạo rõ rệt từ đường giao thông đến nhà cửa, đời sống vật chất lẫn tinh thần của người dân. Trên các tuyến đường kiểu mẫu sạch sẽ và rộng rãi, địa phương đã quan tâm chỉnh trang với rực rỡ sắc màu hoa, cây xanh… Cảnh quan của một xã nông thôn mới như được khoác trên mình chiếc áo mới.
Được biết, năm 2021, cơ cấu kinh tế của xã đã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng thương mại - dịch vụ và công nghiệp. Trong đó, nông nghiệp trên địa bàn xã chỉ chiếm 10% còn công nghiệp chiếm 66,5% và thương mại - dịch vụ chiếm 23,5%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2021 đạt 66,376 triệu đồng/người/năm, tăng 0,69 lần so với năm 2016 (45,8 triệu đồng/người/ năm). Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm còn 0,64%.
Đến thời điểm hiện tại, xã An Tây đã đạt được 12/12 tiêu chuẩn để thành lập phường theo quy định. Có thể nói, việc thành lập phường An Tây trong thời gian tới sẽ góp phần phát huy hơn nữa chức năng đô thị, đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch đáng kể cơ cấu kinh tế của địa phương. Đó cũng là yêu cầu cần thiết, khách quan và phù hợp với quy hoạch, nguyện vọng chung của nhân dân và mục tiêu thành lập TP.Bến Cát thuộc tỉnh Bình Dương trong thời gian tới.
HUỲNH THỦY - HỮU TẤN