Xã An Thái, huyện Phú Giáo: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Thứ tư, ngày 02/04/2025
Theo dõi Báo Bình Dương trên

Những năm qua, xã An Thái, huyện Phú Giáo đã đạt nhiều kết quả quan trọng trong việc phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước, cùng với đó người nông dân mạnh dạn thực hiện các mô hình nông nghiệp bền vững, giải pháp xử lý phế phẩm nông nghiệp giúp nâng cao thu nhập, kinh tế địa phương phát triển ổn định gắn với bảo vệ môi trường.

Sản xuất nông nghiệp ƯDCNC giúp xã An Thái phát triển nông nghiệp bền vững. Trong ảnh: Sơ chế chuối tại Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I

Phát triển nông nghiệp bền vững

Ông Bùi Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã An Thái, cho biết xã đã quy hoạch vùng chuyên canh cao su, chuyển đổi giống cây trồng năng suất thấp sang giống cây cao sản, kháng bệnh tốt. Đồng thời, địa phương phát triển vườn cây ăn trái ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), tạo nền tảng cho kinh tế phát triển bền vững. Ngành chăn nuôi cũng được tổ chức theo mô hình trang trại, gắn với bảo vệ môi trường; đổng thời ứng dụng công nghệ cao giúp kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải triệt để, hạn chế ô nhiễm, bảo đảm sức khỏe cộng đồng.

Điển hình như mô hình trồng cây ăn quả của Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I ở xã An Thái có diện tích hơn 411 ha, với các loại cây trồng như chuối cấy mô, bưởi da xanh, dưa lưới... Trong đó, sản phẩm dưa lưới và chuối cấy mô đạt tiêu chuẩn OCOP (Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”) 4 sao. Mô hình này tạo việc làm thường xuyên cho hơn 300 lao động trong xã với thu nhập trung bình 8 triệu đồng/tháng. Mô hình đạt lợi nhuận sau thuế hơn 4,5 tỷ đồng/năm. Công ty còn liên kết với các hộ dân để hướng dẫn kỹ thuật trồng và tiêu thụ sản phẩm. Đại diện Công ty Cổ phần Nông nghiệp U&I cho biết mô hình trồng cây ăn quả tuân thủ nghiêm ngặt quy trình kỹ thuật, bải đảm an toàn sinh học, vệ sinh môi trường. Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng đúng giai đoạn sinh trưởng và mùa vụ, giúp cây phát triển tối ưu. Quá trình canh tác được ghi chép đầy đủ, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm và hiệu quả kinh tế.

Hiện nay, các trang trại tại xã An Thái đều áp dụng công nghệ hiện đại như nhà kính thông minh, hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương điều khiển từ xa qua ứng dụng di động, giúp giảm công lao động thủ công. Công nghệ GPS và GIS được sử dụng để phân tích đất, dự báo sản lượng, theo dõi năng suất cây trồng, phát hiện sâu bệnh sớm và xử lý kịp thời. Lãnh đạo xã An Thái cho biết thời gian qua, địa phương đã phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị liên quan đào tạo, tập huấn giúp nông dân tiếp cận máy móc hiện đại và công nghệ số; đồng thời đẩy mạnh số hóa thông tin sản xuất, gắn mã QR truy xuất nguồn gốc nông sản, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tạo thuận lợi cho công tác quản lý.

Hướng tới nông thôn mới kiểu mẫu

Xã An Thái được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2020. Phát huy kết quả đạt được, xã đang chú trọng công tác bảo vệ môi trường, hướng tới đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hiện xã đã có 19/19 chỉ tiêu đạt NTM kiểu mẫu và đã hoàn thiện hồ sơ trình cấp trên đề nghị công nhận xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Xã cũng đã đạt 29/39 chỉ tiêu NTM thông minh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Theo đó, để đạt các tiêu chí NTM kiểu mẫu, xã quan tâm thực hiện tốt việc xử lý phế phẩm nông nghiệp thông qua việc tuyên truyền, hướng dẫn người dân phân loại, tái chế chất thải. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất nông nghiệp ƯDCNC trên địa bàn đều đầu tư công trình bảo vệmôi trường, bảo đảm vệsinh môi trường theo quy định…

Ông Bùi Thanh Hương, Trưởng ban Điều hành ấp 5, cho hay hiện trên địa bàn ấp có hơn 300 hộ dân. Cây cao su giữ vai trò chủ lực trong phát triển kinh tế của ấp. Bên cạnh đó, nhiều gia đình phát triển cây ăn trái có múi, bảo đảm có nguồn thu nhập ổn định. Giới thiệu về tuyến đường Tiền Trạm trên địa bàn ấp, ông Hương phấn khởi cho biết đây là tuyến đường hoa tiêu biểu của ấp. Trước đây, tuyến đường này chỉ là đường đất nhỏ hẹp, người dân quen gọi là “đường xe bò”. Qua nhiều năm cải tạo, tuyến đường dần được mở rộng, được bê tông hóa. Người dân địa phương còn chủ động trồng hoa dọc hai bên đường, tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp. Đặc biệt, hệ thống chiếu sáng và nước sạch cũng đã được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng sống cho người dân nơi đây.

“Đường sá khang trang, môi trường sạch đẹp không chỉ giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bà con mà còn tạo động lực để người dân phát triển kinh tế. Ngoài ra, việc phân loại rác tại nguồn giúp người dân có thể dùng chất thải hữu cơ để làm phân bón, cải thiện đất trồng, vừa giảm rác thải vừa tiết kiệm chi phí”, bà Trần Hồng Khanh, sinh sống dọc tuyến đường Tiền Trạm, phấn khởi nói.

Lãnh đạo xã An Thái cho biết, xu hướng sản xuất nông nghiệp xanh đang được nhiều người dân hướng ứng. Người nông dân đang dần chuyển đổi sang sản xuất theo hướng sinh thái, tận dụng phế thải để tái chế, nhờ vậy giá trị sản xuất ngày một tăng cao, thu nhập ổn định hơn trước. Địa phương đã và đang phối hợp với các tổ chức, đoàn thể tuyên truyền, vận động người dân tham gia phân loại và xử lý chất thải tại nguồn. Hiện nay, tỷ lệ hộ dân thực hiện phân loại rác đạt 56,49%, góp phần quan trọng vào việc bảo vệ môi trường và xây dựng NTM kiểu mẫu.

 Toàn xã An Thái hiện có 33 mô hình nông nghiệp ƯDCNC (gồm 21 mô hình chăn nuôi, 12 mô hình trồng cây ăn trái) và 1 mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, thân thiện với môi trường và đang được người dân tiếp tục đầu tư, mở rộng sản xuất. Các chính sách hỗ trợ người dân phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường đã góp phần giúp người dân ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Năm 2024, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 93 triệu đồng, tăng 10,46% so với năm 2023.

 TIẾN HẠNH