Xã hội hóa bậc học mầm non: Những bất cập cần sớm chấn chỉnh

Cập nhật: 21-07-2010 | 00:00:00

Để đối phó với tình trạng quá tải tại các trường công lập thì việc huy động mọi nguồn lực trong xã hội cùng chăm lo cho giáo dục và việc mở rộng hệ thống các trường ngoài công lập là vấn đề hết sức cần thiết. Tuy nhiên, với hình thức xã hội hóa giáo dục này, nhất là ở bậc học mầm non đang dần bộc lộ một số khiếm khuyết.

Được vui chơi và học tập trong một môi trường tốt sẽ giúp các em phát triển cả về thể chất và trí tuệ Theo thống kê của Sở GD-ĐT, hiện trên địa bàn tỉnh có 158 trường mầm non (MN) tư thục gia đình với 228 nhóm, lớp đang hoạt động không phép, chiếm gần 40% số lượng học sinh MN trên toàn tỉnh. Với một lực lượng lao động nhập cư đông đúc, thu nhập không cao, trong khi các trường MN công lập lại ngày càng quá tải thì việc họ phải chạy đôn chạy đáo tìm trường cho con, ngay cả việc phải gửi con vào các trường hoặc các nhóm trẻ gia đình hoạt động không phép cũng là điều tất yếu.

Khi không còn chỗ tại các trường công lập, các trường MN tư thục cao cấp như Trà My, Ngôi sao nhỏ, Baby Star... dành cho những trẻ con nhà khá giả thì ngược lại đa số con em công nhân lao động nhập cư đành phải vào học tại các nhà trẻ, nhóm trẻ “chui”.

Chính vì sự dễ dãi trong hoạt động và không bao giờ bị “ế” mà các trường hoạt động chui càng ngày càng bộc lộ nhiều bất cập như: chạy theo lợi nhuận, cơ sở hạ tầng yếu kém, đội ngũ giáo viên còn thiếu và không có chuyên môn... nên thiệt thòi nhất vẫn là các trẻ được gửi vào đây. Tại cơ sơ nuôi dạy trẻ V. tại xã Tân Đông Hiệp, huyện Dĩ An hiện có khoảng hơn 50 trẻ từ 6 tháng đến 5 tuổi. Tất cả các em được “nhốt” trong một căn phòng cấp 4 với diện tích khoảng 30m2, ngoài cửa là một thanh chắn bằng sắt để ngăn không cho các em chạy ra ngoài. Còn tại trường MN tư thục T. của bà Nguyễn Thị H. tại huyện Thuận An thì khá hơn về cơ sở vật chất nhưng lại thiếu giáo viên trầm trọng. Cứ khoảng 1 tuần là thay giáo viên một lần, những giáo viên này chủ yếu là công nhân muốn thử sức với công việc này rồi bỏ đi sau một tuần đối mặt với những áp lực của việc nuôi dạy trẻ. Để đối phó với tình trạng thiếu giáo viên tại đây, bà H. huy động cả gia đình từ mẹ chồng, mẹ ruột, em ruột, em chồng, em dâu... tham gia giữ trẻ.

Theo quy định, các nhóm trẻ gia đình, lớp mẫu giáo, MN tư thục do các trường mẫu giáo, MN công lập ở địa phương trực tiếp chỉ đạo, quản lý chuyên môn, cũng như theo dõi, kiểm tra nắm tình hình, báo cáo và tham mưu biện pháp xử lý đối với cấp lãnh đạo địa phương. Quy định là vậy, nhưng thực tế thời gian qua, công tác kiểm tra quản lý chưa được thực hiện chặt chẽ. Những cơ sở vi phạm, bị nhắc nhở nhiều lần, nhưng địa phương vẫn chưa có biện pháp xử lý. Chính vì lý do đó mà các cơ sở giáo dục MN dù chưa có giấy phép vẫn cứ ngang nhiên hoạt động.

Phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, Giám đốc Sở GD-ĐT Dương Thế Phương cho biết: Hiện trên địa bàn tỉnh, các trường tư thục, các nhóm trẻ đang mọc lên ngày càng nhiều. Nhiều nơi thu học phí cao, chất lượng chưa bảo đảm. Theo quy định phải đình chỉ hoạt động những nơi này, nhưng nếu làm như vậy, các cháu sẽ đi về đâu? Đây đúng là áp lực lớn đối với ngành giáo dục. Nhưng vì hiện nay, các cơ sở công lập đang bị quá tải, nếu không cho các trường MN ngoài công lập, trường học chui hoạt động thì người lao động không biết gửi con ở chỗ nào. Chính vì vậy mà ngành đành chấp nhận để các em có nơi học tập rồi từ từ khắc phục tình trạng này”.

NGỌC THANH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên
X