Gần chục năm về trước, được Nhà nước đầu tư hơn 2 tỷ đồng, chợ Định Hiệp, xã Định Hiệp, huyện Dầu Tiếng đã xây dựng với hàng chục gian hàng và đưa vào sử dụng từ năm 2005. Tuy nhiên, cũng từ đó cho đến nay, ngôi chợ khang trang này gần như bị bỏ trống! Điều nghịch lý là thời gian gần đây, bà con tiểu thương bày bán ở xung quanh nhưng họ vẫn kiên quyết không dọn hàng vào trong chợ? Đâu là nguyên nhân?
Được đầu tư hơn 2 tỷ đồng để xây dựng nhưng chợ Định Hiệp chỉ có 1 người vào bày bán giải khát Ảnh: T.QUANG
Trao đổi với P.V, rất nhiều tiểu thương tại đây cho rằng do khi thiết kế xây dựng công trình, chợ đã “thừa” bậc tam cấp ở các lối ra vào nhà lồng chợ mà dẫn đến hệ lụy này. Bà Nguyễn Thị Thu, tiểu thương buôn bán ở sân chợ Định Hiệp, nói: “Trước tình trạng tiểu thương bày hàng ra ngoài, từ năm 2013, chính quyền xã Định Hiệp đã có lệnh yêu cầu chúng tôi phải vào trong chợ mà buôn bán. Khi ấy thì chúng tôi cũng chấp hành nhưng khổ là khi vào đó thì khách không chịu để xe ở bên ngoài để vào chợ mua hàng. Thế là ế ẩm”.
Theo chị Nguyễn Thị Thu (ảnh), chỉ tại “cái bậc tam cấp này” mà cả khách hàng và bà con tiểu thương không vào chợ! Ảnh: T.QUANG
Sau thời gian dài chợ bị bỏ hoang, mới đây, lãnh đạo xã Định Hiệp cho một người dân thuê bên trong chợ bán hàng giải khát; trong khi ở hai con đường bê tông ngang qua khuôn viên chợ hiện tập trung hàng chục tiểu thương bày bán đang diễn ra nhộn nhịp. Tiếp xúc với P.V, số đông người đi chợ ở vùng quê này cho biết họ không thể chạy xe máy vào trong lòng chợ để mua hàng. Ông N.T.V., ngụ ấp Định Thọ, xã Định Hiệp, phân trần: “Theo thói quen của người dân địa phương khi đến chợ mua sắm, ai cũng muốn ngồi trên xe máy để mua hàng cho tiện rồi “vọt” lẹ về nhà. Đằng này, ai lại thiết kế chợ nông thôn mà lại có cái tam cấp nên người dân quê chúng tôi không thể chạy xe máy mà vào được. Nếu để ở ngoài thì rất bất tiện. Đó là sự thất bại đối với công trình tiền tỷ xây ra để phục vụ dân sinh (?)”. Qua quan sát của P.V, hiện nay xung quanh khuôn viên chợ còn nhiều lô đất bỏ trống, cây dại mọc um tùm; theo đó, không ít người thiếu ý thức khi ra đây phóng uế và tập kết rác thải đã gây ô nhiễm cho khu vực chợ.
Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Định Hiệp cho biết: “Sau ngày chợ đưa vào sử dụng, UBND huyện Dầu Tiếng đã giao cho xã quản lý và 9 năm nay, chính quyền địa phương cũng chưa có quy chế quản lý nào cho phù hợp; khiến bà con tiểu thương kéo nhau ra ngoài đường mà buôn bán. Việc này đã và đang gây khó khăn cho việc quy hoạch, thu phí. Tới đây, địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các tiểu thương vào chợ tập trung buôn bán”.
Tuy nhiên, tiếp xúc với P.V, hầu hết các tiểu thương và người dân ở vùng quê này lại “chê” chợ chỉ vì cái bậc tam cấp cao, bất tiện. Nhiều người tỏ ra đồng tình với cách nói của bà Nguyễn Thị Tám ở ấp Định Thọ, xã Định Hiệp: “Giá như xã cho đập cái tam cấp, hạ nền trong lòng chợ để bà con ra vào mua bán thuận tiện là thượng sách (!?)”. Xem ra, muốn chuyển đổi tập quán của cộng đồng, cứ tưởng chừng như đơn giản hóa ra cũng chẳng chút dễ dàng!
THANH QUANG